Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Cơ hội mới cho điện ảnh Việt Nam: Hành trình hội nhập và phát triển

Những đạo diễn trẻ tài năng, những êkíp sản xuất chuyên nghiệp và hơn cả là sự quan tâm của công chúng nội địa đang tạo nên một diện mạo mới cho điện ảnh nước nhà.

VietnamPlusVietnamPlus02/07/2025

Trong hơn một thập kỷ qua, điện ảnh Việt Nam đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ. Từ một nền điện ảnh từng loay hoay giữa bài toán thị trường và chất lượng, nay nhiều tác phẩm đã vươn tầm thế giới, ghi dấu ấn tại các liên hoan phim danh giá.

Những đạo diễn trẻ tài năng, những êkíp sản xuất chuyên nghiệp và hơn cả là sự quan tâm của công chúng nội địa đang tạo nên một diện mạo mới cho điện ảnh nước nhà.

Tuy nhiên, để phát triển bền vững, ngành điện ảnh Việt cần một nền móng vững chắc: đó là hệ thống đào tạo hiện đại, cơ chế chính sách hỗ trợ, khả năng kết nối quốc tế, cùng một thị trường nội địa đủ rộng và cởi mở. Trong bối cảnh Việt Nam ngày càng chủ động hội nhập, việc tổ chức các liên hoan phim quốc tế tại chính lãnh thổ Việt Nam như Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng, cùng các dự án hợp tác sản xuất xuyên biên giới đang mở ra nhiều cánh cửa mới cho điện ảnh nước nhà.

Nền móng từ các trường đào tạo điện ảnh tốt

Một nền điện ảnh muốn phát triển lâu dài không thể thiếu một hệ thống đào tạo bài bản. Tại Việt Nam trong những năm gần đây, các cơ sở đào tạo điện ảnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, từ chương trình giảng dạy đến phương pháp tổ chức.

Nổi bật nhất vẫn là các trường đầu ngành như Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Đại học Văn Lang.

anh-1-cong-chieu-phim-love-in-vietnam.jpg
Buổi công chiếu phim “Love in Vietnam” tại Cung Hội nghị Quốc tế Ariyana Đà Nẵng

Các trường không chỉ đào tạo chuyên môn đạo diễn, biên kịch, quay phim, dựng phim mà còn mở rộng sang các lĩnh vực sản xuất, truyền thông điện ảnh. Đáng chú ý, một số đơn vị đã hợp tác với các trường điện ảnh quốc tế để cập nhật xu hướng làm phim hiện đại, xây dựng môi trường học tập thực tiễn hơn.

Cùng với đó, mô hình kết nối hiệu quả giữa nhà trường – doanh nghiệp – hãng phim cũng đã được các trường triển khai hiệu quả. Việc sinh viên được tiếp xúc với sản xuất thực tế, được thực tập tại các dự án chuyên nghiệp cũng là bước đệm quan trọng cho sự trưởng thành nghề nghiệp.

Hiệu quả của các dự án hợp tác quốc tế không chỉ tác động đến các sinh viên theo học dự án mà còn tiếp tục tác động đến các sinh viên khóa sau thông qua đội ngũ giảng viên trẻ cùng tham gia các dự án này.

Đạo diễn, Thạc sỹ Nguyễn Hồng Quân – Trưởng Bộ môn Đạo diễn, khoa Nghệ thuật Điện ảnh Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội chia sẻ: “Các dự án hợp tác quốc tế tại trường đều có sự tham gia điều phối, dịch thuật, tổ chức của các giảng viên cơ hữu. Việc tiếp cận với các phương pháp giảng dạy và tổ chức sản xuất đa dạng đã cho chúng tôi những kinh nghiệm thực tế trong giảng dạy và hỗ trợ các sinh viên những khóa tiếp theo trong hành trình điện ảnh của mình.”

Nhờ vào nền tảng đào tạo chuyên nghiệp, nhiều đạo diễn trẻ của Việt Nam đã từng bước khẳng định tên tuổi trên trường quốc tế như Phan Đăng Di, Trần Thanh Huy, Lê Bảo…

Không chỉ các phim dài, mà phim ngắn của sinh viên Việt cũng ngày càng được lựa chọn tham dự các liên hoan phim lớn ở châu Á và châu Âu, mang lại sự tự tin cho một thế hệ làm phim mới.

Theo Phó Giáo sư-Tiến sỹ, Nghệ sỹ Ưu tú Phan Thị Bích Hà – Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sân khấu-Điện ảnh thành phố Hồ Chí Minh, Trưởng Khoa Âm nhạc, Sân khấu và Điện ảnh – Đại học Văn Lang: “Việc xây dựng các dự án hợp tác trong đào tạo có thể vừa phát hiện, vừa phát triển tài năng, vừa giải quyết được bài toán về nguồn nhân lực, vừa tạo được sự ảnh hưởng và phát triển lâu dài cho ngành điện ảnh Việt Nam.

Cùng với công nghệ số, mô hình các lớp học xuyên quốc gia, hay hội thảo trực tuyến, workshop thực hành toàn cầu đang dần làm xóa nhòa đi ranh giới về địa lý. Nếu các trường điện ảnh tại Việt Nam chủ động hơn trong việc khai thác công nghệ này, chúng ta có thể thiết kế các khóa học trực tuyến cùng với các chuyên gia, giảng viên quốc tế, có thể chia sẻ các nền tảng học liệu và mở rộng không gian sáng tạo nghệ thuật của sinh viên.”

Tinh thần liên kết quốc tế - Chìa khóa hội nhập

Điện ảnh là lĩnh vực mang tính toàn cầu cao. Việc học hỏi, hợp tác và giao lưu quốc tế luôn là yếu tố thúc đẩy sự phát triển cả về kỹ thuật, nội dung lẫn tư duy nghệ thuật. Với Việt Nam, tinh thần liên kết quốc tế trong ngành điện ảnh đã được hình thành từ sớm và ngày càng sâu rộng hơn trong những năm gần đây.

Nhiều dự án hợp tác sản xuất giữa Việt Nam và các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp, Đức đã góp phần làm nên những bộ phim có chất lượng tốt, đạt nhiều giải thưởng quốc tế.

Các tác phẩm như "Mùi đu đủ xanh" (đề cử Oscar), "Cha cõng con," "Hai Phượng," "Những đứa trẻ trong sương," hay phim "Ròm" của đạo diễn Trần Thanh Huy không chỉ gây tiếng vang trong nước mà còn nhận được sự hỗ trợ từ các quỹ điện ảnh, các đạo diễn, biên kịch tầm cỡ quốc tế.

Điển hình tại Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng lần thứ 3, năm 2025 đã công chiếu bộ phim Love in Vietnam, dự án hợp tác sản xuất điện ảnh đầu tiên giữa Việt Nam và Ấn Độ, đánh dấu bước phát triển mới trong quan hệ hợp tác văn hóa giữa hai quốc gia.

Bộ phim do đạo diễn Ấn Độ Rahhat Shah Kazmi thực hiện, với nhiều cảnh quay được ghi lại tại thành phố Đà Nẵng và các địa danh du lịch nổi tiếng ở Việt Nam tạo nên sự kết nối tuyệt vời giữa điện ảnh và du lịch.

Chính sách từ phía nhà nước cũng đang ngày càng ủng hộ hợp tác quốc tế trong điện ảnh. Nhiều đề án đã được xây dựng để hỗ trợ đào tạo nhân lực, dịch thuật kịch bản, tổ chức các tuần phim giao lưu và mời gọi các nhà làm phim quốc tế lựa chọn Việt Nam làm bối cảnh quay phim, như trường hợp phim “Kong: Skull Island” từng tạo nên một cơn sốt truyền thông lớn và mở ra nhiều cơ hội quảng bá hình ảnh đất nước.

Theo Nhà sản xuất, Chuyên gia dự án quốc tế Chulsoo Charles Kim - Ủy viên Liên hoan phim Truyền phát Quốc tế Hàn Quốc, Việt Nam cần tiếp tục mở rộng từ hợp tác song phương (Hàn Quốc, Hong Kong) sang liên kết khu vực Đông Nam Á với các chương trình đào tạo, phòng lab, mạng lưới sản xuất với các nước như Malaysia, Thái Lan, Philippines để trở thành trung tâm sản xuất, không chỉ là nơi nhập khẩu nội dung.

Cũng theo ông, Việt Nam có thể đồng sản xuất phim truyền hình với các diễn viên đến từ Thái Lan, Hàn Quốc, Philippines, lồng ghép yếu tố văn hóa đa quốc gia, tạo ra định dạng hấp dẫn với nền tảng quốc tế.

Các quan hệ đối tác chiến lược với những nền tảng như Netflix, iQIYI, VIU có thể thúc đẩy phát triển điện ảnh trong nước dưới sự hỗ trợ của đội ngũ quốc tế. Việt Nam đã sẵn sàng trở thành trung tâm điện ảnh của Châu Á nếu kết hợp tốt các yếu tố trên.

Liên hoan phim – Bệ phóng cho điện ảnh Việt

Việc Việt Nam trở thành nước chủ nhà các liên hoan phim quốc tế đã mang đến cơ hội lớn để phát triển ngành công nghiệp điện ảnh. Tại Việt Nam, nhiều sự kiện đã trở thành điểm hẹn của giới làm phim như Liên hoan phim Việt Nam, Liên hoan phim quốc tế Hà Nội và đặc biệt là Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng được tổ chức lần thứ 3 với nhiều nội dung, hoạt động hấp dẫn.

anh-3-workshop-voi-dao-dien-dien-vien-noi-tieng-han-quoc.jpg
Các chuyên gia trao đổi tại Hội thảo Phát hiện và Bồi dưỡng tài năng điện ảnh – Kinh nghiệm quốc tế và giải pháp của Việt Nam trong khuôn khổ Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng 2025.

Không chỉ đơn thuần là tổ chức sự kiện, các hoạt động bên lề các liên hoan phim như hội thảo, tọa đàm, chiếu phim ngoài trời hay chương trình workshop ươm mầm tài năng, vườn ươm dự án đã mở rộng không gian giao lưu giữa nhà làm phim, diễn viên Việt và bạn bè quốc tế.

Tại Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng lần này, hơn 50 gương mặt trẻ của Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc đã được lựa chọn để tham gia hai lớp diễn xuất cơ bản và nâng cao trong 5 ngày liên tiếp. Ban tổ chức hi vọng workshop ươm mầm tài năng 2025 với những chương trình đào tạo chuyên sâu, sáng tạo và mới mẻ sẽ tiêp tục là bệ phóng diễn xuất cho những gương mặt điện ảnh triển vọng trong tương lai.

Đặc biệt, liên hoan phim còn tạo động lực mạnh mẽ cho các đạo diễn trả, sinh viên điện ảnh và các nhà làm phim độc lập. Khi tác phẩm của họ được lựa chọn trình chiếu, tham gia các phiên pitching tại vườn ươm dự án, cơ hội học hỏi và phát triển nghề nghiệp cũng theo đó mà mở ra.

Qua các hoạt động này, có thể thấy điện ảnh Việt hoàn toàn đủ khả năng vươn ra thị trường khu vực và toàn cầu nếu có chiến lược rõ ràng và nguồn lực hỗ trợ phù hợp.

Tận dụng cơ hội, vươn xa toàn cầu

Cơ hội phát triển cho điện ảnh Việt Nam đang hiện rõ, với nền tảng nhân lực trẻ, cơ sở đào tạo được chú trọng hơn, chính sách hội nhập rõ ràng và cá sự kiện điện ảnh quốc tế diễn ra ngay tại Việt Nam.

Đây là thời điểm thích hợp để ngành điện ảnh chủ động thay đổi, từ tư duy sáng tạo đến cách tổ chức sản xuất, từ mô hình phát hành đến chiến lược quảng bá. Việc tăng cường hợp tác quốc tế, cải thiện môi trường đào tạo và mở rộng sân chơi thông qua các liên hoan phim là những giải pháp không thể thiếu.

Với sự đầu tư bài bản, tinh thần học hỏi không ngừng và niềm tin vào sức mạnh của những câu chuyện mang màu sắc Việt, ngành điện ảnh Việt Nam hoàn toàn có thể nghĩ đến một tương lai rộng mở, nơi những tác phẩm điện ảnh mang hình ảnh con người, đất nước Việt Nam không chỉ hiện diện tại các rạp chiếu trong nước, mà còn sánh vai với điện ảnh thế giới, để tiếng nói Việt Nam không chỉ hiện diện, mà còn được lắng nghe, đồng cảm và chia sẻ trên màn ảnh toàn cầu./.

(Vietnam+)

Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/co-hoi-moi-cho-dien-anh-viet-nam-hanh-trinh-hoi-nhap-va-phat-trien-post1047685.vnp


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Bình minh đẹp rực rỡ trên các vùng biển Việt Nam
Vòng cung hang động kỳ vĩ ở Tú Làn
Trà sen - Món quà thơm của người Hà Nội
Hơn 18.000 ngôi chùa cả nước cử chuông trống bát nhã cầu quốc thái dân an sáng nay

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm