Báo Thanh Niên đã đóng góp tích cực cho việc mở visa
TS. Lương Hoài Nam, Tổng Giám đốc Bamboo Airways, chuyên gia du lịch tại hội thảo
ẢNH: ĐỘC LẬP
TS Lương Hoài Nam mở đầu phát biểu của mình: Tôi tham gia vào câu chuyện visa đến nay đã được 30 năm, gắn liền với việc Việt Nam mở đường bay với các nước. Bản thân tôi cũng đã tham gia liên tục 3 hội thảo liên quan đến chủ đề này do Báo Thanh Niên tổ chức. Đặc biệt, chủ đề hội thảo lần này hết sức thẳng thắn và quan trọng.
Điều quan trọng với chính sách visa của Việt Nam trong suốt 30 năm qua là nhận định, đánh giá vênh nhau giữa cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp. Quan điểm của cơ quan quản lý nhà nước cho rằng đã rất thoáng rồi và 20 - 30 năm đều nói thế. Ngược lại, doanh nghiệp bảo khắt khe, hẹp, khó phát triển... Kết quả của sự vênh nhau đó là đến nay chính sách visa vẫn không thay đổi. Trong 30 năm qua, đã có nhiều cuộc thảo luận, tranh luận và vào năm 2019 căng thẳng lên đến đỉnh điểm. "Tuy nhiên, sau điểm nóng căng thẳng đó, về sau sự họp bàn tháo gỡ cũng tốt hơn. Trong đó, có vai trò quan trọng của Báo Thanh Niên, đã đóng góp tích cực và đến nay là hội thảo lần thứ 3 về visa", ông Nam nhận định.
Xác định rõ quan điểm visa như Tổng Bí Thư Tô Lâm định hướng
Từ thực tế đó, đặt ra vấn đề là chúng ta cần thay đổi quan điểm, cách tiếp cận trong vấn đề visa. TS Nam dẫn lời của Tổng Bí Thư Tô Lâm, khi Tổng Bí thư nói về tốc độ phát triển kinh tế của Việt Nam. Trong thời gian quan, kinh tế Việt Nam có sự phát triển mạnh so với quá khứ nhưng nếu so với thế giới, thực tế thu nhập của người Việt Nam mới đạt 5.000 USD, trong khi mục tiêu để trở thành nước phát triển thì thu nhập đầu người cần đạt tới con số 20.000 USD. Như vậy, chúng ta đang thiếu tới 15.000 USD để đạt tới mức này. Đây là con số khá lớn và chặng đường dài phải nỗ lực để trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Tôi cho rằng đây là cách nhìn nhận hết sức thực tế và nghiêm túc - chúng ta đang ở đâu, cần làm gì và làm như thế nào?
Hội thảo 'Việt Nam nên miễn visa cho du khách nào?' do Báo Thanh Niên tổ chức
ẢNH: ĐỘC LẬP
Từ quan điểm trên của Tổng Bí thư Tô Lâm, đối chiếu ngược lại với ngành du lịch để tìm hiểu xem chúng ta đang ở đâu? Lấy mốc đại dịch Covid-19, nếu so với Thái Lan trước đó, chúng ta chỉ bằng ½ họ, thì đến nay cũng chỉ bằng ½ họ nếu xét về lượng khách quốc tế. Thái Lan 35 triệu lượt khách còn Việt Nam 17,5 triệu lượt. Ngay cả một nước có dân số ít hơn Việt Nam rất nhiều là Malaysia cũng đạt tới 25 triệu lượt. Trung bình, một người dân Malaysia tiếp 1 khách quốc tế, còn 5 người Việt mới tiếp 1 khách quốc tế.
Đó là thực tế của Việt Nam. Vậy còn tiềm năng lợi thế của ngành du lịch Việt Nam thế nào? Hiện nay, các hệ thống khách sạn tại các điểm du lịch lớn như: Phú Quốc, Đà Nẵng, Hội An, Nha Trang, Quảng Ninh… còn dư rất nhiều. Xét về máy bay, chúng ta không dư như lĩnh vực khách sạn nhưng các hãng hàng không mua thêm để phục vụ du khách rất đơn giản. Chúng ta cần xác định quan điểm, du lịch là ngành xuất khẩu tại chỗ mà không có giới hạn nào. Việt Nam không thiếu bất cứ thứ gì để tăng trưởng lượng khách du lịch. Vậy cơ chế như thế nào để đạt được mục tiêu tăng trưởng thì câu chuyện visa là rất quan trọng. Việt Nam cần thay đổi cách tiếp cận visa từ công cụ quản lý, bổ sung thêm 1 vế là "công cụ cạnh tranh điểm đến du lịch quốc tế". Nếu xác định được quan điểm như thế, ngành du lịch Việt Nam sẽ có cơ hội thành công tốt hơn.
Mở visa cho khách nào?
Trả lời câu hỏi cốt lõi của hội thảo, TS Nam nêu quan điểm: Đối với khối EU, chúng ta thỉnh thoảng mở thêm cho nước này nước khác; trong khi EU họ là 1 khối, vậy nên xem xét miễn hết cho cả khối này. Bên cạnh đó, Úc và New Zealand cũng là những nước có tiềm năng lớn có thể xem xét mở cho họ.
Với một số nước khác quan trọng Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ là những nước lớn và quan trọng. Ở cấp nhà nước, nên đàm phán visa dài hạn 5 - 10 năm nếu không mở hoàn toàn được.
Bên cạnh đó, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, có thể làm ngay trong việc mở visa cho các đối tượng khách tham dự sự kiện, hội nghị, hội thảo… để hướng đến thành phần khách đa quốc tịch và định hướng Việt Nam thành nơi lựa chọn cho các sự kiện quốc tế. Bên cạnh đó, làm ngay được là miễn visa cho khách trên các chuyên cơ thương mại - giới nhà giàu, từ tổ bay tới đoàn tùy tùng.
Ngoài việc mở visa, việc xúc tiến du lịch cũng là vấn đề quan trọng. TS Lương Hoài Nam cho biết: Mới tuần trước, chúng tôi tiếp đón người khách quan trọng là Bộ trưởng du lịch Malaysia, đến và thuyết phục chúng tôi mở đường bay trực tiếp. Hoạt động như vậy có ý nghĩa rất lớn với các doanh nghiệp trong ngành. Malaysia, Thái Lan mỗi nước có 2 văn phòng quảng bá du lịch của họ tại Việt Nam; ngược lại Việt Nam chẳng có văn phòng nào trên khắp thế giới. Trong khi Việt Nam quảng bá rất yếu, chủ yếu theo cách hữu xạ tự nhiên hương. Mới đây, trong cuộc họp Quốc hội, Bộ trưởng phụ trách ngành cũng thừa nhận sự yếu kém này. Câu chuyện quảng bá cho ngành du lịch cần phải thiết kế lại cơ chế về mặt tổ chức và vốn.
Nguồn: https://thanhnien.vn/co-the-noi-visa-ngay-cho-khach-toi-viet-nam-tham-du-su-kien-185250424111521398.htm
Bình luận (0)