Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Côn Lôn giữ vững các tiêu chí nông thôn mới

- Theo đề án sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã, thị trấn tại huyện Na Hang, xã Côn Lôn sẽ sáp nhập cùng xã Sinh Long, lấy tên là xã Côn Lôn, trụ sở đặt tại xã Côn Lôn. Là xã nông thôn mới thứ 2 của huyện Na Hang được công nhận năm 2016 sau xã Năng Khả, việc sáp nhập cùng xã khó khăn của huyện sẽ đặt ra câu hỏi, cần làm gì để giữ vững các tiêu chí nông thôn mới.

Báo Tuyên QuangBáo Tuyên Quang16/05/2025

Nội lực của xã nông thôn mới

Côn Lôn còn được gọi là xứ Trung Mường, được thiên nhiên ban tặng cho điều kiện tự nhiên vô cùng thuận lợi. Xuất phát điểm là xã vùng cao đầy khó khăn, nhưng với sự quyết tâm, nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và người dân, chỉ sau 5 năm (2011 - 2016) xã đã hoàn thiện và cán đích xây dựng nông thôn mới. 

Tuy mới hơn 30 tuổi, nhưng anh Nguyễn Văn Phôn, thôn Nà Nam đã có trong tay 7 chú ngựa bạch với vốn sinh kế gần 300 triệu đồng. Anh Phôn kể, năm 2020, sau thời gian trải qua nhiều nghề ở phương xa, anh quyết định trở về địa phương lập nghiệp. Anh vay vốn Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Na Hang hơn 100 triệu đồng, cùng với số vốn tự có, anh mua 7 con ngựa bạch nuôi theo hình thức “vỗ béo” và xây mới chuồng trại với chi phí 250 triệu đồng. Năm 2024 vừa qua, anh Phôn vui lắm, anh mới bán được 5 con ngựa thu được hơn 130 triệu đồng, nhờ nuôi đúng kỹ thuật, sau 1 năm mỗi con tăng được 50 - 70 kg, mỗi con lãi trên 10 triệu đồng.

Tại thôn Lũng Vài, thôn khó nhất của xã Côn Lôn, có một Bí thư Chi bộ miệng nói tay làm khiến ai cũng nể phục. Ấn tượng đầu tiên khi gặp Bí thư Sùng A Lầu có lẽ là hình ảnh cán bộ thôn đang làm việc nhoay nhoáy bên chiếc laptop mới cáu cạnh. Bí thư Lầu giới thiệu, Lũng Vài tuy nằm ở thung lũng, nhưng chỉ có 15 ha đất có thể trồng lúa, còn lại đất cằn dành cho trồng ngô 1 vụ.

Người dân xã Côn Lôn tận dụng các dòng suối chăn nuôi thủy cầm.

Tình cờ năm 2014, anh được tham quan mô hình khảo nghiệm giống ngô lai NK 4300 và mạnh dạn đứng ra xin làm thử nghiệm. Để người dân tin, anh cùng 2 người trong thôn đứng ra thành lập “Tổ hợp tác trồng ngô” với 3 thành viên, trồng trên diện tích gần 10 ha. Năm đó, cây ngô lai đạt năng suất 4 tấn/ha, gấp 3 lần ngô bản địa. Từ năm 2015, vấn đề lương thực của Lũng Vài cũng được giải quyết dứt điểm.

Ở Lũng Vài, hiện lớp trẻ đã có tư duy đổi mới, toàn thôn hiện có 50 lao động đi làm tại các khu công nghiệp, có 5/7 lao động xuất khẩu của xã Côn Lôn là người dân ở Lũng Vài. Toàn thôn có 78 hộ dân thì chỉ còn 4 hộ nghèo, nhiều mô hình cây rau vụ đông, mô hình nuôi bò vỗ béo đang dần được người dân áp dụng. Thu nhập bình quân đầu người hiện đạt khoảng 40 triệu đồng/người/năm.

Sáp nhập với xã khó

Bắt đầu từ ngày 1 - 7, xã Côn Lôn sẽ sáp nhập cùng xã Sinh Long, thành xã Côn Lôn mới. Với nội lực của xã nông thôn mới, Côn Lôn sẽ quyết tâm cùng Sinh Long vươn lên, dù câu chuyện này sẽ gặp muôn vàn khó khăn, thử thách.

Bởi nhắc đến xã Sinh Long, thoạt nghe ai cũng mường tượng về mảnh đất khó, nằm ở ngõ cụt của huyện Na Hang. Toàn xã có gần 709 hộ dân thì 569 là hộ nghèo, chiếm 80,6%. Trước đây, xã Sinh Long nghèo một phần là do giao thông đi lại quá khó khăn; tập quán canh tác lạc hậu, bà con trồng cấy gì cũng chỉ một vụ, còn lại để đất trống, mặc cho trong bồ hết thóc, ngoài vườn hết rau cũng chẳng bận tâm.

Tuy nhiên, những cái khó ấy đang được xã khắc phục khi hệ thống giao thông dần được kiên cố, đi lại thông thương thuận lợi. Bí thư Đảng ủy xã Sinh Long Nguyễn Quốc Luân cho biết, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ xã lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định, phát triển kinh tế - xã hội tập trung chủ yếu vào 3 lĩnh vực gồm chăn nuôi gia súc, phát triển cây chè và xuất khẩu lao động.

Toàn xã Sinh Long hiện có hơn 991 ha chè cổ thụ và chè trồng, trong đó diện tích đang cho khai thác là 50,5 ha. Tại xã cũng đã có 6 hợp tác xã, doanh nghiệp kinh doanh, chế biến, sản xuất và thu mua, tiêu thụ chè Shan tuyết. Tuy nhiên, việc bao tiêu, thu mua sản phẩm chè tươi cho người trồng chè Shan tuyết vẫn chưa ổn định nên không ít hộ trồng chè chưa thực sự quan tâm đến việc cải tạo, chăm sóc, nhân rộng chè Shan tuyết.

Sinh Long là thủ phủ của lợn đen đặc sản với số lượng trên 4.000 con, doanh thu mỗi năm từ bán lợn đen đạt khoảng 2,5 tỷ đồng. Bí thư Chi bộ thôn Phiêng Ngàm Hoàng Văn Mạnh chia sẻ, gia đình vừa bán được lứa lợn đầu năm nay thu về gần 50 triệu đồng. Năm nay lợn bán giá 80 nghìn đồng/kg, thương lái tranh mua vì sợ hết hàng. Đặc thù lợn đen Sinh Long có chất lượng thịt ngon, nhưng nhiều mỡ, trọng lượng đạt đến 100 kg sau 8 tháng nuôi. Lợn đen Sinh Long dễ nuôi, dễ bán, năm nào cũng trong tình trạng cháy hàng.

Đến hết năm 2024, xã Sinh Long đã đạt 6/19 tiêu chí đạt chuẩn xã NTM, thu nhập bình quân đầu người đạt 18,2 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo chiếm gần 80%. Hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững; Chương trình MTQG vùng đồng bào DTTS và miền núi với số vốn được giao trên 9,5 tỷ đồng đang phát huy hiệu quả, đầu năm 2025, công trình duy tu đập thủy lợi Khuổi Phìn đã đưa vào sử dụng sẽ cung cấp nước tưới cho trên 100 ha lúa đảm bảo sinh trưởng đúng thời vụ.

Trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, xã Sinh Long phấn đấu đến hết năm 2025 sẽ giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn dưới 60%, giải quyết việc làm mới cho trên 150 lao động. Xã đang tiếp tục tăng cường thu hút các nguồn lực vào đầu tư xây dựng NTM, thực hiện tốt các giải pháp để thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên.

Đủ tiềm lực cõng xã khó

Theo Bí thư Đảng ủy xã Côn Lôn Dương Văn Nội: Với nội lực của xã nông thôn mới, Côn Lôn sẽ cùng với xã Sinh Long khắc phục khó khăn, khai thác tiềm năng thế mạnh để vươn lên.

Đi nhiều các xã ở vùng cao thì hiếm có địa phương nào có diện tích đất tự nhiên trồng lúa lại màu mỡ và có quy mô tập trung lớn hơn cánh đồng Côn Lôn. Với diện tích đồng ruộng gần 80 ha, nằm dọc con suối Nậm Mường, quanh năm không khi nào thiếu nước, hiện nay, bà con trong xã đã biến cánh đồng này thành cánh đồng mẫu lớn, gieo cùng giống, cấy cùng trà, chăm cùng đợt. Năng suất lúa tăng lên trên 80 tạ/ha, nhà nào nhà nấy thóc lúa đầy bồ, quanh năm không lo thiếu gạo.

Nhắc đến Côn Lôn người ta sẽ nghĩ ngay đến con ngỗng, vịt, tận dụng dòng suối Nậm Mường chảy từ Thượng Nông về Yên Hoa qua trung tâm xã, người dân thôn Trung Mường đã phát triển mạnh nuôi ngỗng bản địa và nuôi vịt. Thâm niên gần 13 năm gắn bó với con ngỗng, anh Nguyễn Quảng Bé, thôn Trung Mường kể, gia đình anh hiện có đàn ngỗng hơn 40 con, ngỗng Côn Lôn nổi tiếng với chất lượng thịt ngon, chỉ ăn cỏ, lội suối và ăn sạch nên thương lái khắp nơi đều tìm đến mua. Toàn thôn Trung Mường hiện có trên 90 hộ dân thì có tới hơn 40 hộ nuôi ngỗng, đàn ngỗng hiện có trên 700 con, từ ngỗng mỗi năm các gia đình có thu nhập từ 20 - 40 triệu đồng.

Bí thư Đảng ủy xã Dương Văn Nội chia sẻ thêm, Côn Lôn hôm nay đã không còn là ngõ cụt vì có tuyến đường Nà Đâu thông sang xã Thượng Nông (Na Hang) và giao thương với Hà Giang, Cao Bằng… Hiện thu nhập bình quân đầu người đạt 45 triệu đồng/người/năm, toàn xã đã thực hiện được trên 17 km đường bê tông nông thôn.

Vì vậy, nếu tiềm năng, thế mạnh của hai xã được kết hợp, cùng với sự đoàn kết, đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, tin rằng sau sáp nhập Côn Lôn sẽ nỗ lực giữ vững danh hiệu nông thôn mới.

Nguồn: https://baotuyenquang.com.vn/con-lon-giu-vung-cac-tieu-chi-nong-thon-moi-211922.html


Bình luận (0)

No data
No data

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm