Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Cùng cả nước vươn mình, vững tin tiến vào kỷ nguyên mới

Những ngày tháng Tư lịch sử, hòa trong không khí cả nước vui tươi, phấn khởi chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), người dân Bình Thuận cũng hân hoan đón chào kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975 - 19/4/2025).

Báo Tin TứcBáo Tin Tức20/04/2025

50 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Thuận đã nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, chung tay xây dựng tỉnh nhà với những bước tiến dài trên chặng đường phát triển.

Chú thích ảnh

Rực rỡ cờ hoa, pano, áp phích cổ động rực rỡ tại Tượng Đài Chiến Thắng, thành phố Phan Thiết (Bình Thuận). 

Đánh tan chốt chặn tiền tiêu Phan Thiết

Bình Thuận là tỉnh cực Nam của Nam Trung bộ, giáp với Ninh Thuận từ phía Bắc, Xuân Lộc, Long Khánh (Đồng Nai) từ phía Nam. Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Bình Thuận chia làm hai tỉnh là Bình Thuận và Bình Tuy.

Theo tài liệu của Ban Tuyên giáo và Dân vận tỉnh Bình Thuận, Phan Thiết là trung tâm hành chính, quân sự đầu não của ngụy quyền tỉnh Bình Thuận, nên địch bố trí phòng thủ với lực lượng quân sự mạnh. Tuy nhiên, các đội quân giải phóng vẫn liên tục đột nhập đánh diệt gây nhiều thiệt hại cho địch như đánh diệt cụm địch ở bến xe Đức Long (8/12/1974), diệt cụm địch ở Phú Mỹ (14/12/1974) và diệt cụm lô-cốt Xuân Phong, khiến địch hoang mang và phải điều động lực lượng tăng cường phòng thủ thị xã, tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng vũ trang các huyện đánh địch mở rộng vùng tranh chấp, vùng giải phóng, đưa phong trào cách mạng tỉnh Bình Thuận phát triển cao hơn. Ở một số nơi địch tung lực lượng phản kích hòng tái chiếm các vùng đã mất, nhưng không xoay chuyển được tình thế.

Sau khi Phan Rang thất thủ, Phan Thiết trở thành chốt chặn tiền tiêu của chính quyền Sài Gòn từ hướng Đông. Rạng sáng 18/4/1975, Trung đoàn 812 Quân khu VI phối hợp với Tiểu đoàn 482 cùng một số lực lượng vũ trang địa phương đồng loạt đánh vào Chi khu Thiện Giáo (Ma Lâm).

Sau gần 1 ngày chiến đấu ác liệt, ta làm chủ Chi khu và quận lỵ Ma Lâm, đập tan cứ điểm quan trọng bảo vệ phía Bắc Phan Thiết, làm cho hệ thống đồn bốt của địch rung động. Địch chống cự quyết liệt, tung nhiều tiểu đoàn với sự chi viện của pháo binh, máy bay phản kích song đều bị quân ta đẩy lùi.

Trưa 18/4/1975, cánh quân Duyên Hải tiến công làm chủ các quận Phan Rí, Tuy Phong, Sông Mao, Hòa Đa, áp sát thị xã Phan Thiết. Đến 20 giờ ngày 18/4/1975, quân ta vượt qua cầu Phú Long tấn công vào Phan Thiết với 3 mũi - mũi chủ yếu theo đường 1 đánh vào tiểu khu tòa hành chính rồi theo đường Bình Hưng thọc xuống chặn cửa biển Thương Chánh; mũi thứ hai từ Phú Long theo đường Phước Thiện Xuân vòng xuống Phú Hài đánh chiếm Lầu Ông Hoàng chặn địch rút chạy về Mũi Né; mũi thứ ba lách tất cả mục tiêu trong thị xã theo đường 1 thọc lên đánh chiếm Căng Êsêpic.

Khi xe tăng của ta xông vào chặn đánh trước cổng Sở chỉ huy tiểu khu và tòa hành chính thì địch hoảng hốt tháo chạy tán loạn. 22 giờ 30 phút ngày 18/4/1975, ta hoàn toàn làm chủ thị xã Phan Thiết. Đến 9 giờ sáng ngày 19/4/1975, Ủy ban quân quản vào tiếp quản Phan Thiết. Bình Thuận giải phóng, mở ra chặng đường quan trọng tiến đến đại thắng Mùa Xuân 1975.

Sau 51 ngày đêm (8/3- 27/4/1975) liên tục tấn công và nổi dậy, quân, dân Bình Thuận và Bình Tuy đã giải phóng hoàn toàn quê hương, góp phần cùng quân dân cả nước lập nên kỳ tích đại thắng Mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Trải suốt hơn 21 năm chiến đấu kiên cường, quân và dân Bình Thuận đã lập nhiều chiến công hiển hách, xứng đáng với 12 chữ vàng mà Đảng và Nhà nước đã trao tặng “Tự lực, tự cường, chiến đấu oanh liệt, thắng lợi vẻ vang”.

Ông Bùi Thế Nhân, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Thuận nhìn nhận, giai đoạn (1954 - 1975), Đảng bộ tỉnh Bình Thuận đã tổ chức lãnh đạo cuộc kháng chiến theo đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam, khẳng định được vai trò tổ chức, lãnh đạo phong trào cách mạng của Đảng bộ địa phương, là nhân tố quyết định mọi thắng lợi.

Chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Thuận đã tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vô cùng gian khổ, ác liệt và hy sinh, đã phát huy ý chí tự lực, tự cường cùng với quân và dân cả nước thực hiện cuộc tổng tiến công và nổi dậy làm nên chiến thắng lịch sử giải phóng tỉnh Bình Thuận vào ngày 19/4/1975 và góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam vào ngày 30/4/1975 thống nhất đất nước.

Vững tin tiến vào kỷ nguyên mới 

Ông Bùi Thế Nhân, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Thuận cho biết: Sau ngày giải phóng quê hương và đất nước, cán bộ và nhân dân tỉnh Bình Thuận đã bắt tay xây dựng bộ máy chính quyền, khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội… và nhất là phát triển 3 trụ cột Nông nghiệp - Công nghiệp - Du lịch. Qua 50 xây dựng, đổi mới và phát triển, toàn quân và nhân dân trong tỉnh đã nỗ lực phấn đấu, khắc phục nhiều khó khăn, thử thách, đạt được những kết quả quan trọng và tương đối toàn diện.

Qua 50 năm quê hương được giải phóng, nhất là sau 33 năm kể từ khi tái lập tỉnh (năm 1992), Bình Thuận từ một tỉnh kinh tế kém phát triển, vươn lên trở thành một tỉnh phát triển khá. Năm 2024, tổng sản phẩm nội tỉnh GRDP tăng 7,25% cao hơn mức trung bình chung cả nước. Quy mô nền kinh tế cán mốc hơn 128 nghìn tỷ đồng, xếp thứ 26/63 tỉnh, thành phố...

Kinh tế biển tiếp tục phát triển kết cấu hạ tầng ven biển, hải đảo được quan tâm đầu tư, nâng cấp, phục vụ tốt yêu cầu phát triển. Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh thu hút vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước đạt 225.137 tỷ đồng, tăng bình quân 11,23%/năm. Bình Thuận thu hút 8 dự án FDI với tổng vốn đăng ký hơn 4 tỷ USD.

Các hoạt động du lịch, thương mại, dịch vụ tiếp tục phát triển ổn định, số lượt du khách và doanh thu du lịch tiếp tục phát triển, số lượng du khách và doanh thu du lịch liên tục tăng qua từng năm; từ năm 2020 đến nay, toàn tỉnh đón hơn 35 triệu lượt khách; doanh thu du lịch ước đạt trên 93.000 tỷ đồng; trong đó bình quân những năm gần đây doanh thu du lịch đạt trên 20.000 tỷ đồng.

Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, y tế, thông tin - truyền thông tiếp tục có bước phát triển; các chính sách an sinh xã hội được thực hiện đồng bộ, hiệu quả; thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm lo cho các gia đình chính sách; đời sống nhân dân ngày càng được nâng lên. Tỉnh đang nỗ lực hoàn thành các mục tiêu xây dựng nông thôn mới.

Các mặt dân sinh, kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm và phát triển toàn diện. Các chế độ, chính sách, chương trình phát triển kinh tế - xã hội, việc cung ứng vật tư, hàng hóa phục vụ sản xuất và đời sống cho đồng bào được triển khai tốt, góp phần giảm nghèo, giữ vững an ninh, trật tự; bộ mặt vùng đồng bào dân tộc thiểu số có nhiều khởi sắc.

50 năm qua, có thể tự hào khẳng định, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Thuận đã nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, nghèo khó, chung tay xây dựng quê hương Bình Thuận với những bước tiến dài cùng nhiều điểm sáng nổi bật.

Tự hào về lịch sử đấu tranh cách mạng hào hùng của dân tộc, của quê hương, nêu cao tinh thần, ý thức trách nhiệm vận dụng và phát triển những bài học, kinh nghiệm quý giá trong cách mạng giải phóng dân tộc, tinh thần quyết chiến, quyết thắng của Đại thắng Mùa Xuân năm 1975, Bình Thuận tiếp tục phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, nói đi đôi với làm, quyết tâm đưa Bình Thuận phát triển nhanh và bền vững, cùng cả nước vươn mình, bước vào kỷ nguyên mới - “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.

Bài và ảnh: Nguyễn Thanh (TTXVN)

Nguồn:https://baotintuc.vn/dia-phuong/cung-ca-nuoc-vuon-minh-vung-tin-tien-vao-ky-nguyen-moi-20250419140526742.htm




Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Sài Gòn - Ký ức về đô thị 300 năm tuổi
Chênh vênh Sa Mù
Hồn Việt
Người dân tranh thủ lưu lại những khoảnh khắc mừng ngày 30/4 lịch sử

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm