“Ông giáo” nuôi cua giống
Anh Nguyễn Việt Bắc (38 tuổi, giảng viên Trường Cao đẳng Cộng đồng Cà Mau) được bạn bè, người thân đặt cho biệt danh "tiến sĩ cua", vì gắn cả sự nghiệp với cua.
Tiến sĩ Nguyễn Việt Bắc vốn xuất thân trong gia đình thuần nông nghèo khó ở vùng quê huyện Đầm Dơi. Tuổi thơ luôn gắn liền với hai chữ "cơ cực" từ lúc đi học cho đến khi ra trường. Anh chọn gắn với con cua, thế mạnh của địa phương để khởi nghiệp, thoát nghèo. Từ việc ươm cua giống đến nuôi cua vỗ béo, tiến sĩ Bắc đều trải qua nhiều cung bậc của thất bại - thành công.
"Có lần, tôi nuôi vỗ béo khoảng 100kg cua, sẵn sàng xuất bán dịp Tết với giá cao. Tuy vậy, sáng hôm sau đập vào mắt là cả đàn cua trong bể chết sạch. Tiếc của, gia đình đành làm bánh cua ăn, đó là bữa bánh cua chan nước mắt”, anh Bắc nhớ lại kỷ niệm rất khó quên.
|
Trại giống cua mít ở Kiên Giang với 70 ao nuôi của TS. Bắc. |
Qua những lần thất bại, tiến sĩ Bắc giờ đây được nhiều người biết đến anh chính là chủ nhân dự án nuôi vỗ béo cua hai da (cua sắp lột xác - PV), cua thịt và cua gạch trong hệ thống bể nước tuần hoàn bằng hình thức tập trung - dự án duy nhất trên cả nước ở những năm 2010. Sau đó, anh Bắc chuyển giao công nghệ cho nhiều người dân địa phương, trong đó có nhiều hộ nghèo đã vươn lên thoát nghèo, làm giàu từ nuôi cua.
Từ thành công đó, anh Bắc thử nghiệm mô hình nuôi cua giống, nhưng chỉ nuôi “cua mít” - cua giống cỡ lớn bằng hạt mít, mai khoảng 3cm.
Nghĩ là làm, anh bắt tay liên kết với bạn mở trại giống cua mít ở Kiên Giang với 70 ao nuôi và liên kết một số trại ươm giống ở Cà Mau, Kiên Giang để cung cấp nguồn cua giống (cua tiêu) ổn định.
Tiến sĩ cua Nguyễn Việt Bắc cho biết, do đặc thù vùng lúa – tôm, lúa - cua, nông dân cần thu hoạch tôm, cua nhanh cho kịp mùa vụ nên phải thả cua giống loại lớn. Thông thường, thả giống cua loại nhỏ sẽ phải mất 3 - 4 tháng mới được thu hoạch, nhưng thả cua mít (loại lớn) chỉ hơn 2 tháng có thể thu hoạch. Thậm chí, nông dân còn kiếm thả loại ‘cua đồng hồ’ (bằng mặt đồng hồ - PV) nhằm rút ngắn thêm thời gian nuôi.
|
Thức ăn cho cua. |
Anh Bắc cho biết, thông thường, người dân nuôi cua ở độ mặn khoảng 35 phần ngàn (‰), giai đoạn đạt đến ‘cua mít’ phải mất 45 ngày. Trong khi đó, cua mít có thể hạn chế cá tạp ăn và phù hợp với việc nuôi cua 2 giai đoạn, ‘né’ bệnh giáp xác chân tơ. Ngoài ra, vùng nuôi tôm công nghiệp, nông dân thường chọn loại cua mít, cua đồng hồ để xử lý con vẹm bám bạc, đỡ mất thêm chi phí dùng hoá chất xử lý.
Đem “cua mít” lên sàn thương mại điện tử
Để nuôi cua mít giống, ban đầu người nuôi sẽ phải xử lý ao nuôi, khử phèn, xử lý ấu trùng giáp xác, gây thức ăn cho cua. Khi có thức ăn, người nuôi sẽ chọn cua tiêu loại 1 thả giống. Mỗi quy trình nuôi thường kéo dài 25-45 ngày (tuỳ theo độ mặn và nguồn thức ăn) sẽ thu hoạch để bán giống cua mít, theo nhu cầu kích cỡ của khách hàng.
|
Cua mít ở thị trường Đồng bằng sông cửu long có giá khoảng 2.800 đồng/con |
“Nguồn cua mít được thị trường ưa chuộng do có sức sống tốt. Tuy nhiên, cua mít có độ rủi ro rất cao nếu xuất bán không kịp, cua quậy đáy ao sẽ trở tay không kịp, có thể mất trắng”, anh Bắc nói. Hiện anh bán giống cua đi cả nước, lợi nhuận khoảng 10%.
Thời điểm dịch COVID-19, công việc kinh doanh của anh Nguyễn Minh Tuấn (ngụ tỉnh Kiên Giang) rơi vào bế tắc, phải vay mượn nợ lên đến 2 tỷ đồng trang trải công việc và cuộc sống. Anh phải bỏ tất cả về quê nuôi cua kiếm từng đồng lo cho vợ con.
"Ban đầu, tôi cứ xem nhẹ con cua, cứ tưởng bỏ xuống nuôi là thành công, mà không quan tâm nhiều đến kỹ thuật. Nhờ liên kết và được tiến sĩ Bắc chỉ dẫn kinh nghiệm, kỹ thuật, tôi dần dần vươn lên nghịch cảnh, xây dựng trang trại ươm giống cua và thoát nghèo", anh Tuấn tâm tình.
Hiện, giá cua mít ở Đồng bằng sông Cửu Long khoảng 2.800 đồng/con; miền Bắc có giá từ 3.500 – 3.800 đồng/con, do chi phí vận chuyển cao. Anh Bắc tự hào mình là một trong những người thành công trong việc đem “cua mít” quảng bá trên sàn thương mại điện tử.
Sau hơn 1 năm thử nghiệm, anh Bắc bước đầu thành công với mô hình nuôi cua giống cỡ hạt mít. "Tui sẵn sàng hướng dẫn cho học trò nào có nhu cầu nhân giống của mít. Hiện, ở Cà Mau, tôi cũng có 2 học trò đang đi theo con đường nuôi cua mít để giúp gia đình phát triển kinh tế, vươn lên trong cuộc sống", anh Bắc nói.
Hiện nay, nhiều bạn sinh viên từng được thầy Bắc hướng dẫn, truyền thụ công nghệ nuôi cua đa phần đều có việc làm, thu nhập khá cao, nhiều bạn trong số đó đã giúp gia đình, hàng xóm vươn lên thoát nghèo bằng nghề đã học.
|
Mỗi quy trình nuôi cua mít thường kéo dài 25-45 ngày (tuỳ theo độ mặn và nguồn thức ăn). |
Trong giảng dạy, tiến sĩ Bắc còn có nhiều sáng kiến khoa học và đoạt nhiều giải thưởng cao như: Giải 3 cấp Quốc gia hội thi thiết kế thiết bị đào tạo tự làm "hệ thống nuôi cua thương phẩm và vỗ béo cua biển"; giải nhì cuộc thi khởi nghiệp Cà Mau với dự án nuôi thâm canh cua cốm, cua lột, cua gạch, cua thịt và các sản phẩm giá trị gia tăng từ cua biển, kết hợp với du lịch trải nghiệm; giải ba cuộc thi khởi nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long.
Tân Lộc
Nguồn: https://tienphong.vn/cua-mit-len-san-thuong-mai-dien-tu-giup-nong-dan-thoat-ngheo-post1743908.tpo
Bình luận (0)