Tái thả động vật hoang dã sau cứu hộ về tự nhiên tại Vườn quốc gia Cúc Phương, một hoạt động quan trọng tại lễ kỷ niệm. Ảnh: TTXVN phát
Sự kiện nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng, kêu gọi cam kết và quyết tâm của các bên liên quan để triển khai các mục tiêu của Khung Đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh - Montreal được Công ước Đa dạng sinh học thông qua năm 2022 và Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Quốc Trị khẳng định: Thiên nhiên và đa dạng sinh học là nền tảng của mọi sự sống và cơ sở cho sự phát triển bền vững của con người trên trái đất. Bảo tồn đa dạng sinh học đồng nghĩa với bảo vệ tương lai của nhân loại.
Việt Nam là quốc gia có tính đa dạng sinh học cao, đứng thứ 16 trên thế giới với nhiều loài sinh vật nguy cấp, quý, hiếm, nguồn gen hoang dã... có giá trị, tầm quan trọng quốc gia, quốc tế. Việc bảo tồn đa dạng sinh học đã được Đảng và Nhà nước quan tâm và có nhiều tiến bộ trong thời gian vừa qua. Hệ thống khu bảo tồn thiên nhiên ngày càng được mở rộng và củng cố với 178 khu bảo tồn thiên nhiên phân bố rộng khắp trên cả nước; các chương trình bảo tồn loài, nguồn gen cũng đã được chú trọng thực hiện và đạt được nhiều thành tựu.
Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị kêu gọi các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân hãy có những hành động thiết thực để giải quyết vấn đề bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học như: tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách theo hướng kết hợp hài hòa giữa bảo tồn với khai thác, sử dụng hợp lý đa dạng sinh học; tổ chức triển khai có hiệu quả chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học, quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia, hướng đến mục tiêu phục hồi và đảm bảo tính toàn vẹn, kết nối.
Cùng với đó là bảo tồn, sử dụng bền vững đa dạng sinh học nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng nền kinh tế xanh, bền vững; thúc đẩy khoa học - công nghệ, chuyển đổi số trong giám sát và phục hồi hệ sinh thái; hỗ trợ các vườn quốc gia, khu bảo tồn, trung tâm cứu hộ động vật hoang dã ứng dụng công nghệ trong quản lý, theo dõi động thực vật quý hiếm.
Các bên cùng xây dựng kế hoạch, bố trí kinh phí và huy động các nguồn lực tài chính, đa dạng hóa nguồn đầu tư cho bảo tồn đa dạng sinh học; tăng cường truyền thông, giáo dục và nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học…
Cũng tại lễ kỷ niệm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Nguyễn Cao Sơn cho biết, trong thời gian qua, Ninh Bình đã có nhiều hành động để đẩy mạnh bảo tồn, phát triển kinh tế - xã hội địa phương đã có sự gắn kết với nội dung bảo tồn đa dạng sinh học. Nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, doanh nghiệp và người dân về bảo tồn đa dạng sinh học được nâng lên.
Nhiều tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh đã thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, khắc phục ô nhiễm môi trường, do đó mức độ gia tăng ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến đa dạng sinh học được hạn chế. Việc chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ, triển khai các dự án và hợp tác quốc tế trong bảo tồn đa dạng sinh học được trú trọng; nhiều mô hình phát triển du lịch kết hợp với dịch vụ sinh thái được phát triển tạo ra những sản phẩm du lịch đặc thù riêng có của Ninh Bình.
Ông Nguyễn Cao Sơn cũng chỉ ra rằng, những nghiên cứu, đánh giá gần đây cho thấy đa dạng sinh học của Ninh Bình đang đứng trước nhiều thách thức. Tổng số các loại động-thực vật hoang dã trong thiên nhiên, một số loài sinh vật quý hiếm đang có nguy cơ bị giảm sút về số lượng; ô nhiễm môi trường có nguy cơ gia tăng ở một số khu, cụm công nghiệp, làng nghề… Việc lạm dụng các loại phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp, việc tiêu dùng thiếu bền vững, sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần còn phổ biến.
Chính vì vậy, để bảo tồn và phát huy đa dạng sinh học, đòi hỏi phải nỗ lực “đồng lòng, góp sức, chung tay” hơn nữa để phát triển kinh tế - xã hội đi đôi với khai thác bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường; phải có sự quyết tâm mạnh mẽ trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường, đảm bảo cho sự phát triển bền vững của tỉnh.
Cũng trong chương trình lễ kỷ niệm đã diễn ra hoạt động tái thả động vật hoang dã sau cứu hộ về tự nhiên tại Vườn quốc gia Cúc Phương và chương trình hội thảo “Thúc đẩy công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học vì sự phát triển bền vững”.
Đức Phương (TTXVN)
Nguồn:https://baotintuc.vn/xa-hoi/viet-nam-thuoc-16-quoc-gia-so-huu-da-dang-sinh-hoc-cao-nhat-the-gioi-20250522132103096.htm
Bình luận (0)