Trả lời họp báo sau khi công bố tình hình kinh tế - xã hội quý II và 6 tháng đầu năm 2025, bà Nguyễn Thị Hương, Cục trưởng Cục Thống kê (Bộ Tài chính) cho biết, tính chung 6 tháng đầu năm, kết quả tăng trưởng GDP đạt 7,52% đã xấp xỉ mục tiêu kịch bản tăng trưởng cập nhật ở quý I. Điều này sẽ giảm áp lực lên các quý tiếp theo và là nền tảng tích cực cho tăng trưởng cả năm 2025.
"Tuy nhiên, đây mới chỉ là điều kiện cần cho mục tiêu tăng trưởng 8%. Để hiện thực hóa mục tiêu này, 6 tháng cuối năm cần khai thác tối đa các dư địa tăng trưởng, thực hiện đồng bộ, linh hoạt và kịp thời các giải pháp, chính sách phát triển kinh tế", bà Hương nói.

Cục Thống kê dự báo tăng trưởng kinh tế cả năm có thể đạt mục tiêu 8% đề ra. (Ảnh minh họa)
Theo đánh giá của Cục Thống kê, dư địa tăng trưởng kinh tế trong các quý tiếp theo có thể kể đến là:
Đầu tư công sẽ là động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm. Chính sách và giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công đang được Chính phủ, các bộ ngành, địa phương triển khai quyết liệt hướng tới mục tiêu giải ngân 100% vốn đầu tư công sẽ tạo dư địa tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm. Các dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia như: đường bộ cao tốc, cảng hàng không, các dự án vành đai đô thị lớn, dự án năng lượng...đang được thúc đẩy triển khai.
Ngoài ra, mục tiêu tăng trưởng tín dụng đạt 16% sẽ tạo ra dư địa rất lớn cho tăng trưởng kinh tế, chủ yếu thông qua việc cung cấp nguồn vốn dồi dào để kích thích sản xuất kinh doanh, thúc đẩy đầu tư và tiêu dùng toàn xã hội.
Bên cạnh đó, tiêu dùng được hỗ trợ bởi các chính sách giảm thuế GTGT 2% có hiệu lực từ 1/7 đối với nhiều mặt hàng hóa và các chính sách thương mại kích cầu tiêu dùng trong nước. Các khoản hỗ trợ theo Nghị định 178 sẽ góp phần thúc đẩy tiêu dùng, đầu tư, tích lũy tài sản, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Từ các dư địa tăng trưởng, Cục Thống kê cập nhật kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2025 như sau: 6 tháng đầu năm tăng 7,52%, 6 tháng cuối năm tăng 8,42%, cả năm tăng 8% (trong đó Quý I tăng 7,05%, quý III tăng 7,96%, quý III tăng 8,33%, quý IV tăng 8,51%).
Những thách thức cần vượt qua
Tuy vậy, Cục Thống kê cũng đề cập đến những thách thức tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm và giải pháp cần tập trung để đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm.

Nhiều thách thức ở phía trước vẫn chờ doanh nghiệp Việt Nam. (Ảnh minh họa)
Theo đó, xung đột địa chính trị giữa các quốc gia ngày càng căng thẳng, bất ổn, khó lường sẽ là nguồn rủi ro lớn đối với kinh tế toàn cầu, ảnh hưởng đến thương mại, đầu tư, chuỗi cung ứng và giá cả hàng hóa. Qua đó sẽ ảnh hưởng gián tiếp tới hoạt động sản xuất, xuất khẩu của của Việt Nam.
Mặt khác, biến động tăng tỷ giá sẽ gây áp lực nên chi phí nhập khẩu nguyên vật liệu và thanh toán nợ vay ngoại tệ trong nước. Lãi suất quốc tế vẫn duy trì ở mức cao khiến Việt Nam phải cân đối chính sách tiền tệ thận trọng hơn, giảm dư địa nới lỏng.
Chính sách áp thuế đối ứng của Tổng thống Mỹ sẽ gây áp lực lớn lên hoạt động sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam trong những tháng tới.
Ở trong nước, sản xuất công nghiệp phục hồi chưa vững chắc, mặc dù tăng trưởng công nghiệp có dấu hiệu phục hồi, nhưng mức độ còn chậm và chưa đều. Một số ngành như điện tử, dệt, da giầy, chế biến gỗ…vẫn ghi nhận tăng trưởng cao nhưng bắt đầu có dấu hiệu hụt hơi do đơn hàng không tăng và cạnh tranh giá từ các quốc gia khác.
Tình hình giải ngân vốn đầu tư công vẫn còn nhiều điểm nghẽn do vướng mắc giải phóng mặt bằng, thủ tục pháp lý chồng chéo và năng lực thực hiện dự án ở địa phương còn hạn chế.
Tiêu dùng trong nước phục hồi nhưng chưa mạnh, còn tâm lý thận trọng. Người dân có xu hướng thay đổi thói quen tiêu dùng do lo ngại lạm phát, thu nhập phục hồi nhưng chưa ổn định. Chi tiêu dùng qua tổng mức bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng tuy tích cực, nhưng chưa đủ mạnh để tạo động lực lan tỏa tới toàn nền kinh tế.
Lao động chi phí rẻ không còn là lợi thế quốc gia; lao động có trình độ để bắt kịp với công nghệ hiện đại còn thiếu, chưa đồng đều trong lực lượng lao động, thiếu lao động chất lượng cao;
Khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu, đặc biệt đối với các doanh nghiệp trong nước; thị trường vốn, thị trường chứng khoán chưa phát huy tương xứng với tiềm năng làm gia tăng áp lực cho thị trường tiền tệ.
Vì thế theo Cục Thống kê, cần tiếp tục duy trì môi trường vĩ mô ổn định, tạo niềm tin cho nhà đầu tư và người dân.
Cần điều hành chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt, đảm bảo kiểm soát lạm phát trong mục tiêu đề ra (dưới 4,5%). Ổn định tỷ giá, đảm bảo thanh khoản hệ thống ngân hàng.
Đặc biệt, thúc đẩy giải ngân và hiệu quả đầu tư công là động lực quan trọng nhất, cần tiếp tục được ưu tiên hàng đầu. "Phải quyết liệt tháo gỡ mọi nút thắt về thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng, nguồn vật liệu xây dựng để đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án, đặc biệt là các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm của đất nước. Đảm bảo giải ngân tối đa hướng tới mục tiêu giải ngân 100% vốn đầu tư công mà Thủ tướng đã yêu cầu", Cục Thống kê nhấn mạnh.
Ngoài ra, cần tận dụng triệt để các cơ hội từ các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực (EVFTA, CPTPP, RCEP) để tăng cường xúc tiến thương mại, tìm kiếm và mở rộng thị trường mới, đa dạng hóa mặt hàng xuất khẩu. Tiếp tục duy trì đà tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu ở mức hai con số nhằm đóng góp lớn vào tăng trưởng GDP.
Nguồn: https://vtcnews.vn/cuc-thong-ke-du-bao-tang-truong-kinh-te-ca-nam-dat-muc-tieu-8-ar952847.html
Bình luận (0)