Buổi tọa đàm thu hút sự tham dự của cán bộ văn hóa, thư viện, giáo viên, học sinh, bạn đọc đến từ các địa phương trong tỉnh.

Tại tọa đàm, nhiều đại biểu đã đặt câu hỏi và chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn liên quan đến các giải pháp đổi mới hoạt động thư viện, xây dựng thư viện số, mô hình không gian đọc hấp dẫn trong trường học. Việc định hướng lựa chọn tài liệu phù hợp với từng độ tuổi; khuyến khích học sinh tham gia các câu lạc bộ sách. Vai trò của cha mẹ trong việc hình thành thói quen đọc cho trẻ…

Tại buổi tọa đàm, Tiến sĩ Cao Thanh Phước, nguyên Phó Trưởng Khoa Thông tin - Thư viện, Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh đã có những chia sẻ về vai trò của văn hóa đọc trong đời sống hiện đại.

Theo đó, trong bối cảnh công nghệ số và các phương tiện nghe nhìn ngày càng chi phối đời sống tinh thần, nhất là ở giới trẻ. Do đó, văn hóa đọc cần được định vị lại như một nền tảng quan trọng để phát triển tư duy phản biện, bồi đắp nhân cách, hướng tới sự phát triển bền vững của mỗi cá nhân và toàn xã hội.

“Văn hóa đọc là một phần cốt lõi của nền văn hóa dân tộc. Sách không chỉ giúp con người tích lũy tri thức mà còn nuôi dưỡng tâm hồn, khơi nguồn sáng tạo và truyền cảm hứng. Đặc biệt, trong môi trường học đường, nếu được quan tâm đúng mức, văn hóa đọc sẽ trở thành động lực quan trọng giúp học sinh phát triển năng lực tự học và tư duy độc lập”, Tiến sĩ Phước nhấn mạnh.

Tiến sĩ Cao Thanh Phước cũng cho rằng cách mạng công nghiệp 4.0 mang đến nhiều thách thức nhưng cũng mở ra những cơ hội mới để lan tỏa văn hóa đọc, nếu biết khai thác đúng hướng.

Văn hóa đọc, không đơn thuần là hành vi đọc sách, mà là cả một quá trình hình thành tư duy, trau dồi tri thức và định hình nhân cách. Việc phát triển thói quen đọc cần có sự phối hợp đồng bộ giữa gia đình, nhà trường và xã hội, nhất là trong giai đoạn hình thành nhân cách ở lứa tuổi học sinh.
Phát biểu kết luận buổi tọa đàm, bà Khúc Thị Thoi, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đánh giá cao những đóng góp trí tuệ và nhiệt huyết từ các đại biểu tham dự.
Buổi tọa đàm góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về vai trò của văn hóa đọc trong thời đại số, đồng thời mở ra nhiều gợi ý thiết thực để tiếp tục phát triển phong trào đọc sách tại cơ sở.

"Sau buổi tọa đàm hôm nay, mỗi đại biểu sẽ trở thành một 'hạt nhân lan tỏa’ văn hóa đọc trong gia đình, trường học và cộng đồng. Chúng tôi tin rằng, với sự đồng hành của các cấp, ngành chính quyền và toàn xã hội, văn hóa đọc tại Đắk Nông sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ, bền vững, có chiều sâu", Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh kỳ vọng.

Nguồn: https://baodaknong.vn/dak-nong-toa-dam-phat-trien-van-hoa-doc-trong-ky-nguyen-vuon-minh-252734.html
Bình luận (0)