Cả hệ thống chính trị vào cuộc
Trên nhiều phương diện, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay được ghi nhận thành công và để lại dấu ấn tốt đẹp, trong đó khâu tổ chức coi thi được thực hiện “quy lát” từ Trung ương đến địa phương. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng khẳng định, thành công của kỳ thi thể hiện qua sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Theo đó, toàn bộ công tác chuẩn bị và tổ chức coi thi được các cấp, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc, đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Chính phủ.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 diễn ra trong bối cảnh cả nước thực hiện cải cách hành chính, sắp xếp, tinh gọn bộ máy, chuyển đổi sang mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, sáp nhập tỉnh… do đó, đòi hỏi công tác chuẩn bị và tổ chức thi phải chu đáo, kỹ lưỡng. “Trên tinh thần đó, việc tổ chức kỳ thi năm nay đã bám sát tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, hướng tới tổ chức kỳ thi gọn nhẹ, khách quan, giảm áp lực, tốn kém cho xã hội”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Ghi nhận, sự đồng hành của các ngành, lực lượng, tạo nên thành công của kỳ thi, Thứ trưởng nhắc đến câu nói của Thủ tướng: Đây là “ngày hội của toàn xã hội chăm lo cho học sinh”. Dù kết quả điểm thi ra sao, các em còn tương lai rộng mở phía trước. Đáng chú ý, thành công của kỳ thi năm nay còn thể hiện ở khả năng “chuyển đổi trạng thái” trong chỉ đạo, tổ chức thi; đặc biệt sự thích ứng nhanh, linh hoạt và hiệu quả của các địa phương, ban ngành.
“Tinh thần trách nhiệm, tâm huyết của các nhà giáo, cán bộ quản lý và sự phối hợp chặt chẽ của các ngành, cấp là yếu tố then chốt, góp phần vào thành công của kỳ thi, cũng như sự đổi mới giáo dục, tất cả vì tương lai con em chúng ta”, Thứ trưởng nhấn mạnh và cho biết, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã thành lập Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh, có đầy đủ các sở, ban, ngành liên quan tham gia.
Ông Ngô Quang Tuệ - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nam (trước khi sáp nhập thành tỉnh Ninh Bình) ghi nhận, ngành Giáo dục đã phối hợp chặt chẽ các sở, ngành, địa phương trong tỉnh để tổ chức thành công Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Nhờ đó mọi công tác chuẩn bị cho kỳ thi được chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng từ cơ sở vật chất, trang thiết bị cần thiết phục vụ kỳ thi đến điều động cán bộ tham gia các khâu.

Đáp ứng 3 mục đích
Nhấn mạnh, việc tổ chức coi thi tại các điểm thi bảo đảm an toàn, nghiêm túc, đúng kế hoạch, đáp ứng yêu cầu tổ chức thi gọn nhẹ, thiết thực, ông Nguyễn Ngọc Hà - Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT), Trưởng ban Đề thi khẳng định, kỳ thi được tổ chức nghiêm túc, trung thực, khách quan, an toàn, đúng quy chế, bảo đảm thuận lợi và công bằng cho các đối tượng thí sinh. Công tác đề thi thực hiện an toàn, bảo mật từ Trung ương đến địa phương. Đề thi cơ bản đáp ứng yêu cầu tổ chức thi.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 được tổ chức với 3 mục đích: Đánh giá đúng kết quả học tập của người học; lấy kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT và đánh giá chất lượng dạy, học của các cơ sở giáo dục phổ thông/ giáo dục thường xuyên; cung cấp dữ liệu đủ độ tin cậy, trung thực để các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp sử dụng trong tuyển sinh theo tinh thần tự chủ.
Để đáp ứng đầy đủ 3 mục đích của kỳ thi, ông Nguyễn Ngọc Hà cho hay, đề thi có nhiều điều chỉnh. Theo đó, đề thi được thiết kế theo hướng đánh giá năng lực, tích hợp nhiều câu hỏi mang tính thực tế, kiến thức liên môn. Ngoài ra, đề thi bảo đảm có sự phân hóa phù hợp để có thể sử dụng xét công nhận tốt nghiệp THPT, đồng thời cung cấp dữ liệu tin cậy về năng lực của thí sinh cho các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp sử dụng để tuyển sinh theo tinh thần tự chủ.
Trước băn khoăn của dư luận về đề thi Toán, tiếng Anh khó, ông Nguyễn Ngọc Hà cho biết, đề thi năm nay có nhiều điểm mới. Do lần đầu tiên áp dụng hình thức đánh giá năng lực, nên học sinh có thể cảm thấy khác biệt. Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT đã công bố cấu trúc, định dạng đề thi và đề tham khảo từ sớm để học sinh, giáo viên có thời gian làm quen, chuẩn bị, tránh thay đổi đột ngột.
Đặc biệt, trước khi ra đề chính thức, các địa phương đã tổ chức thi thử trên diện rộng cả 3 miền. Kết quả, phổ điểm thi thử được Ban Đề thi nghiên cứu, thảo luận kỹ lưỡng, qua đó điều chỉnh phù hợp về độ khó. “Việc xây dựng đề thi đã bám sát đề tham khảo và kết quả thử nghiệm, bảo đảm tính ổn định, cần chờ kết quả chấm thi chính thức để có đánh giá đầy đủ hơn”, ông Nguyễn Ngọc Hà trao đổi.
Thầy Hồ Đức Trung - giáo viên môn Toán, Trường THPT Ngô Quyền (Quảng Bình trước sáp nhập) nhận xét, đề thi năm nay có tính khoa học, hợp lý và định hướng đúng cho việc dạy học môn Toán thời gian tới. Đề thi thể hiện rõ tinh thần đổi mới của Chương trình GDPT 2018. Điều đó không chỉ ở hình thức đa dạng (trắc nghiệm nhiều lựa chọn, đúng/sai, trả lời ngắn) mà còn ở nội dung thiết kế theo hướng phát triển năng lực và tăng cường vận dụng thực tiễn.
Liên quan đến công tác phòng chống gian lận công nghệ cao, báo cáo của các địa phương cho thấy, công tác coi thi của kỳ thi tại các điểm thi diễn ra đúng kế hoạch. Theo số liệu thống kê từ các địa phương và đoàn thanh tra, kiểm tra, có 41 thí sinh vi phạm Quy chế thi và bị đình chỉ thi do sử dụng tài liệu và mang điện thoại vào phòng thi; không ghi nhận cán bộ nào vi phạm Quy chế thi. Cho đến thời điểm này, trên phạm vi toàn quốc chưa ghi nhận hiện tượng tiêu cực, gian lận có tổ chức.
Ông Huỳnh Văn Chương - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) cho biết, trước kỳ thi, Ban Chỉ đạo đã lưu ý về việc sử dụng công nghệ cao, nhất là trí tuệ nhân tạo để gian lận trong thi cử. Bộ GD&ĐT và các địa phương, sở GD&ĐT đã tổ chức tập huấn kỹ, thực hiện nhiều giải pháp tổng thể, phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an để xử lý các sự việc. Khi thông tin về lọt đề thi môn Toán, Ban Chỉ đạo đã tiếp nhận và xử lý theo quy chế. Bộ GD&ĐT đã chia sẻ thông tin với Bộ Công an và đề nghị phối hợp, xử lý nghiêm.

Nhiều cung bậc cảm xúc
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 khép lại với nhiều cung bậc cảm xúc, đại biểu Quốc hội Châu Quỳnh Dao (đoàn An Giang) ghi nhận. Theo đại biểu, kỳ thi được coi là bước ngoặt có ý nghĩa quyết định tới nghề nghiệp tương lai.
Thẳng thắn mà nói, những năm qua, Bộ GD&ĐT đã có nhiều nỗ lực và đổi mới trong tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Năm 2025 khá đặc biệt khi cả nước chuyển trạng thái sang mô hình chính quyền 2 cấp. “Chuyển động” cùng đất nước, ngành Giáo dục đã chủ động phương án, xây dựng kịch bản để sẵn sàng tâm thế, bắt nhịp với đổi mới.
Điều đó được thể hiện qua nhiều văn bản hướng dẫn, đơn cử như: Công văn hướng dẫn tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 trong bối cảnh sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh. Công văn hướng dẫn chi tiết đối với các địa phương vận hành chính quyền sau sắp xếp theo quy định từ ngày 1/7/2025, từ công tác coi, chấm thi theo các bước cụ thể... “Qua đây cho thấy, sự chủ động của Bộ GD&ĐT trong chỉ đạo, hướng dẫn, giúp các địa phương yên tâm thực hiện nhiệm vụ”, đại biểu Quốc hội Châu Quỳnh Dao ghi nhận.
Hiện các địa phương đã triển khai công tác chấm thi, đại biểu Châu Quỳnh Dao đề nghị, Bộ GD&ĐT cần tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn và tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát bảo đảm thực hiện tốt các khâu chấm thi.
Với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cần thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc quy trình chấm thi tự luận, chấm thi trắc nghiệm và phúc khảo bài thi bảo đảm đúng quy chế và hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. Đặc biệt, với các địa phương thuộc diện sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cần thực hiện nghiêm Công văn hướng dẫn số 2999/BGDĐT-QLCL ngày 13/6/2025 của Bộ GD&ĐT.
Từ thành công trong công tác coi thi của Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT gợi mở, bài học kinh nghiệm cho năm sau là, lựa chọn nhân sự tốt và công tác phối hợp nhịp nhàng.
Theo đó, Bộ GD&ĐT cần tiếp tục chú trọng công tác lựa chọn nhân sự tham gia các khâu của kỳ thi, nhất là các khâu trọng yếu như: Công tác đề thi, coi thi, chấm thi. Đồng thời, tăng cường chất lượng, hiệu quả của công tác tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ tham gia tổ chức thi, cán bộ thanh tra, giám sát.
Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, năm 2025, tổng số thí sinh nộp hồ sơ đăng ký dự thi là 1.165.289, tăng hơn so với năm 2024 gần 100.000 thí sinh. Cả nước có 2.494 điểm thi, với tổng số phòng thi 49.849.
Song song với việc tổ chức thi cho các thí sinh học theo Chương trình GDPT 2018, Bộ GD&ĐT tiếp tục tổ chức thi cho họca sinh học Chương trình GDPT 2006 chưa tốt nghiệp hoặc có nhu cầu thi lại để xét tuyển sinh đại học. Việc tổ chức coi thi tại tất cả điểm thi bảo đảm an toàn, nghiêm túc, đúng kế hoạch, đáp ứng yêu cầu tổ chức thi gọn nhẹ, thiết thực.
Nguồn: https://giaoducthoidai.vn/dau-an-mua-thi-post737904.html
Bình luận (0)