Dư nợ cho vay tăng trưởng thấp
Theo báo cáo của NHNN Chi nhánh khu vực 10, tính đến cuối tháng 6, dư nợ cho vay toàn khu vực đạt 544.223 tỷ đồng, tăng 20.330 tỷ đồng, tương ứng tăng 3,88% so với đầu năm, thấp hơn mức tăng trưởng chung của cả nước (dư nợ tín dụng cả nước tăng 9,9%). Trong đó, dư nợ tín dụng trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đạt 193.464 tỷ đồng, tăng 4,9%; tỉnh Lâm Đồng 350.759 tỷ đồng, tăng 3,88% so với đầu năm. Một số tổ chức tín dụng đã chỉ ra những tác động khiến hoạt động tín dụng những tháng đầu năm đạt thấp, như: Hiện trạng quy hoạch tại một số nơi trên địa bàn các tỉnh thuộc khu vực còn nhiều biến động, gây khó khăn trong quá trình xác định đơn giá đất khi nhận tài sản đảm bảo là quyền sử dụng đất; tình hình triển khai chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội trên địa bàn khu vực đạt kết quả thấp, số lượng dự án nhà ở xã hội đủ điều kiện công bố rất ít, trong đó địa bàn tỉnh Khánh Hòa vẫn chưa công bố danh mục dự án đủ điều kiện theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng để triển khai chương trình này. Bên cạnh đó, hoạt động cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là các hợp tác xã nông nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc như: Bảo hiểm lĩnh vực nông nghiệp còn hạn chế; phương án liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giữa các thành viên chưa chặt chẽ, chưa ổn định; không có tài sản đảm bảo…
Giải ngân vốn tín dụng cho khách hàng. |
Bà Đỗ Thị Bích Phương - Giám đốc VietinBank Chi nhánh Khánh Hòa cho biết, chủ trương sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính đã mở ra cơ hội để các ngân hàng chuyển đổi mô hình kinh doanh và nâng cấp năng lực quản trị, tiếp cận nhiều nhóm khách hàng mới, tiềm năng. Tuy nhiên, việc này cũng có một số tác động đến hoạt động của ngân hàng khi số lượng cơ quan nhà nước và tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương giảm mạnh, kéo theo việc chấm dứt hàng nghìn tài khoản thanh toán, ngừng hoạt động các hợp đồng dịch vụ như: Chi lương, thu hộ, chi hộ..., dẫn tới sụt giảm quy mô giao dịch và doanh số thanh toán trong hệ thống. Đồng thời, ngân hàng cũng phải cập nhật lại toàn bộ hồ sơ pháp lý của khách hàng tổ chức và cá nhân theo tên đơn vị hành chính mới… Do đó, để các tổ chức tín dụng có thể thích ứng linh hoạt và hỗ trợ tốt hơn cho chính quyền địa phương trong giai đoạn chuyển đổi, NHNN cần ban hành hướng dẫn đồng bộ về cập nhật thông tin pháp lý khách hàng, thành lập cơ chế điều phối liên ngân hàng tại các địa bàn sáp nhập, thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính công, xây dựng cơ chế chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước và tổ chức tín dụng.
Tăng trưởng tín dụng gắn với kiểm soát nợ xấu
Đánh giá về kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm, lãnh đạo NHNN Chi nhánh khu vực 10 cho biết, các tổ chức tín dụng trong khu vực đã bám sát chủ trương, định hướng chỉ đạo của Chính phủ, NHNN, các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế địa phương để thực hiện các giải pháp tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng, kiểm soát và xử lý nợ xấu; tập trung vốn cho vay lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên; triển khai tích cực các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp và người dân phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần vào tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng toàn khu vực chưa đạt mức kỳ vọng do một số khó khăn như: Tình hình bất ổn về kinh tế, chính trị toàn cầu ảnh hưởng đến tình hình kinh tế của các tỉnh trong khu vực; những ngành kinh tế chủ lực của các tỉnh chưa thực sự khởi sắc, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm, việc thu hút đầu tư vào một số dự án còn hạn chế… Do đó, NHNN Chi nhánh khu vực 10 đề nghị UBND các tỉnh và cơ quan chức năng sớm hoàn thiện quy hoạch phát triển địa phương, đẩy mạnh đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội tại địa bàn, tạo điều kiện thuận lợi thu hút doanh nghiệp, mở rộng đối tượng khách hàng tín dụng; triển khai, rà soát và công bố các dự án nhà ở xã hội đủ điều kiện theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng để các tổ chức tín dụng trên địa bàn có cơ sở để cho vay.
Vừa qua, tại buổi làm việc của đoàn công tác NHNN Việt Nam với NHNN Chi nhánh khu vực 10 và các tổ chức tín dụng trên địa bàn về hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm, Phó Thống đốc NHNN Việt Nam Đoàn Thái Sơn ghi nhận các kiến nghị; đồng thời chỉ đạo NHNN Chi nhánh khu vực 10 và các ngân hàng triển khai giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng gắn với tổ chức thực hiện tốt chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp bằng những hình thức phù hợp để tháo gỡ, chia sẻ khó khăn và tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho khách hàng. Đến cuối tháng 6, tỷ lệ nợ của toàn địa bàn là 2,33%, tăng 0,46% so với cuối năm 2024. Do đó, Phó Thống đốc NHNN Việt Nam Đoàn Thái Sơn cũng nhấn mạnh, tăng trưởng tín dụng nhưng phải an toàn, hiệu quả, cho vay đúng trọng tâm, trọng điểm. Bên cạnh triển khai biện pháp ngăn ngừa nợ xấu mới, ngân hàng cần tập trung xử lý nợ đã phát sinh để có thêm nguồn lực đầu tư các dự án mới và cải thiện kết quả kinh doanh. Ngoài ra, các ngân hàng tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay ở mức hợp lý cho người dân, doanh nghiệp; phát triển đa dạng các sản phẩm, dịch vụ đổi mới, sáng tạo dựa trên ứng dụng công nghệ số gắn với đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng…
MAI HOÀNG
Nguồn: https://baokhanhhoa.vn/kinh-te/202507/day-manh-hoat-dong-tin-dung-an-toan-hieu-qua-2a263d3/
Bình luận (0)