Để thực hiện phát triển ngành công nghiệp CBCT có trọng tâm, trọng điểm, tỉnh đã lồng ghép các chỉ tiêu phát triển ngành công nghiệp CBCT vào các kịch bản tăng trưởng GRDP hàng năm, coi đây là một trong những trụ cột chính trong cơ cấu tăng trưởng toàn tỉnh. Việc đánh giá tiến độ thực hiện các chỉ tiêu này được thực hiện thường xuyên thông qua các kỳ họp giao ban hàng tháng, trong đó UBND tỉnh đều tổ chức rà soát, đánh giá sát thực trạng, kịp thời đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp chỉ đạo cụ thể để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp CBCT. Nhờ đó, công tác điều hành được thực hiện linh hoạt, chủ động, sát với thực tiễn, bảo đảm giữ vững vai trò động lực tăng trưởng trong từng giai đoạn.
Một trong những yếu tố then chốt giúp công nghiệp CBCT của Quảng Ninh phát triển mạnh mẽ là nhờ chính sách thu hút đầu tư đồng bộ, minh bạch và có tầm nhìn dài hạn. Với quan điểm “thành công của nhà đầu tư là thành công của tỉnh”, Quảng Ninh đã cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, duy trì nhiều năm liên tiếp đứng đầu cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) và chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS). Đặc biệt, tỉnh tập trung quy hoạch và phát triển đồng bộ các khu công nghiệp, khu kinh tế hiện đại, như: Khu công nghiệp Sông Khoai (TX Quảng Yên), KCN Đông Mai (TX Quảng Yên), Khu công nghiệp Texhong Hải Hà (huyện Hải Hà), KKT ven biển Quảng Yên… Các khu công nghiệp này không chỉ có hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, giao thông kết nối thuận lợi, mà còn được hỗ trợ thủ tục đầu tư một cửa nhanh chóng, thuận tiện.
Đến nay, Quảng Ninh đã thu hút nhiều tập đoàn công nghiệp lớn trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực CBCT, tiêu biểu như: Tập đoàn Amata (Thái Lan), Foxconn (Đài Loan), BW Industrial (Singapore), TCL (Trung Quốc), Thành Công Group (Việt Nam)… Những dự án quy mô hàng trăm đến hàng triệu USD không chỉ tạo thêm công ăn việc làm cho hàng chục nghìn lao động mà còn góp phần hình thành hệ sinh thái công nghiệp hiện đại tại địa phương.
Đại diện Công ty TNHH Kỹ thuật điện tử Tonly Việt Nam (thuộc Tập đoàn Foxconn) cho biết: Đơn vị đã thực hiện đầu tư nhà máy sản xuất thiết bị điện tử tiêu dùng loa và tai nghe thông minh từ tháng 6/2020 đến nay, với quy mô khoảng 6.000 lao động tại Khu công nghiệp Đông Mai, TX Quảng Yên. Chúng tôi luôn nhận được sự đồng hành, tháo gỡ kịp thời khó khăn của chính quyền tỉnh Quảng Ninh trong lộ trình phát triển. Chúng tôi ấn tượng với việc hạ tầng giao thông tại Quảng Ninh ngày càng được đồng bộ, nguồn nhân lực dồi dào… Đây là những thuận lợi để chúng tôi tiếp tục đầu tư, mở rộng dự án sản xuất tại Quảng Ninh. Trong định hướng phát triển tầm nhìn dài hạn, phía Công ty vẫn tiếp tục nghiên cứu, đầu tư thêm các dự án mới tại khu công nghiệp này. Qua đó, sẽ hiện thực hóa mục tiêu từng bước hình thành chuỗi dây chuyền sản xuất đồng bộ, hiệu quả.
Đến hết năm 2024, toàn tỉnh có tổng số 1.273 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp CBCT đối với 21/24 phân ngành cấp 2 theo quy định tại Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg ngày 6/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ, ngoại trừ một số ngành như: Sản xuất thuốc lá; sản xuất than cốc và sản phẩm dầu mỏ tinh chế; sản xuất kim loại. Tại các khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn tỉnh hiện có 153 doanh nghiệp, dự án công nghiệp CBCT, chiếm khoảng 12% tổng số doanh nghiệp toàn ngành. Các lĩnh vực có số lượng doanh nghiệp lớn và đóng góp chủ yếu trong khu vực này bao gồm: Ngành dệt, sản xuất trang phục, sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học, sản xuất máy móc và thiết bị chuyên dụng. Tổng vốn đầu tư đăng ký vào ngành công nghiệp CBCT trên địa bàn tỉnh đạt trên 13,6 tỷ USD, trong đó các doanh nghiệp, dự án tại các khu kinh tế, khu công nghiệp chiếm tỷ trọng lớn với 10,509 tỷ USD, chiếm 77,27% tổng vốn đăng ký. Riêng trong giai đoạn 2020-2024, tổng vốn đầu tư thu hút của ngành đạt khoảng 8,869 tỷ USD, tương ứng với 65,21% tổng vốn đầu tư lũy kế của ngành. Đặc biệt, trong giai đoạn 2020-2024, tổng số nộp ngân sách nhà nước của ngành công nghiệp CBCT đạt trên 12.052 tỷ đồng; các doanh nghiệp trong KKT, KCN đóng góp hơn 4.876 tỷ đồng.
Quảng Ninh kỳ vọng trở thành trung tâm công nghiệp CBCT phía Bắc trong thời gian tới. Để hiện thực hóa mục tiêu này tỉnh đang đẩy mạnh việc rà soát và điều chỉnh quy hoạch không gian công nghiệp theo hướng chuyên môn hóa, ưu tiên phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch và công nghiệp hỗ trợ. Thực hiện chính sách thu hút đầu tư với cơ chế ưu đãi đặc thù cho các nhà đầu tư chiến lược trong các ngành trọng điểm như: Thiết bị điện tử, cơ khí chế tạo, sản xuất linh kiện ô tô... Bên cạnh đó, tỉnh đẩy mạnh phát triển hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, gồm điện, nước, logistics, cảng biển và kết nối đường sắt, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất; thúc đẩy chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ thông minh trong sản xuất, nhằm xây dựng các “khu công nghiệp thông minh” và “nhà máy thông minh”; tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua liên kết giữa nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp, đào tạo lao động kỹ thuật cao đáp ứng nhu cầu công nghiệp hiện đại…
Nguồn: https://baoquangninh.vn/de-cong-nghiep-che-bien-che-tao-tiep-tuc-la-dong-luc-tang-truong-3360021.html
Bình luận (0)