Theo ông Lại Đức Đại, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ý tưởng này ngày càng được cộng đồng xã hội quan tâm và thúc đẩy. Nhất là những năm gần đây, khi khái niệm “công nghiệp văn hóa” được nhận thức, định hình rõ nét - và người ta xem đó như một xu thế/ dư địa quan trọng góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế, xã hội của mọi quốc gia, dân tộc trước bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng.
Dĩ nhiên, để đưa di sản cồng chiêng tham gia vào chuỗi phát triển ngành “công nghiệp văn hóa” thì phải có sự đầu tư thích đáng. Với Đắk Lắk, kể từ khi Không gian Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO vinh danh là Kiệt tác truyền khẩu và Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại vào tháng 11/2005, chính quyền địa phương và cộng đồng xã hội đã không ngừng nỗ lực đầu tư để phát huy đúng tầm di sản này.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong 20 năm qua (2005 - 2025), thông qua các đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng tỉnh Đắk Lắk”, ngành văn hóa đã phối hợp với chính quyền địa phương cùng các ban, ngành liên quan tích cực triển khai nhiều chương trình, nội dung quan trọng có tính chất cốt lõi như: mở các lớp truyền dạy đánh chiêng, chỉnh chiêng cho thế hệ trẻ; phục dựng các nghi lễ, lễ hội truyền thống; mua chiêng tặng buôn làng và hỗ trợ kinh phí cho các đội chiêng, nhà văn hóa cộng đồng diễn xướng; tổ chức hội diễn, hội thảo và giao lưu văn hóa cồng chiêng; thống kê, sưu tầm các bài chiêng cổ để gìn giữ, bảo tồn; in sách, băng đĩa, hình ảnh về các nghi lễ, lễ hội gắn với hoạt động diễn xướng cồng chiêng nhằm phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục trong cộng đồng…
Những chương trình, nội dung trên, theo nhà nghiên cứu văn hóa Tây Nguyên Linh Nga Niê K’đăm là để nhanh chóng chặn đứng vấn nạn thờ ơ, thậm chí là “chảy máu cồng chiêng” trong các buôn làng. Điều đáng ghi nhận hơn là qua đó đã thực sự khơi dậy nhận thức, niềm tự hào của chủ nhân di sản trước sứ mệnh mới: Văn hóa cồng chiêng là di sản đồng thời cũng là tài sản quý báu để con cháu hôm nay kế thừa và phát huy như một thế mạnh nhằm cải thiện và nâng cao đời sống kinh tế, xã hội nói chung trong mỗi cộng đồng.
|
Di sản cồng chiêng đã và đang được khai thác, phát huy như một thế mạnh để phát triển. Ảnh: Hữu Hùng |
Kế thừa và phát huy giá trị di sản văn hóa cồng chiêng theo đường hướng nào trong đời sống đương đại đang là thách thức đi kèm với cơ hội đặt ra cho chính quyền địa phương lẫn cộng đồng sở hữu và thụ hưởng.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tuyết Nhung Buôn Krông (Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn - Trường Đại học Tây Nguyên) cho rằng, đến nay vẫn chưa có con số thống kê chuyên biệt, chính xác về sự đóng góp của di sản cồng chiêng đối với quá trình phát triển kinh tế, xã hội của mỗi địa phương; nhưng không thể không kể đến sự tạo lập nền tảng tinh thần cũng như sức mạnh cố kết và lan tỏa giá trị trên các mặt văn hóa, kinh tế của nó trong đời sống hiện nay. Như đã nói, di sản cồng chiêng, nếu được bảo tồn, phát huy đúng nghĩa/đúng hướng là một trong những yếu tố nổi bật và tiêu biểu để tham gia chuỗi gia tăng giá trị cho ngành “công nghiệp văn hóa” của đất nước nói chung và Tây Nguyên nói riêng.
Ông Lại Đức Đại nhận xét, di sản cồng chiêng ở Đắk Lắk đến nay đã và đang được các địa phương khai thác, phát huy như một thế mạnh để phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là trong hoạt động du lịch, giới thiệu và quảng bá hình ảnh của mình trong tiến trình giao lưu, hội nhập. Từ năm 2017, các nghi lễ, lễ hội truyền thống của bà con được các cấp, các ngành cùng cộng đồng các tộc người tại chỗ quan tâm phục dựng và tái hiện. Rất nhiều nghi lễ, lễ hội gắn với hoạt động diễn xướng cồng chiêng của người Êđê, M’nông, J'rai, Xê Đăng… được khảo sát, tổ chức phục dựng nhằm tạo cơ hội, môi trường diễn xướng cho cồng chiêng âm vang và lan tỏa. Có thể nói, nhờ những nỗ lực trên mà văn hóa cồng chiêng đã thật sự “hồi sinh” để hòa chung với nhịp sống hôm nay.
Theo đó, ngoài chương trình biểu diễn văn hóa cồng chiêng (định kỳ 2 buổi/tháng với chủ đề Âm vang đại ngàn) nhằm phục vụ nhân dân và du khách từ cuối năm 2017 đến nay, ngành văn hóa còn phối hợp với nhiều tổ chức, đơn vị truyền thông trong nước và quốc tế quảng bá, giới thiệu di sản tiêu biểu này đến với đông đảo công chúng, thông qua những cuộc liên hoan, giao lưu văn hóa - văn nghệ trên toàn quốc cũng như một số quốc gia châu Âu và cộng đồng ASEAN với mục đích mở rộng và lan tỏa hơn giá trị di sản cồng chiêng trong dòng chảy hội nhập văn hóa - kinh tế và ngoại giao.
Rõ ràng, việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng gắn với phát triển kinh tế - xã hội đã và đang trở thành nguồn cảm hứng mới mẻ, thu hút cộng đồng, xã hội ở vùng di sản này theo đuổi và thúc đẩy ngày càng thực chất, hiệu quả hơn. Đặc biệt là khi di sản này đã được chính quyền địa phương cùng cộng đồng các dân tộc sở hữu có những bước đi phù hợp, tích cực nhằm đưa văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên tham gia và kích cầu ngành “công nghiệp văn hóa” của khu vực và quốc gia phát triển tương xứng với tiềm năng.
Nguồn:https://baodaklak.vn/van-hoa-du-lich-van-hoc-nghe-thuat/202505/nang-tam-gia-tri-di-san-944169f/
Bình luận (0)