Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 vừa qua thể hiện những nỗ lực đáng ghi nhận của Bộ GD-ĐT và các ban đề thi trong việc đổi mới đánh giá giáo dục theo Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới. Đây là năm đầu tiên tổ chức thi theo chương trình mới nên việc nảy sinh một số bất cập, đáng kể nhất là độ khó của đề thi một số môn học, cũng là điều có thể chia sẻ và đồng cảm. Chúng ta cần chờ xem phổ điểm các môn thi sau khi kết thúc chấm thi để có được đánh giá đầy đủ và chính xác hơn chất lượng của đề thi.
Cả xã hội cùng đồng hành với các thí sinh tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT
ẢNH: NHẬT THỊNH
HAI LOẠI BÀI THI ĐÁNH GIÁ
Trong quá trình xây dựng Chương trình GDPT năm 2018, Ban Phát triển chương trình đã trao đổi và tham vấn nhiều chuyên gia tư vấn quốc tế của Ngân hàng Thế giới, trong đó có GS Eduardo Cascallar, chuyên gia về đánh giá giáo dục. GS Eduardo Cascallar lấy bằng tiến sĩ tại ĐH Texas-Austin (Mỹ), từng là GS của ĐH KU Leuven (Bỉ) và là chuyên gia tư vấn của Ngân hàng Thế giới trong hàng chục năm.
Chương trình làm việc của chúng tôi với GS Eduardo Cascallar diễn ra trong khoảng một tuần (tháng 7.2017) vì vậy nội dung rất phong phú, liên quan đến nhiều khía cạnh khác nhau trong đánh giá giáo dục, đặc biệt là khả năng áp dụng kinh nghiệm đánh giá quốc tế vào VN trong bối cảnh triển khai Chương trình GDPT mới.
Nhân câu chuyện về đề thi tốt nghiệp THPT được bàn luận sôi nổi, tôi thấy cần chia sẻ một vài ý tưởng, thông tin mà GS Eduardo Cascallar đã trao đổi để tất cả những bên có liên quan tham khảo.
GS Eduardo Cascallar cho rằng: "Có bài thi đánh giá dựa vào nội dung đã dạy học (tạm gọi là "đánh giá trước") và có bài thi đánh giá để dự báo khả năng học tập trong tương lai (tạm gọi là "đánh giá dự báo"). Không nên gộp hai bài thi vào một. Tuy có mối tương quan giữa hai kết quả đánh giá, nhưng mối tương quan này không đủ để gộp.
GS Eduardo Cascallar giải thích thêm về sự khác biệt giữa hai kiểu bài thi. Theo đó "đánh giá trước" dựa vào chương trình giáo dục. Từ các nội dung cốt yếu, xây dựng bảng trọng số, phân định các loại câu hỏi, độ khó, độ phủ của các câu hỏi. Còn bài thi "đánh giá dự báo" không tập trung vào chương trình giáo dục. Cái cần quan tâm là nhu cầu của người đánh giá đối với thí sinh (TS), ví dụ muốn biết TS cần phải có được những kiến thức và năng lực gì cho tương lai. Bài đánh giá dự báo tốt phải cho kết quả đánh giá tương thích với kết quả học tập trong tương lai.
Đề thi tốt nghiệp THPT 2025 theo chương trình mới được đánh giá khó với môn tiếng Anh và toán
ảnh: Tuấn Minh
KHÔNG THỂ THIẾT KẾ MỘT CÂU HỎI KIỂM TRA CẢ NĂNG LỰC ĐỌC VÀ VIẾT
Một thành viên trong Ban Phát triển chương trình GDPT đặt vấn đề có thể dùng bài thi "đánh giá trước''để lọc TS cho tuyển sinh đại học không.
GS Eduardo Cascallar cho rằng có thể kết hợp được. Tuy nhiên, sử dụng kết quả học tập ở phổ thông kết hợp với khảo sát năng lực như SAT ở Mỹ thì tốt hơn. Với nhiều thông tin kết hợp, Mỹ đánh giá được 90% khả năng học của sinh viên ở năm thứ nhất. Phần mềm trí tuệ nhân tạo có khoảng 200 biến (có cả tính cách, hoàn cảnh gia đình…) ở Mỹ có thể dự báo được khá chính xác khả năng của sinh viên.
GS Eduardo Cascallar nhấn mạnh: "Khi thiết kế câu hỏi nên tập trung đo một khía cạnh. Không nên chỉ do hạn chế khả năng đọc hiểu mà học sinh (HS) không thể làm một bài toán vì câu hỏi là nhằm kiểm tra năng lực toán. Cũng như vậy, không nên thiết kế một câu hỏi để vừa kiểm tra năng lực đọc vừa kiểm tra năng lực viết. Nếu gộp vào thì khó biết HS giỏi/kém ở khía cạnh nào".
Vậy nếu bài thi có 40 câu hỏi thì cần có bao nhiêu câu trong ngân hàng đề thi? GS Eduardo Cascallar khẳng định: "Càng nhiều càng tốt. Nếu có khoảng 1.000 - 1.500 thì ở mức an toàn. Cần soạn 13 câu để chọn 1 câu dùng được. Người soạn đề thi giỏi thì cũng cần soạn 10 - 11 để chọn 1 câu, người soạn ở mức độ bình thường thì 13 - 14 câu. Không thể ít hơn 10 câu để chọn 1 câu''.
Theo GS Eduardo Cascallar, tùy thuộc vào chất lượng, nếu câu hỏi tốt thì với một kỳ thi mang tính quốc gia cần 40 câu tạm coi là đủ. Tuy nhiên, đề thi ở VN còn nhiều câu hỏi chưa tốt. Vì vậy, khoảng 60 câu thì mới có thể coi là đủ.
Chính vì vậy, GS Eduardo Cascallar khẳng định không có bài thi có giá trị chung chung, chỉ có bài thi có giá trị cho một mục tiêu cụ thể. Nếu bài thi nhằm 2 mục tiêu thì phải rất dài. Ví dụ với một bài thi trắc nghiệm khách quan cho 1 mục tiêu thì cần khoảng 60 - 80 câu nhưng cho 2 mục tiêu thì phải nhiều hơn nhiều, nếu chất lượng tốt thì khoảng 200 câu là đủ.
Đề thi môn tiếng Anh kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025
ảnh: Thúy Hằng
ĐỀ THI KHÔNG THỂ "BỊ NÉN QUÁ CHẶT"
Từ những khuyến nghị của GS Eduardo Cascallar, có mấy ý kiến như sau:
Thứ nhất, trong bối cảnh của VN, kết hợp hai mục tiêu trong một đề thi là một ý tưởng cần được cân nhắc. Tuy nhiên, nếu vẫn thực hiện thì số câu hỏi và thời gian làm bài cần phải được tăng lên.
Thiết kế một đề thi có khoảng 200 câu như GS Eduardo Cascallar khuyến nghị là không thực tế (có lẽ ông đưa con số 200 câu hỏi với hàm ý thiết kế một đề thi nhằm hai mục tiêu là kém khả thi) nhưng chắc hẳn không phải chỉ là 40 câu thực hiện trong vòng 50 phút như đề thi tiếng Anh kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay. Dung lượng của cái được coi là "câu hỏi" trong diễn giải của GS Eduardo Cascallar và trong đề thi tiếng Anh có thể có sự khác biệt, nhưng thời gian làm bài
50 phút là thước đo khách quan để đánh giá độ dài của một đề thi, qua đó có thể thấy đề thi tiếng Anh vừa qua đã bị nén quá chặt.
Nếu tiếp tục chủ trương 2 trong 1 (đề thi vừa để tốt nghiệp THPT vừa xét tuyển vào đại học) và giảm thời gian làm bài để tiết kiệm nhiều thứ thì ban đề thi tiếng Anh (và nhiều môn khác) trong kỳ thi tốt nghiệp THPT những năm sau chắc khó hoàn thành nhiệm vụ. Trong trường hợp này, giảm thời gian làm bài thi thực ra là tăng chứ không phải giảm áp lực cho các ban đề thi và cho TS.
Thứ hai, nhân chuyện đề thi tốt nghiệp THPT một số môn có vẻ quá khó, nhiều người đề nghị bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT. Vấn đề này chúng ta đã bàn nhiều. Các chuyên gia quốc tế, trong đó có GS Eduardo Cascallar, cũng đã có ý kiến tư vấn.
Các đổi mới trong giáo dục ở bình diện quốc gia, cần được cân nhắc cẩn trọng và toàn diện. Không có phương án nào là hoàn hảo và cũng không có phương án nào là không thể thay đổi. Nhưng nếu xuất hiện một vướng mắc lại đề xuất thay đổi chính sách thì giáo dục VN sẽ bị xoáy vào những đổi mới bất tận.
Có cần kỳ thi tốt nghiệp THPT mang tính quốc gia?
GS Eduardo Cascallar cũng cho rằng nên có kỳ thi tốt nghiệp THPT mang tính quốc gia để có chuẩn đánh giá chung nhưng điều này cũng dẫn đến việc dạy học có xu hướng nhắm đến thi cử. Vì vậy, cần quan tâm đào tạo giáo viên và tăng cường thanh tra để nâng cao chất lượng dạy học. Có thể dùng khảo sát trên diện rộng thay cho kỳ thi tốt nghiệp mang tính quốc gia (ví dụ như NAEP ở Mỹ). Tuy nhiên thiết kế đề thi kiểu này rất phức tạp về chọn mẫu (chỉ cần có một thay đổi nhỏ trong chọn mẫu thì kết quả sẽ thay đổi), thiết kế đề thi rất tốn kém, đặc biệt là trong bối cảnh VN (nhiều khu vực, dân tộc; vấn đề hậu cần…).
Với VN hiện nay, tổ chức một kỳ thi cho tất cả HS thì tốt hơn, giúp đánh giá toàn diện HS thuộc các đối tượng, vùng miền khác nhau.
Nguồn: https://thanhnien.vn/de-thi-tot-nghiep-thpt-co-nen-thiet-ke-nham-den-hai-muc-tieu-18525070219492685.htm
Bình luận (0)