Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Đề xuất đầu tư đập ngăn mặn trên sông Quán Trường

Ban Quản lý dự án phát triển tỉnh Khánh Hòa vừa báo cáo UBND tỉnh chủ trương đầu tư Dự án Đập ngăn mặn trên sông Quán Trường. Đây là dự án cấp thiết nhằm kiểm soát mặn xâm nhập, tạo cảnh quan cho khu vực hành chính mới của tỉnh và hỗ trợ phát triển du lịch đường thủy.

Báo Khánh HòaBáo Khánh Hòa23/07/2025

Cấp thiết đầu tư

Những năm gần đây, sông Quán Trường và Sông Tắc thường xuyên bị tắc nghẽn dòng chảy do quá trình bồi lắng, tích tụ; lòng sông bị thu hẹp, xâm nhập mặn và ngày càng ô nhiễm môi trường. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống sinh hoạt của người dân và cảnh quan môi trường khu vực. Đặc biệt vào mùa mưa lũ, các phường Nam Nha Trang và Tây Nha Trang thường xuyên bị ngập lụt, ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản của nhân dân. Trước những bất cập đó, tỉnh đã đầu tư nạo vét nhiều đoạn tuyến của 2 con sông này. Tuy nhiên, do kinh phí còn hạn chế nên việc đầu tư nạo vét, xây dựng các công trình liên quan chưa được đồng bộ, đặc biệt phía thượng lưu các sông vẫn chưa được nạo vét khơi thông, dẫn đến bị ngập lụt vùng hạ du Suối Dầu khi mùa mưa lũ đến và vì không thông với Sông Cái nên chất lượng nước trong khu vực thượng lưu Sông Tắc và sông Quán Trường bị ô nhiễm về mùa khô.

Dự kiến đập ngăn mặn trên sông Quán Trường sẽ được đầu tư gần cầu Bình Tân.
Dự kiến đập ngăn mặn trên sông Quán Trường sẽ được đầu tư gần cầu Bình Tân.

Ông Nguyễn Thanh Hiến - Giám đốc Ban Quản lý dự án phát triển tỉnh cho biết: "Để giải quyết được bài toán xâm nhập mặn, ô nhiễm môi trường thì việc đầu tư xây dựng đập ngăn mặn cho Sông Tắc và sông Quán Trường là hết sức cần thiết. Đập được hình thành sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu - nước biển dâng, bảo vệ trung tâm hành chính của tỉnh và các đảo nhân tạo theo đồ án quy hoạch. Dự án hoàn thành thậm chí biến cả vùng lõi các phường Nam Nha Trang và Tây Nha Trang trở thành đô thị đảo với phía đông giáp biển, phía tây giáp hồ, phía nam giáp Cửa Bé và phía bắc giáp Sông Cái.

Theo báo cáo của đơn vị tư vấn, việc hình thành đập ngăn mặn trên sông Quán Trường sẽ giúp ngăn mặn cho vùng thượng lưu, đảm bảo nguồn nước ngọt ổn định cho nhà máy nước Xuân Phong, Võ Cạnh; hình thành hồ điều hòa chứa nước ngọt với dung tích khoảng 6 triệu m3, phục vụ cấp nước cho khu đô thị mới phía tây. Đồng thời, tạo không gian mặt nước với diện tích mặt thoáng 280ha, góp phần chỉnh trang đô thị và phát triển du lịch thủy nội địa cho vùng đô thị mới phía tây; hạn chế sạt lở, giảm quy mô và chi phí xây dựng các công trình bảo vệ bờ các cụm đô thị đảo, đô thị ven sông, giảm quy mô nạo vét lòng Sông Tắc và sông Quán Trường trong phạm vi lòng hồ. Công trình đảm bảo tiêu thoát lũ, đảm bảo giao thông thủy cấp V, tạo điểm nhấn kiến trúc cảnh quan cho khu vực.

Dự kiến tổng mức đầu tư gần 900 tỷ đồng

Theo đề xuất đầu tư, dự án gồm các hạng mục: Đập chính ngăn mặn, giữ ngọt và xả lũ bằng bê tông cốt thép; âu thuyền phục vụ thuyền bè qua lại trong thời gian đóng ngăn mặn; hệ thống cửa van đóng, mở bằng xi-lanh thủy lực, tràn tự do để chủ động giữ mực nước ổn định và xả lũ; cầu đi bộ vận hành kết hợp cảnh quan, kiến trúc phục vụ du lịch; khu quản lý vận hành, hệ thống điện chiếu sáng và tiện ích phục vụ du lịch. Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng gần 900 tỷ đồng.

Đồng thời, đơn vị tư vấn đề xuất 4 phương án tuyến đập. Cụ thể, phương án 1A: Thượng lưu cầu Bình Tân, cách cầu khoảng 10m, tổng chiều dài toàn bộ đập là 300m. Phương án 1B: Thượng lưu cầu Bình Tân, cách cầu khoảng 150m; tổng chiều dài toàn bộ đập là 330m. Phương án 2: Thượng lưu cầu Bình Tân, cách cầu khoảng 300 - 400m; tổng chiều dài đập là 175m, chia làm hai đập bờ bắc và bờ nam cách nhau bởi đảo Hoa Sen. Phương án 3: Thượng lưu cầu Bình Tân, cách cầu khoảng 1.300 - 1.400m; chiều dài đập là 420m, chia làm 2 đập bờ bắc và bờ nam cách nhau bởi đảo Hoa Sen.

Sau khi phân tích, đơn vị tư vấn đề nghị chọn phương án 1A. Bởi đây là phương án bảo đảm được mục tiêu đầu tư, không phải giải phóng mặt bằng, không ảnh hưởng đến cảnh quan các đảo; đoạn giữa sông bố trí đập tràn kết hợp thiết kế cảnh quan, phát triển du lịch; tạo điểm nhấn cho khu vực, khi đi qua cầu Bình Tân, cửa ngõ phía nam vào trung tâm đô thị. 

Một số mốc thời gian dự kiến: Hoàn thiện hồ sơ dự án xin ý kiến Ban Thường vụ Tỉnh ủy (tháng 7-2025); hoàn thiện hồ sơ, trình thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư dự án (tháng 7-2025); lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi (tháng 12-2025); lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công và dự toán (tháng 3-2026); tổ chức lựa chọn nhà thầu thi công, tư vấn giám sát (tháng 4-2026); tháng 5-2026 sẽ khởi công và hoàn thành tháng 12-2028.

 MẠNH HÙNG 

Nguồn: https://baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202507/de-xuat-dau-tu-dap-ngan-man-tren-song-quan-truong-945579d/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Mùa sen nở rộ thu hút du khách đến với vùng non nước hùng vĩ Ninh Bình
 Cù Lao Mái Nhà: Nơi sự hoang sơ, hùng vĩ và bình yên cùng hòa quyện
Hà Nội lạ thường trước giờ bão Wipha đổ bộ
Lạc bước giữa thế giới hoang dã tại vườn chim ở Ninh Bình

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm