Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Đề xuất xây dựng trung tâm nguyên phụ liệu thời trang, tăng sức bật cho ngành da giày - dệt may

(Chinhphu.vn) - Chiều 22/7, tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với các trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nhằm thúc đẩy ngoại giao kinh tế, bà Nguyễn Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam đề xuất xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu - phát triển và giao dịch nguyên phụ liệu phục vụ ngành thời trang.

Báo Chính PhủBáo Chính Phủ22/07/2025

Đề xuất xây dựng trung tâm nguyên phụ liệu thời trang, tăng sức bật cho ngành da giày - dệt may- Ảnh 1.

Bà Nguyễn Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam, nêu ý kiến tại Hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Xuân, đối với ngành da giày, nút thắt lớn nhất hiện nay chính là vấn đề nguyên phụ liệu. Nguồn cung nguyên phụ liệu trong nước hiện vẫn phụ thuộc vào nhập khẩu và sự chỉ định của khách hàng, do phần lớn doanh nghiệp đang hoạt động theo mô hình gia công. Để tháo gỡ điểm nghẽn này, Hiệp hội xác định trong thời gian tới cần tiến tới tự chủ sản xuất nguyên phụ liệu trong nước. Khi đó, Việt Nam không chỉ tăng tính chủ động mà còn có khả năng thu hút thêm nhiều đơn hàng, tạo đà phát triển bền vững cho ngành.

Trên tinh thần đó, 3 hiệp hội gồm: Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam, Hiệp hội Dệt may và Hiệp hội Gỗ đã đề xuất xây dựng một trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu - phát triển và giao dịch nguyên phụ liệu phục vụ ngành thời trang. Hiện nay, dự án đã xác định được quỹ đất ban đầu khoảng 40 ha. Tuy nhiên, bà Xuân nhấn mạnh để đưa trung tâm này vào vận hành, cần có những chính sách đột phá và sự hỗ trợ phù hợp từ phía Nhà nước.

Cũng theo Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam, mặc dù mô hình này còn mới mẻ tại Việt Nam nhưng nhiều quốc gia trên thế giới đã triển khai thành công, điển hình như Trung Quốc.

"Chúng tôi kỳ vọng thông qua mạng lưới thương vụ và các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài sẽ hỗ trợ chia sẻ kinh nghiệm, mô hình hoạt động hiệu quả để chúng tôi học hỏi và áp dụng", bà Xuân bày tỏ.

Đề xuất xây dựng trung tâm nguyên phụ liệu thời trang, tăng sức bật cho ngành da giày - dệt may- Ảnh 2.

Ông Trương Văn Cẩm, Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam, phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Việc hình thành trung tâm sẽ giúp đa dạng hóa nguồn cung nguyên phụ liệu, thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong thiết kế, mô hình kinh doanh và tối ưu hóa chuỗi cung ứng sản xuất. Không chỉ phục vụ nhu cầu trong nước, trung tâm còn có thể cung ứng nguyên phụ liệu cho các nước trong khu vực như Indonesia, Campuchia, Bangladesh…

Với ý tưởng này, bà Xuân bày tỏ mong nhận được sự hỗ trợ từ các thương vụ trong việc kết nối mô hình quốc tế và từ Nhà nước trong việc hoàn thiện chính sách. Đặc biệt, bà kiến nghị các bộ ngành liên quan, như Bộ Công Thương, nghiên cứu xây dựng một đề án tổng thể với các cơ chế, chính sách hỗ trợ cụ thể. Điều này vừa tạo động lực thúc đẩy trung tâm đi vào hoạt động hiệu quả, vừa thu hút sự tham gia của nhiều ngành, góp phần hình thành chuỗi cung ứng nội địa và tăng tính chủ động cho ngành công nghiệp thời trang Việt Nam.

Nêu ý kiến tại hội nghị, ông Trương Văn Cẩm, Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, nhiều doanh nghiệp dệt may của Việt Nam hiện nay có tiềm lực để đầu tư ra nước ngoài để hình thành những tập đoàn toàn cầu, đặc biệt là đầu tư vào các nước có nguồn nhân công giá rẻ như Bangladesh, Ấn Độ… Vì vậy, ông kiến nghị các cơ quan đại diện ở nước ngoài nắm bắt, cung cấp các thông tin về môi trường đầu tư, chính sách thu hút đầu tư và cảnh báo cả những rủi ro để các doanh nghiệp có điều kiện nghiên cứu để đầu tư.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) chia sẻ, trong công tác phát triển thị trường, VASEP đã nhận được sự hỗ trợ tích cực từ các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt là các thương vụ. Khi tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại tại nhiều thị trường, VASEP luôn ghi nhận sự đồng hành, hiện diện và hỗ trợ hiệu quả từ các đại sứ. Ông Nam mong muốn thông qua hoạt động ngoại giao kinh tế, sự hỗ trợ này sẽ tiếp tục được duy trì và tăng cường.

Bên cạnh đó, cũng theo ông Nam, các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Chính phủ đã đàm phán và ký kết trong thời gian qua đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho ngành thủy sản. Trong các đợt rà soát FTA sắp tới, Hiệp hội kỳ vọng có thể mở rộng thêm một số ưu đãi, đặc biệt liên quan đến các mặt hàng chủ lực. Cụ thể, mong muốn FTA với Hàn Quốc có thể mở thêm hạn ngạch cho mặt hàng tôm và với Liên minh châu Âu là mở rộng hạn ngạch cho sản phẩm cá ngừ – những mặt hàng gắn liền trực tiếp với sinh kế của nông dân và ngư dân Việt Nam.

Anh Thơ


Nguồn: https://baochinhphu.vn/de-xuat-xay-dung-trung-tam-nguyen-phu-lieu-thoi-trang-tang-suc-bat-cho-nganh-da-giay-det-may-102250722204216655.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Hà Nội lạ thường trước giờ bão Wipha đổ bộ
Lạc bước giữa thế giới hoang dã tại vườn chim ở Ninh Bình
Ruộng bậc thang Pù Luông mùa nước đổ đẹp nao lòng
Những thảm nhựa 'nước rút' trên cao tốc Bắc - Nam qua Gia Lai

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm