Trong kỷ nguyên của biến đổi khí hậu và ý thức xã hội ngày càng cao, ESG (Môi trường, Xã hội, Quản trị) đã vượt xa xu hướng đơn thuần và dần trở thành yếu tố sống còn cho mọi doanh nghiệp.
Tại Việt Nam, tầm quan trọng của ESG đang được nhận diện rõ nét hơn bao giờ hết, được coi là điều kiện cần giúp doanh nghiệp tồn tại và phát triển.
Khi các công ty áp dụng ESG tốt sẽ hưởng lợi từ việc thu hút vốn đầu tư, giảm thiểu rủi ro, nâng cao danh tiếng và giữ chân nhân tài.
Vậy đâu là chìa khóa để hiện thực hóa những tầm nhìn lớn lao này?
Theo các chuyên gia, khoa học công nghệ không chỉ là công cụ hỗ trợ mà còn là động lực chính cho sự chuyển đổi của doanh nghiệp trên cả ba khía cạnh môi trường, xã hội và quản trị.
Nắm bắt tầm quan trọng này, Diễn đàn ESG Việt Nam 2025 do báo Dân trí tổ chức với chủ đề “Khoa học công nghệ và động lực cho phát triển bền vững” sẽ quy tụ các nhà khoa học, lãnh đạo doanh nghiệp và nhà hoạch định chính sách để cùng nhau thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm và tìm kiếm các giải pháp đột phá.
ESG: Yếu tố sống còn của doanh nghiệp trong kỷ nguyên mới
ESG là bộ tiêu chuẩn để đo lường các yếu tố liên quan đến phát triển bền vững từ chính sách, quy trình, chỉ số mà các doanh nghiệp triển khai để hạn chế tác động tiêu cực hoặc tăng cường sự tích cực đến môi trường, xã hội và các cơ quan quản trị.
Trong những năm gần đây, các doanh nghiệp toàn cầu và Việt Nam càng nhận thức rõ tầm quan trọng của các tiêu chí ESG trong quyết định đầu tư của họ.
Điều này thúc đẩy nhiều doanh nghiệp tích hợp ESG vào hoạt động và chiến lược kinh doanh.
ESG có thể được coi là một tập hợp con của phát triển bền vững, được Ủy ban Môi trường và Phát triển Thế giới của Liên Hợp Quốc định nghĩa "đáp ứng nhu cầu của thế hệ hiện tại mà không làm ảnh hưởng đến khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai".

ESG ngày càng quan trọng đối với các doanh nghiệp (Ảnh: Mộc An).
Tại Việt Nam, nghiên cứu của PwC năm 2022 cho thấy, 80% doanh nghiệp trong nước đã hoặc đang có kế hoạch thực hiện ESG, nhưng chỉ 22% có chiến lược ESG toàn diện. Điều này cho thấy ESG không còn là xu hướng, mà đã trở thành điều kiện bắt buộc nếu doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển.
Các công ty áp dụng tốt ESG thường có lợi thế về vốn đầu tư, giảm thiểu rủi ro pháp lý và vận hành hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, ESG giúp nâng cao danh tiếng thương hiệu, thu hút khách hàng và giữ chân nhân tài.
Phát triển bền vững: Kim chỉ nam từ định hướng quốc gia
Đại hội XI của Đảng đã định vị "phát triển bền vững" là yêu cầu xuyên suốt và cốt lõi trong mọi chiến lược phát triển.
Đây không chỉ là một mục tiêu, mà còn là "kim chỉ nam" cho con đường đi tới thịnh vượng của đất nước.
Quan điểm này được cụ thể hóa bằng sự kết nối chặt chẽ giữa phát triển kinh tế tri thức với bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế phải song hành cùng phát triển văn hóa, xã hội, hướng tới tiến bộ và công bằng xã hội.
Đại hội nhấn mạnh, phát triển nhanh tạo nguồn lực cho phát triển bền vững và ngược lại, phát triển bền vững là nền tảng vững chắc để tăng tốc. Hai yếu tố này phải luôn gắn kết trong mọi quy hoạch, kế hoạch và chính sách kinh tế - xã hội.
Cùng với đó, Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị xác định khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là các yếu tố cốt lõi, quyết định sự phát triển bền vững và cạnh tranh của quốc gia trên trường quốc tế.

Nhiều hội thảo chuyên đề, chương trình kết nối doanh nghiệp, thúc đẩy sáng kiến đổi mới sáng tạo sẽ được tổ chức trong khuôn khổ Diễn đàn ESG Việt Nam 2025 (Ảnh: Thành Đông).
Những yếu tố này không chỉ là động lực mà còn là điều kiện tiên quyết để hiện thực hóa khát vọng đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, trở thành một quốc gia giàu mạnh, hùng cường.
“Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là yếu tố quyết định sự phát triển vượt bậc của các quốc gia; đây là cơ hội tốt nhất để Việt Nam xây dựng một nền kinh tế giàu mạnh và vững bước trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, Nghị quyết nhấn mạnh.
Khoa học công nghệ: Đòn bẩy đột phá cho ESG
Khoa học công nghệ đang đóng vai trò không thể thiếu trong việc thúc đẩy các mục tiêu ESG, vượt xa các khái niệm truyền thống về bền vững.
Theo ông Filipe Alfaiate, giám đốc điều hành Viện Chính sách Công Nova SBE, khoa học không chỉ là công cụ hỗ trợ mà còn là động lực chính cho sự chuyển đổi của doanh nghiệp.
Trong lĩnh vực môi trường, công nghệ giúp giảm chi phí sản xuất các sản phẩm bền vững, chẳng hạn như thực phẩm hữu cơ, biến chúng thành lựa chọn phổ biến thay vì chỉ dành cho giới thượng lưu.
Đây cũng là chìa khóa để cải thiện tính minh bạch và khả năng kiểm soát trong các chuỗi cung ứng toàn cầu phức tạp, cho phép doanh nghiệp và người tiêu dùng theo dõi rõ ràng nguồn gốc và tác động đạo đức của sản phẩm theo thời gian thực.
Về mặt xã hội, khoa học công nghệ mở ra cơ hội tiếp cận các dịch vụ thiết yếu như y tế và giáo dục cho con người, đặc biệt đối với người nghèo hoặc các quốc gia có thu nhập thấp. Các mô hình kinh doanh đổi mới, được hỗ trợ bởi công nghệ có thể cung cấp các giải pháp chất lượng cao, dễ tiếp cận, giúp thoát khỏi vòng nghèo đói và thúc đẩy sự phát triển toàn diện.
Cuối cùng, trong lĩnh vực quản trị, công nghệ tăng cường tính minh bạch và hiệu quả trong hoạt động nội bộ. Nó giúp doanh nghiệp đo lường, báo cáo và quản lý rủi ro ESG một cách chính xác hơn, đồng thời thúc đẩy văn hóa doanh nghiệp hướng tới mục đích và giá trị bền vững.
Diễn đàn ESG Việt Nam 2025: Nơi hội tụ kiến tạo giải pháp
Diễn đàn ESG Việt Nam 2025 do báo Dân trí tổ chức với chủ đề “Khoa học công nghệ và động lực cho phát triển bền vững”, phù hợp với tinh thần của Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị, lấy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số làm động lực phát triển.
Thành viên Hội đồng năm nay đều là những cá nhân có uy tín, tầm ảnh hưởng trong lĩnh vực ESG, được Ban tổ chức Diễn đàn ESG Việt Nam mời tham gia và cam kết đóng góp cho sự phát triển của Diễn đàn.
Hội đồng cấp cao Diễn đàn ESG Việt Nam có 10 thành viên đã đồng hành cùng Ban Tổ chức Diễn đàn ESG Việt Nam lần thứ nhất và thêm một số thành viên mới, trong đó có ông Nguyễn Trọng Khang - Chủ tịch HĐQT MK Group, PGS.TS Tạ Hải Tùng - Hiệu trưởng Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông- Đại học Bách khoa Hà Nội.

Hội đồng cấp cao Diễn đàn ESG Việt Nam 2025.
Diễn đàn năm nay bao gồm các hội thảo chuyên đề, chương trình kết nối doanh nghiệp, thúc đẩy sáng kiến đổi mới sáng tạo, các hoạt động truyền thông nhằm lan tỏa giá trị ESG trong cộng đồng doanh nghiệp và xã hội...
Đây sẽ là nơi trao đổi, bàn bạc những vấn đề quan trọng như: Làm thế nào để doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ vào cải thiện môi trường, hạn chế tác động tiêu cực đến môi trường? Làm thế nào để doanh nghiệp có thể giải quyết các vấn đề xã hội như xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng giáo dục, y tế, tạo ra cơ hội việc làm bền vững? Làm sao để khoa học công nghệ tăng cường tính minh bạch, trách nhiệm giải trình, hiệu quả quản trị?
Thông qua việc nhấn mạnh vai trò của khoa học công nghệ, diễn đàn kỳ vọng sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc áp dụng các tiêu chuẩn ESG, giúp các doanh nghiệp Việt Nam không chỉ nâng cao năng lực cạnh tranh mà còn đóng góp thiết thực vào mục tiêu phát triển bền vững chung của quốc gia.
Đây là một bước đi quan trọng để Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế của mình trên bản đồ phát triển bền vững toàn cầu.
Diễn đàn ESG Việt Nam 2025: Hội đồng cấp cao họp ngày 24/7
Ngày 24/7, phiên họp của Hội đồng cấp cao Diễn đàn ESG Việt Nam 2025 với chủ đề "Khoa học công nghệ và động lực cho phát triển bền vững" sẽ diễn ra theo hình thức trực tiếp và trực tuyến tại tòa soạn báo Dân trí.
Điểm nhấn của Diễn đàn ESG Việt Nam năm 2025 sẽ là Việt Nam ESG Awards 2025 - danh vị uy tín vinh danh các doanh nghiệp đã có những thành tích xuất sắc trong việc thực thi ESG về khoa học công nghệ hướng tới phát triển bền vững.
Ban Tổ chức Diễn đàn ESG Việt Nam tin tưởng việc tôn vinh những doanh nghiệp thực thi tốt sẽ truyền cảm hứng và động lực cho các doanh nghiệp khác hành động vì một tương lai tốt đẹp hơn.
Nguồn: https://dantri.com.vn/khoa-hoc/dien-dan-esg-viet-nam-2025-nang-tam-ben-vung-bang-suc-manh-cong-nghe-20250723010237267.htm
Bình luận (0)