Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Doanh nghiệp 'sản xuất xanh' để rộng cửa xuất khẩu

Ðể tiếp cận những thị trường xuất khẩu khó tính, sản xuất xanh đang là lợi thế để các doanh nghiệp ở Hải Dương rộng đường xuất khẩu.

Báo Hải DươngBáo Hải Dương08/05/2025

xanh-hoa-san-xuat(1).jpg
Tại Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Hải Dương, Tập đoàn Hòa Phát đã áp dụng công nghệ sản xuất than coke sạch thu hồi nhiệt – một công nghệ sản xuất thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng. Ảnh: THÀNH CHUNG

Chuyển đổi "sản xuất xanh"

Công ty TNHH Công nghiệp Brother Việt Nam ở khu công nghiệp Phúc Điền (Cẩm Giàng) là doanh nghiệp 100% vốn đầu tư Nhật Bản. Mỗi năm, công ty sản xuất 1 triệu sản phẩm máy in, máy fax, các thiết bị điện tử... và khoảng 2 triệu sản phẩm là phụ kiện, phụ tùng thay thế, bộ phận, chi tiết cho các loại máy móc trên. Để phục vụ sản xuất, trung bình mỗi tháng công ty sử dụng 3,2 triệu kWh điện.

Chia sẻ kinh nghiệm về sử dụng năng lượng tiết kiệm tại hội nghị khách hàng do Công ty TNHH một thành viên Điện lực Hải Dương tổ chức gần đây, đại diện Công ty Brother Việt Nam cho biết, ngoài thực hiện các giải pháp tiết kiệm điện, đơn vị đầu tư hệ thống máy móc hiện đại, hiệu suất cao nhằm tối ưu hóa quá trình sản xuất và giảm thiểu tiêu thụ điện năng.

Năm 2024, công ty cải tiến, sử dụng các công nghệ mới nhất về tiết kiệm điện đối với một số hệ thống thiết bị sản xuất đúc nhựa, sản xuất bản mạch PCB, hệ thống điều hòa, hệ thống điều khiển máy nén khí… Qua đó, tiết kiệm hơn 281.000 kWh/năm.

Doanh nghiệp đầu tư hệ thống điện mặt trời áp mái, góp phần đa dạng hóa nguồn năng lượng và giảm phụ thuộc vào điện lưới. Hiện công ty đang vận hành ổn định hai hệ thống điện mặt trời với tổng công suất phát điện đạt 1.006 kW.

Trong quá trình sản xuất thép, Tập đoàn Hòa Phát phải sử dụng một lượng lớn điện, nước, than... Vì vậy, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường luôn được tập đoàn quan tâm hàng đầu. Tại Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Hải Dương, tập đoàn đã áp dụng công nghệ sản xuất than coke sạch thu hồi nhiệt - một công nghệ sản xuất thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng. Với công nghệ này, Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Hải Dương hiện có công suất phát điện 64 MW, tương ứng việc tự chủ khoảng 70% lượng điện phục vụ sản xuất.

Tập đoàn cải tạo hệ thống tạo xỉ hạt bằng nước lạnh áp lực cao, đầu tư thêm 1 dây chuyền nghiền xỉ hạt lò cao tại Khu liên hợp sản xuất gang thép Hải Dương. Đồng thời áp dụng nhiều biện pháp xử lý lượng bụi trong quá trình sản xuất thép. Bụi chứa sắt thu hồi được trong quá trình luyện gang thép, vảy cán thép đều được tái sử dụng ở các công đoạn sản xuất, vừa tiết kiệm chi phí, vừa góp phần bảo vệ môi trường…

Những chuyển đổi về năng lượng cũng như áp dụng quy trình "sản xuất xanh" đã góp phần giúp các doanh nghiệp này có thêm chứng chỉ xanh để mở rộng thị trường xuất khẩu.

Lợi ích kép

xanh-hoa-san-xuat1-1-.jpg
Sử dụng năng lượng tái tạo, trong đó có điện mặt trời áp mái cũng là cách để nhiều doanh nghiệp đạt được chứng chỉ xanh trong sản xuất

Việc chuyển đổi sang "sản xuất xanh" ở các doanh nghiệp mang lại lợi ích kép. Đó không chỉ là tiết kiệm chi phí, tăng lợi thế cạnh tranh mà còn là sự chung tay của các doanh nghiệp góp phần bảo vệ môi trường.

Việc ứng dụng sản xuất xanh giúp doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Đối với các thị trường 'khó tính' như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, các mặt hàng xuất khẩu phải đáp ứng tiêu chuẩn về môi trường. Việc sử dụng năng lượng xanh, quy trình sản xuất bền vững, nguyên liệu thân thiện môi trường sẽ là lợi thế để các doanh nghiệp xuất khẩu thâm nhập vào các thị trường này.

Đầu tư hệ thống thiết bị tiết kiệm điện hoặc cải tiến thiết bị, sử dụng nguyên liệu xanh chính là giải pháp căn cơ giúp các doanh nghiệp tiết kiệm chi phí dài hạn cho nguyên liệu, năng lượng, xử lý chất thải, khắc phục ô nhiễm môi trường trong trường hợp xảy ra sự cố...

Sử dụng quy trình sản xuất xanh, doanh nghiệp tạo thiện cảm với người tiêu dùng, nhà đầu tư, nâng cao hình ảnh, uy tín trước khách hàng. Ngoài những lợi ích kinh tế mang lại, việc ứng dụng sản xuất xanh cũng là cách đóng góp của doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường, giảm phát thải và ứng phó biến đổi khí hậu.

Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp cho biết mong muốn được chuyển đổi sang mô hình sản xuất xanh nhưng nguồn vốn đầu tư hệ thống thiết bị quá lớn. Trong khi các doanh nghiệp nói chung, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vừa phải đối mặt với nhiều khó khăn đến từ yếu tố khách quan như đại dịch Covid - 19, bão Yagi và hiện tại là chính sách thuế quan của Mỹ.

Các doanh nghiệp rất muốn hiện đại hóa hệ thống thiết bị, hướng đến sản xuất xanh để hàng hóa sản xuất ra tạo được lợi thế cạnh tranh, tiếp cận được những thị trường khó tính. Tuy nhiên, chi phí đầu tư hệ thống máy móc để chuyển sang sản xuất xanh không nhỏ. Các doanh nghiệp mong muốn nhà nước có giải pháp hỗ trợ về cơ chế, chính sách, nhất là hỗ trợ về vốn để đầu tư trang thiết bị hiện đại, chuyển đổi sang sản xuất xanh, phát triển bền vững…

TÂM PHÚC

Nguồn: https://baohaiduong.vn/doanh-nghiep-san-xuat-xanh-de-rong-cua-xuat-khau-409579.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Những quán bún phở Hà Nội
Ngắm non xanh nước biếc Cao Bằng
Cận cảnh con đường đi bộ xuyên biển 'thoắt ẩn thoắt hiện' tại Bình Định
Tp. Hồ Chí Minh đang vươn mình thành một "siêu đô thị" hiện đại

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm