
Sáng 8/5, Nhà hát Chèo Hải Dương công bố dàn dựng vở diễn mới “Hiền sĩ xứ Đông”.
Phát biểu tại buổi công bố, lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi nhận sự nỗ lực của Nhà hát Chèo trong việc bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống. Đồng thời nhấn mạnh vai trò của các tác phẩm nghệ thuật có chiều sâu, mang đậm bản sắc dân tộc như “Hiền sĩ xứ Đông” trong việc thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Đây là hoạt động chuyên môn trọng điểm trong năm 2025, được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt.
.jpg)
Vở diễn “Hiền sĩ xứ Đông” khắc họa hình tượng Trần Thì Kiến (1260 - 1330), bậc hiền tài xứ Đông, một môn khách của Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn. Ông nổi tiếng là vị quan liêm khiết, đặc biệt rất giỏi Kinh dịch.
Bằng ngôn ngữ chèo cổ kết hợp sáng tạo hiện đại, vở diễn sẽ là sự hòa quyện giữa sử thi và cảm xúc đương đại, truyền tải bài học sâu sắc về nhân cách, lòng trung nghĩa và trí dũng của người Việt.
.jpg)
Tác phẩm do Tiến sĩ Trần Đình Ngôn, cây bút gạo cội của sân khấu chèo đương đại viết kịch bản, đạo diễn, Nghệ sĩ Nhân dân Lê Tuấn Cường dàn dựng, Nghệ sĩ ưu tú Thanh Nam phụ trách phần âm nhạc.
Dự kiến vở chèo “Hiền sĩ xứ Đông” sẽ công diễn vào cuối tháng 6/2025.
Trần Thì Kiến (có sách gọi là Trần Kiến), người ở làng Cự Xạ, huyện Đông Triều, phủ Tân Hưng (nay là thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh). Cùng với Phạm Ngũ Lão, Trương Hán Siêu, Phạm Lãm, Ngô Sĩ Thường, Nguyễn Thế Trực…, Trần Thì Kiến vốn là môn khách của Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn. Vì quý mến tài năng của ông, Trần Quốc Tuấn đã tiến cử lên vua và được vua sử dụng. Trần Kiến rất am hiểu về Kinh dịch, đã bốc quẻ và dự đoán đúng kết quả trận chiến giữa quân đội Đại Việt và quân Nguyên.
Sau khi dẹp yên giặc, vào năm Nhâm Thìn (1292), Trần Thì Kiến được bổ chức An phủ sứ lộ Yên Khang (nay là huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình), sau đó ông được thăng chức Trị thiên trưởng. Tháng 4, năm Đinh Dậu (1297), Trần Thì Kiến chuyển sang giữ chức Đại an phủ sứ, kiêm chức Kiểm pháp quan. Khi đang giữ chức quan Kiểm pháp, ông xét xử mọi việc kiện tụng rất công bằng và thỏa đáng. Trần Kiến nổi tiếng khắp nơi là người thẳng thắn, cương trực.
Năm Mậu Tuất (1298), vua Trần Anh Tông bổ dụng Trần Thì Kiến làm Nhập nội hành khiển hữu gián nghị đại phu. Ba năm sau, tức năm Tân Sửu (1301), ông lại được bổ chức Tham tri chính sự. Đến năm Ất Tỵ (1305), Trần Thì Kiến lại được bổ chức Tả bộc xạ (Tể tướng). Dù ở cương vị nào, Trần Thì Kiến cũng làm tròn chức trách nhiệm vụ của mình.
Nguồn: https://baohaiduong.vn/nha-hat-cheo-hai-duong-dan-dung-vo-cheo-moi-hien-si-xu-dong-411116.html
Bình luận (0)