Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Đội Cảm tử quân và trận “Hóa trang kỳ tập” - Chiến công lừng lẫy

Sau thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945, chính quyền cách mạng non trẻ của Việt Nam đứng trước nguy cơ lớn bị thực dân Pháp quay trở lại xâm lược. Tại Cần Thơ, một vị trí chiến lược quan trọng ở miền Nam, lực lượng kháng chiến đã không ngừng đấu tranh để bảo vệ thành quả cách mạng. Trong bối cảnh cam go ấy, Đội Cảm tử quân thuộc Quốc gia tự vệ cuộc Cần Thơ, dưới sự chỉ huy của đồng chí Lê Bình đã làm nên một chiến công vang dội - trận "Hóa trang kỳ tập" vào Sở chỉ huy quân Pháp tại thị trấn Cái Răng vào ngày 12-11-1945. Trận đánh không chỉ gây tổn thất nặng nề cho quân địch mà còn thổi bùng ngọn lửa yêu nước và ý chí chiến đấu trong lòng nhân dân.

Báo Cần ThơBáo Cần Thơ03/07/2025

Nhà truyền thống lực lượng Công an TP Cần Thơ là nơi thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt chính trị cho cán bộ, chiến sĩ Công an TP Cần Thơ và học sinh.

Đồng chí Lê Bình (1924-1945) là người con thứ tư trong gia đình có truyền thống cách mạng và hiếu học ở xã Sơn Tân, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Ngày 30-8-1945, tại trụ sở Hải quân cũ của Pháp ở bến Ninh Kiều, Quốc gia tự vệ cuộc Cần Thơ được thành lập, đánh dấu sự ra đời của lực lượng Công an Cần Thơ, đồng chí Lê Bình được phân công giữ chức Giám đốc Quốc gia tự vệ cuộc Cần Thơ.

Khi đồng chí Lê Bình chưa kịp đến nhiệm sở thì quân Pháp đã tái chiếm Cần Thơ. Trước tình hình nguy cấp, đồng chí đã có một quyết định táo bạo tổ chức một trận tập kích bất ngờ nhằm giáng đòn mạnh vào kẻ thù, cổ vũ tinh thần kháng chiến trong nhân dân. Thị trấn Cái Răng có vị trí chiến lược quan trọng, bị quân Pháp chiếm giữ để xây dựng tuyến phòng thủ bảo vệ từ xa và làm bàn đạp đánh phá các cơ sở cách mạng, cướp bóc, đàn áp nhân dân do đại úy Rouen chỉ huy. Nhằm phá vỡ tuyến phòng thủ này, đầu tháng 11-1945, đồng chí Lê Bình thành lập Đội cảm tử quân gồm 6 đồng chí: Lê Bình (chỉ huy), Bùi Quang Trinh, Trần Chiên, Lê Nhật Tảo, Cao Minh Lộc và Trần Hữu Nghi.

Sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng thực địa và họp bàn kế hoạch chiến đấu, Đội cảm tử quân đã thống nhất thực hiện chiến thuật “Hóa trang kỳ tập” (đánh bất ngờ bằng cách hóa trang) vào thời điểm sáng sớm ngày 12-11-1945, lúc chợ Cái Răng đông đúc nhất, là thời điểm địch dễ sơ hở, chủ quan nhất. Các đồng chí hóa trang thành những người Hoa kiều, dùng hai chiếc ghe chở đầy mía, gạo, trái cây, thịt heo, chèo từ hướng Phong Điền về thị trấn Cái Răng, dễ dàng lọt vào trong khu vực chỉ huy của địch.

Ngay khi tên Rouen xuất hiện, nhanh như cắt, đồng chí Lê Bình lập tức nổ súng, khiến hắn ngã lăn xuống đất. Tiếng súng nổ cũng là hiệu lệnh cho toàn đội hành động. Các chiến sĩ cảm tử lao vào đánh chiếm Sở chỉ huy, tiêu diệt nhiều binh lính Pháp. Lợi dụng thời cơ, đồng chí Lê Bình hạ lá cờ Pháp (tam sắc) xuống và kéo lên cao lá cờ đỏ sao vàng của ta. Khi quân địch hoàn hồn, chúng phản công dữ dội, đồng chí Lê Bình và đồng chí Bùi Quang Trinh hy sinh khi đang chiến đấu ngoan cường, các đồng chí còn lại tiếp tục chiến đấu đến hơi thở cuối cùng, gây tổn thất nặng nề cho đối phương.

Trận đánh gây chấn động. 27 sĩ quan, binh lính địch bị tiêu diệt, 17 tên bị thương, trong đó Rouen bị trọng thương. Trận “Hóa trang kỳ tập” không chỉ đập tan ý đồ “đánh nhanh, thắng nhanh” của địch mà còn gây tiếng vang lớn trên toàn chiến trường Nam Bộ, là chiến công đầu tiên mang tầm vóc lịch sử của lực lượng Công an Cần Thơ nói riêng và Công an Nhân dân Việt Nam nói chung trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên bốt giặc đã củng cố mạnh mẽ niềm tin của nhân dân vào kháng chiến. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã biểu dương trận đánh, xem đây là minh chứng rõ nét cho khí phách và sức mạnh của lực lượng cách mạng miền Nam. Thậm chí, sau khi được cứu chữa tại Pháp, tên quan ba Rouen đã viết trên Báo Nhân đạo (cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Pháp) bày tỏ sự cảm phục tinh thần dũng cảm của dân tộc Việt Nam và tuyên bố sẽ vận động nhân dân Pháp ủng hộ phong trào giải phóng Việt Nam.

Sự hy sinh của Đội cảm tử quân để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng nhân dân. Năm 1993, đồng chí Lê Bình được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Đến ngày 01-3-2010, Chủ tịch nước đã ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho toàn thể Đội cảm tử quân thuộc Quốc gia tự vệ cuộc Cần Thơ. Địa điểm diễn ra trận đánh được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp thành phố vào năm 2006. Cuối năm 2016, địa điểm này được cải tạo, trùng tu và chuyển giao trở thành Nhà truyền thống lực lượng Công an TP Cần Thơ vào tháng 3-2017.

Cán bộ, chiến sĩ thường xuyên quét dọn vệ sinh tại Nhà truyền thống lực lượng Công an TP Cần Thơ.

Hằng năm, vào ngày 08-10 (âm lịch) cũng như các dịp lễ, Tết, cán bộ, chiến sĩ Công an TP Cần Thơ đều tổ chức dâng hoa, dâng hương tại Nhà truyền thống để tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ. Đây không chỉ là hoạt động tri ân, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” mà còn là dịp để giáo dục thế hệ trẻ Công an thành phố về truyền thống anh hùng, bất khuất của cha ông.

Chiến công của Đội cảm tử quân tại Cái Răng không chỉ là niềm tự hào của người dân Cần Thơ mà còn là biểu tượng sống động của tinh thần “vì nước quên thân, vì dân phục vụ” mà lực lượng Công an Nhân dân ngày nay đang nỗ lực gìn giữ và phát huy.

Bài, ảnh: Quang Huy

Nguồn: https://baocantho.com.vn/doi-cam-tu-quan-va-tran-hoa-trang-ky-tap-chien-cong-lung-lay-a188093.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Bình minh đẹp rực rỡ trên các vùng biển Việt Nam
Vòng cung hang động kỳ vĩ ở Tú Làn
Trà sen - Món quà thơm của người Hà Nội
Hơn 18.000 ngôi chùa cả nước cử chuông trống bát nhã cầu quốc thái dân an sáng nay

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm