Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Đồng bộ nhiều giải pháp để đạt mục tiêu tăng trưởng trên 8%

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm 2025 tăng 7,52% so với cùng kỳ năm trước, là mức cao nhất của 6 tháng đầu năm trong giai đoạn 2011-2025.

Hà Nội MớiHà Nội Mới06/07/2025

Tuy nhiên, để đạt mục tiêu tăng trưởng trên 8% trong năm nay là thách thức lớn, đòi hỏi các cấp, các ngành thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Phóng viên Báo Hànộimới có cuộc trao đổi với Cục trưởng Cục Thống kê (Bộ Tài chính) Nguyễn Thị Hương về vấn đề trên.

- Bà đánh giá thế nào về tình hình kinh tế nước ta trong 6 tháng đầu năm 2025?

ba-huong.jpg
Cục trưởng Cục Thống kê (Bộ Tài chính) Nguyễn Thị Hương.

- Theo số liệu đánh giá, GDP quý II-2025 tăng trưởng tích cực, với tốc độ tăng ước đạt 7,96% so với cùng kỳ năm trước, chỉ thấp hơn tốc độ tăng 8,56% của quý II-2022 trong giai đoạn 2020-2025. GDP 6 tháng đầu năm 2025 tăng 7,52% so với cùng kỳ năm trước, là mức cao nhất của 6 tháng đầu năm trong giai đoạn 2011-2025.

Trong mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,84%, đóng góp 5,59%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,33%, đóng góp 42,2%; khu vực dịch vụ tăng 8,14%, đóng góp 52,21%.

- Những động lực chính của kết quả khả quan trên là gì, thưa bà?

- Ngoài ngành Nông nghiệp vẫn duy trì mức tăng khá hơn 3,8% trong 6 tháng đầu năm, khu vực chế biến, chế tạo là động lực quan trọng để giữ mức tăng trưởng của quý II-2025 gần 8%, từ đó mức tăng trưởng của 6 tháng đạt hơn 7,5%. Công nghiệp chế biến, chế tạo vừa qua đã nỗ lực hết mức để sản xuất, cung cấp đầy đủ các sản phẩm trong nước, đặc biệt là duy trì mức xuất khẩu. Nhờ đó, xuất khẩu hàng hóa đạt kết quả ấn tượng với mức tăng hơn 14%. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 10,11%, đóng góp 2,55 điểm phần trăm.

Tiếp đến, ngành Xây dựng thể hiện sự nỗ lực trong giải ngân vốn đầu tư công tăng 9,62%, là mức tăng cao nhất so với cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2011-2025.

Khu vực dịch vụ, hoạt động ngoại thương, vận tải, du lịch tăng cao; trong đó dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 10,46%, ngành vận tải, kho bãi tăng 9,82%. Một số ngành dịch vụ công cũng có mức tăng khá cao để thực hiện nhiều nhiệm vụ đột phá phục vụ cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy, xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp của đất nước.

Có thể nói, động lực chính cho tăng trưởng kinh tế, nếu xét về sản xuất là từ công nghiệp và ngành dịch vụ thị trường. Còn nếu xét về cầu thì đầu tư có mức tăng ấn tượng với mức tăng đầu tư chung của toàn xã hội là 9,8%, đăng ký vốn đầu tư nước ngoài cũng là con số đáng ghi nhận, tăng trên 32% so với cùng kỳ năm trước, quy mô là hơn 21,5 tỷ USD.

Đóng góp vào tăng trưởng kinh tế 6 tháng qua còn là lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 10,7 triệu lượt người, tăng 20,7% so với cùng kỳ năm trước. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu tăng hơn 16%, thể hiện sự kết nối của chúng ta trong bối cảnh thế giới có nhiều bất ổn...

- Vấn đề thuế đối ứng sẽ là khó khăn không nhỏ đối với tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng cuối năm. Bà có nghĩ như vậy?

- Trong 6 tháng cuối năm, kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn nên chịu tác động không nhỏ từ các biến động kinh tế, chính trị, dịch bệnh, thiên tai khó dự báo.

Thuế đối ứng vừa là thuận lợi, vừa là khó khăn. Đây cũng là cơ hội để chúng ta nâng cao chất lượng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu không chỉ của Hoa Kỳ mà cả các quốc gia có hàng rào kỹ thuật tương ứng, từ đó nâng cao chất lượng hàng sản xuất trong nước, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu và đa dạng hóa thị trường.

Chúng ta cũng phải tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng “làm sạch”, minh bạch nguyên liệu đầu vào và tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ để đáp ứng yêu cầu phát triển trong nước và yêu cầu xuất khẩu. Đây còn là cơ hội để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực theo kịp với đòi hỏi, yêu cầu của thế giới.

cang-hp.jpg
6 tháng đầu năm 2025, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt kết quả ấn tượng với mức tăng hơn 14%. Trong ảnh: Xuất, nhập khẩu hàng hóa tại Cảng Hải Phòng.

- Theo bà, để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% trở lên trong năm nay, cần thực hiện những giải pháp gì?

- Mục tiêu tăng trưởng kinh tế trên 8% trong năm 2025 là thách thức lớn. Để đạt được cần sự chung sức, đồng lòng của các cấp, các ngành, doanh nghiệp, nhân dân và sự ủng hộ, hỗ trợ của bạn bè quốc tế. Các ngành, các cấp cần tăng cường cập nhật, dự báo tình hình, chủ động điều hành linh hoạt, phù hợp, kịp thời ứng phó với các tình huống phát sinh, kiên định mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân. Cùng với đó, tôi cho rằng, cần thực hiện 5 nhóm giải pháp.

Thứ nhất, kiên trì giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô; bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; nâng cao tính tự chủ, khả năng thích ứng và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Theo dõi sát diễn biến giá các hàng hóa chiến lược trên thị trường thế giới, tình hình quốc tế, khu vực; chủ động phân tích, dự báo, kịp thời cảnh báo các nguy cơ tác động đến mặt bằng giá trong nước. Bảo đảm nguồn cung và mức giá phù hợp đối với các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống của nhân dân.

Thứ hai, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, thúc đẩy quan hệ thương mại hài hòa, bền vững; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất và thị trường xuất khẩu gắn với nâng cao chất lượng sản phẩm; tham gia sâu, rộng hơn vào các chuỗi cung ứng khu vực, toàn cầu. Khai thác hiệu quả các cơ hội từ 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết; đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường lớn, chủ lực.

Thứ ba, có giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, kịp thời hơn để tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng tiếp theo của năm 2025, đặc biệt là các dự án quan trọng, công trình trọng điểm và các chương trình mục tiêu quốc gia; đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án giao thông chiến lược, sân bay, cảng biển, đường bộ cao tốc, dự án liên vùng, liên tỉnh. Có chính sách ưu đãi, cạnh tranh, tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi để thu hút các dự án lớn, dự án công nghệ cao..., thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia đầu tư, đặt trụ sở và thành lập các trung tâm nghiên cứu và phát triển tại Việt Nam.

Thứ tư, đẩy mạnh tái cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng hiện đại hóa, nâng cao năng suất, chất lượng của sản phẩm các ngành công nghiệp có lợi thế; phát triển các lĩnh vực công nghiệp mới nổi như chíp, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI); phát triển mạnh công nghiệp chế biến, chế tạo và các ngành công nghiệp hỗ trợ, bảo đảm an ninh năng lượng.

Thứ năm, thực hiện có hiệu quả và kịp thời các chính sách an sinh xã hội; cứu trợ đột xuất, bảo đảm người dân khi gặp rủi ro, thiên tai được hỗ trợ kịp thời, khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống; tăng cường kết nối cung cầu lao động, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu của hoạt động sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là các ngành, lĩnh vực công nghiệp mới.

- Trân trọng cảm ơn bà!

Nguồn: https://hanoimoi.vn/dong-bo-nhieu-giai-phap-de-dat-muc-tieu-tang-truong-tren-8-708165.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Hương vị miền sông nước
Bình minh đẹp rực rỡ trên các vùng biển Việt Nam
Vòng cung hang động kỳ vĩ ở Tú Làn
Trà sen - Món quà thơm của người Hà Nội

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm