Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Duy trì chất lượng VietGAP sau chứng nhận

(Baothanhhoa.vn) - Những năm gần đây, diện tích sản xuất được chứng nhận VietGAP trên địa bàn tỉnh không ngừng mở rộng; góp phần nâng cao giá trị nông sản, tạo thuận lợi trong khâu tiêu thụ, bảo đảm an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc... và được xem là “tấm vé thông hành” để đưa các sản phẩm nông nghiệp vào siêu thị. Tuy nhiên, duy trì chất lượng các sản phẩm sau khi được chứng nhận vẫn còn là một “bài toán khó” đối với người nông dân.

Báo Thanh HóaBáo Thanh Hóa06/07/2025

Duy trì chất lượng VietGAP sau chứng nhận

Diện tích rau an toàn sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Mậu Lâm.

Là một trong những đối tượng chuyển đổi cơ cấu cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao, các địa phương đã và đang tích cực mở rộng diện tích trồng cây ăn quả; ưu tiên phát triển cây ăn quả theo hướng tập trung, quy mô lớn theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ... Đến nay, toàn tỉnh có gần 500ha đã được chứng nhận VietGAP tại một số vùng sản xuất tập trung như vùng trồng cây ăn quả 5ha tại xã Vĩnh Lộc; vùng trồng cam, bưởi 15ha, thanh long ruột đỏ 11ha, xoài keo 10ha... của Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Hồ Gươm - Sông Âm; vùng trồng cây ăn quả tập trung tại các xã Yên Ninh, Yên Trường, Yên Phú với diện tích gần 33ha... và rải rác tại các địa phương có nhiều tiềm năng phát triển cây ăn quả.

Tại xã Xuân Bình, năm 2012, trang trại của anh Nguyễn Thanh Hồng được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP với sản phẩm cam đường canh. Đến nay, sau nhiều năm, trang trại vẫn không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, thực hiện việc tái đăng ký đạt tiêu chuẩn VietGAP. Chia sẻ về kinh nghiệm sản xuất của bản thân, anh Hồng cho biết: “Để sản xuất cam đạt tiêu chuẩn VietGAP, tôi đã mất nhiều thời gian để tham quan, học hỏi kỹ thuật ở những trang trại lớn; bởi để được công nhận đạt tiêu chuẩn thì quá trình sản xuất cần thực hiện nghiêm ngặt, bao gồm việc lựa chọn giống, chuẩn bị đất, quản lý dinh dưỡng, nước tưới, phòng trừ sâu bệnh và thu hoạch... Bên cạnh đó, đối với diện tích đất đồi rộng, tôi đã đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm, tự động cài đặt giờ tưới, lượng nước... để hạn chế chi phí thuê nhân công và thời gian tưới”.

Cũng theo anh Hồng, không chỉ sản xuất theo quy trình để được chứng nhận, đến nay trang trại vẫn duy trì quy trình trồng và chăm sóc tiêu chuẩn VietGAP như quản lý dinh dưỡng, hạn chế sử dụng phân bón hóa học; tưới nước đầy đủ và đúng thời điểm, tránh gây ngập úng hoặc thiếu nước; cắt tỉa, tạo tán cho cây cam để cây phát triển cân đối, tăng khả năng ra quả. Nhất là, ghi chép đầy đủ các hoạt động sản xuất, từ việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, đến việc chăm sóc, thu hoạch; lưu trữ hồ sơ để phục vụ cho việc truy xuất nguồn gốc và đánh giá chất lượng sản phẩm cho các lần đánh giá sau... Bởi vậy, sản phẩm cam đường canh của anh Hồng có chất lượng đồng đều, mẫu mã đẹp, được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh tìm mua.

Tại vùng sản xuất rau an toàn tập trung xã Thiệu Hóa, với 40ha được chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP, với mỗi vụ sản xuất mới, người dân nơi đây vẫn duy trì thói quen cải tạo đất trồng, nguồn nước tưới đảm bảo, sử dụng phân hữu cơ hoai mục, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong trường hợp cần thiết và phải tuân thủ nghiêm ngặt thời gian cách ly; thu hoạch đúng thời điểm, bảo quản ở nhiệt độ phù hợp để đảm bảo sản phẩm an toàn cung cấp cho thị trường. Tuy nhiên, bên cạnh những hộ dân có diện tích lớn, sản phẩm có đầu ra ổn định, chứng nhận VietGAP được xem là “thẻ bảo hành” cho chất lượng sản phẩm thì đối với những hộ gia đình có quy mô sản xuất nhỏ, sau khi được chứng nhận, người dân không mặn mà với việc giữ chất lượng, tái đăng ký tiêu chuẩn VietGAP. Chị Lê Thị Dung, người dân xã Thiệu Hóa, cho biết: “Mặc dù việc sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP mang lại nhiều lợi ích cho chúng tôi nhưng diện tích sản xuất của gia đình còn nhỏ lẻ, sau 3 năm gia hạn tiêu chuẩn lại tốn khá nhiều chi phí. Trong khi đó, việc áp dụng các tiêu chuẩn tiên tiến vào sản xuất gặp nhiều khó khăn, giá bán không cao hơn các sản phẩm thông thường; chưa có kênh tiêu thụ riêng... nên tôi chưa thực hiện tái đăng ký”.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 2.500ha diện tích cây trồng đạt chứng nhận VietGAP; số trang trại chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản còn hạn chế. Với xu hướng ưu tiên sử dụng các sản phẩm sạch, chất lượng cao của người tiêu dùng, để duy trì chất lượng VietGAP sau khi được chứng nhận, các địa phương, HTX cần có kế hoạch tạo điều kiện, khuyến khích, hỗ trợ người dân về chi phí đăng ký, kỹ thuật sản xuất, đầu ra của sản phẩm... Bên cạnh đó, các hộ dân cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình sản xuất, quản lý tốt các yếu tố đầu vào như giống, đất, nước, thuốc bảo vệ thực vật, kiểm soát dịch bệnh, an toàn thực phẩm... Thực hiện đánh giá giám sát định kỳ và lưu trữ hồ sơ, đồng thời cập nhật kiến thức và kỹ thuật mới... giúp đảm bảo sản phẩm luôn đạt chuẩn VietGAP, duy trì uy tín và mở rộng thị trường. Ngoài ra, việc truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu và quảng bá sản phẩm VietGAP cũng rất quan trọng để duy trì uy tín và giá trị của nông sản.

Bài và ảnh: Lê Ngọc

Nguồn: https://baothanhhoa.vn/duy-tri-chat-luong-vietgap-sau-chung-nhan-254142.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Hương vị miền sông nước
Bình minh đẹp rực rỡ trên các vùng biển Việt Nam
Vòng cung hang động kỳ vĩ ở Tú Làn
Trà sen - Món quà thơm của người Hà Nội

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm