Chân dung cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (ảnh sưu tầm)
Cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (1915 – 1998) tên khai sinh là Nguyễn Văn Cúc, hay còn gọi là Mười Cúc. Ông sinh ra trong 1 gia đình công chức tại xã Giai Phạm, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên. Với tinh thần cách mạng kiên cường, mới 14 tuổi ông đã tham gia rất nhiều hoạt động yêu nước trong phong trào học sinh Đoàn, do Hội Việt Nam cách mạng thanh niên lãnh đạo. Ông đã kinh qua nhiều cương vị quan trọng trong bộ máy lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là giai đoạn giữ chức Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam từ năm 1986 đến 1991. Đây là thời kỳ khởi đầu của công cuộc Đổi mới – bước ngoặt mang tính lịch sử, đánh dấu sự chuyển mình mạnh mẽ của đất nước từ mô hình kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Sau hậu quả của 30 năm chiến tranh khắc nghiệt, đất nước lâm vào tình trạng khủng hoảng kinh tế – xã hội, với sự bao vây cấm vận của các nước trên thế giới (đặc biệt là Mỹ). Ban Chấp hành trung ương Đảng và nhà nước gấp rút tìm ra các biện pháp khắc phục và các chính sách phát triển kinh tế “Với tầm tư duy chiến lược nhạy bén, vận dụng lý luận vào thực tiễn một cách nhuần nhuyễn, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã nêu ra và kiên trì thực hiện đổi mới có nguyên tắc – đổi mới nhưng luôn luôn giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân”.
Không chỉ nổi bật bởi tư duy đổi mới, tinh thần “dám nghĩ, dám làm”, Nguyễn Văn Linh còn là một nhà lãnh đạo gần gũi với nhân dân, thấu hiểu những giá trị văn hóa – lịch sử và luôn quan tâm sâu sắc đến việc tôn vinh những đóng góp thầm lặng mà to lớn của các lực lượng quần chúng trong sự nghiệp cách mạng. Trong số đó, vai trò của phụ nữ – đặc biệt là phụ nữ Nam Bộ, vùng đất giàu truyền thống yêu nước và cách mạng – luôn được ông dành nhiều tình cảm và sự trân trọng đặc biệt.
Cố Tổng Bí Thư Nguyễn Văn Linh và các Thành viên Tổ sử Phụ nữ Nam Bộ
(Ảnh: Tư liệu Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ)
Đối với Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ quá trình hình thành và xây dựng Bảo tàng. Ông thường xuyên góp mặt trong các sự kiện quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển Nhà truyền thống Phụ nữ Nam Bộ và nay là Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ. Đây một công trình văn hóa có giá trị không chỉ về mặt lịch sử mà còn về phương diện giáo dục truyền thống cho các thế hệ sau. Một việc làm giàu ý nghĩa, cho thấy chiều sâu trong tư duy và tấm lòng của một nhà lãnh đạo luôn gắn bó với nhân dân, với những người làm nên lịch sử.
Tháng 02.1983, bà Nguyễn Thị Thập cùng bà Ngô Thị Huệ đã đến gặp đồng chí Nguyễn Văn Linh (lúc bấy giờ là Bí thư Thành ủy TP.HCM), đồng chí Mai Chí Thọ (Chủ tịch UBND TP.HCM) và đồng chí Phan Minh Tánh (Trưởng Ban tổ chức Thành ủy) trình bày kế hoạch tổng kết lịch sử phụ nữ và xin được thành lập Nhà truyền thống phụ nữ Nam Bộ tại TP.HCM và đã nhận được sự nhất trí. Từ đó, song song với việc lo tư liệu tổng kết Sử cần phải tập hợp tư liệu hiện vật, chuẩn bị cơ sở vật chất cho sự ra đời của Nhà truyền thống Phụ nữ Nam Bộ.
Với vai trò là Bí thư Thành ủy, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã tham gia nhiều cuộc họp đánh giá đề cương cũng như đóng góp nhiều ý kiến về các nội dung và góp phần cho sự thành lập Nhà Truyền thống Phụ nữ Nam Bộ năm 1985. Đồng chí luôn đề cao vai trò của người phụ nữ (đặc biệt là Phụ nữ Nam Bộ) qua các cuộc kháng chiến, dành sự hoan nghênh cho sáng kiến viết sử phụ nữ Nam Bộ. Với ông, “lịch sử phụ nữ Nam Bộ gắn liền với lịch sử chung và gắn liền với sự nghiệp bảo vệ dân tộc cũng như cuộc đấu tranh bền bỉ suốt hằng 100 năm với đế quốc Pháp, Mỹ”. Ông còn cho rằng “Giới phụ nữ có rất nhiều anh hùng, các lứa tuổi từ thanh niên đến bà mẹ đều có anh hùng”. Ngoài ra, Thành ủy luôn tạo những điều kiện phù hợp để các bà thành viên Tổ sử Phụ nữ Nam Bộ hoàn thành sáng kiến.
Bên cạnh cố Tổng Bí thư luôn có một người phụ nữ đồng hành và giỏi giang không kém. Bà Ngô Thị Huệ sinh năm 1918, tại huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long, trong một gia đình nông dân yêu nước. Bà đã từng giữ nhiều chức vụ quan trọng như Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Đại biểu Quốc hội. Dù vậy, bà vẫn luôn giữ gìn lối sống giản dị, kiên trung và nhiều lý tưởng cao cả. Đặc biệt, bà cũng là một trong những thành viên của Tổ sử phụ nữ Nam Bộ góp phần hình thành nên Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ.
Cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh và Phu nhân Ngô Thị Huệ (ảnh sưu tầm)
Có thể nói, Cố Tổng Bí thư và phu nhân là một trong những người đã góp phần tạo nên giá trị lịch sử của phụ nữ Việt Nam nói chung và phụ nữ Nam Bộ nói riêng. Riêng ông – một nhà lãnh đạo với nhiều vấn đề cấp bách và rất nhiều lĩnh vực cần được quan tâm, nhưng ông vẫn chú trọng đến những đóng góp của phụ nữ trong xã hội, đặc biệt là trong lịch sử kháng chiến.
Nhân 110 năm ngày sinh của Cố Tổng Bí thư, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ nhắc nhớ lại những công lao to lớn của ông trong công tác xây dựng và đổi mới đất nước. Ông là người khởi xướng và lãnh đạo thực hiện đường lối đổi mới tại Đại hội VI của Đảng năm 1986, đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng kinh tế – xã hội, từng bước phát triển theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Công lao của ông đã đặt nền móng vững chắc cho sự phát triển bền vững và hội nhập của Việt Nam sau này.
Đồng chí Nguyễn Văn Linh và bà Nguyễn Thị Định – Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam
cắt băng khánh thánh thành Nhà truyền thống (Ảnh: Tư liệu Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ)
Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 11 tháng 07 năm 2025
Dương Kim Ngọc
Phòng Truyền thông – Giáo dục – Quan hệ Quốc tế
Tài liệu tham khảo
- Đồng chí Nguyễn Văn Linh – Tổng Bí thư đổi mới https://special.nhandan.vn/Dong-chi-Nguyen-Van-Linh-Tong-Bi-thu-doi-moi/index. (Truy cập ngày 07/07/2025)
- Đồng chí Nguyễn Văn Linh, Nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng https://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/dong-chi-nguyen-van-linh-nha-lanh-dao-xuat-sac-cua-dang-tong-bi-thu-thoi-ky-dau-doi-moi-813762 (truy cập ngày 08/07/2025)
- Mười hai năm một chặng đường, Tổ Sử Phụ nữ Nam Bộ (năm 1995), Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ.
Nguồn: https://baotangphunu.com/dong-chi-nguyen-van-linh-nguoi-tong-bi-thu-trong-thoi-ky-doi-moi/
Bình luận (0)