Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Đồng Tháp đẩy mạnh số hóa 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện, phát triển công dân số

(Chinhphu.vn) - Chiều 15/7, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số tỉnh Đồng Tháp (Ban Chỉ đạo).

Báo Chính PhủBáo Chính Phủ15/07/2025

Đồng Tháp đẩy mạnh số hóa 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện, phát triển công dân số- Ảnh 1.

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong phát biểu tại cuộc họp - Ảnh: VGP/LS

Hoàn thiện các cơ chế, chính sách đặc thù

Chương trình công tác năm 2025 của Ban Chỉ đạo tỉnh Đồng Tháp cũ đề ra 27 nhiệm vụ trọng tâm và 3 nhiệm vụ thường xuyên. Trong 6 tháng đầu năm 2025 đã đề ra 12 nhiệm vụ trọng tâm, kết quả đã hoàn thành 6/12 nhiệm vụ, đang triển khai 6/12 nhiệm vụ, trong đó có 1/12 nhiệm vụ đang chờ hướng dẫn của Trung ương. Đối với chương trình công tác năm 2025 của Ban Chỉ đạo tỉnh Tiền Giang (trước khi sáp nhập) đề ra 45 nhiệm vụ trọng tâm và 3 nhiệm vụ thường xuyên. Trong 6 tháng đầu năm 2025 đề ra 26 nhiệm vụ trọng tâm, kết quả hoàn thành 22/26 nhiệm vụ; đang triển khai 2/26 nhiệm vụ; có 1/26 nhiệm vụ đang chờ hướng dẫn của Trung ương.

Nhìn chung, việc triển khai Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia tại Đồng Tháp trong thời gian qua đạt được những kết quả tích cực, thể hiện sự chủ động, quyết tâm và nỗ lực của Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo cùng các cấp, ngành và địa phương.

Song song đó, hoạt động thúc đẩy khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong doanh nghiệp được quan tâm thông qua các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Việc ký kết hợp tác 3 bên với Đại học Quốc gia TPHCM và Công ty Vĩnh Hoàn, xác định 10 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cụ thể, cho thấy sự gắn kết chặt chẽ giữa nhà nước, nhà khoa học và doanh nghiệp để giải quyết các bài toán thực tiễn. 

Tỉnh Đồng Tháp đang xây dựng kế hoạch hành động với chỉ tiêu chi ngân sách cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo đạt ít nhất 1% tổng chi ngân sách địa phương và tỷ lệ chi cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đạt 2% GRDP cho thấy sự cam kết mạnh mẽ về nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực này…

Thời gian tới, tỉnh Đồng Tháp tập trung hoàn thiện các cơ chế, chính sách đặc thù phục vụ phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Trọng tâm là phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin tại cơ sở, đào tạo kỹ năng số cho cán bộ và triển khai đào tạo chuyên sâu về AI (trí tuệ nhân tạo), IoT (Internet vạn vật), AR (thực tế tăng cường), VR (thực tế ảo), Big Data (dữ liệu lớn)... 

Đồng thời, đẩy mạnh triển khai Đề án chuyển đổi số, số hóa 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện, phát triển chữ ký số, công dân số, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số và thúc đẩy học tập số trong cộng đồng, khẩn trương rà soát dự án Công viên phần mềm Mekong; ban hành chính sách thu hút nhân lực chất lượng cao và xây dựng cơ chế đặt hàng cho doanh nghiệp công nghệ số thực hiện nhiệm vụ trọng điểm về chuyển đổi số…

Xây dựng chuyên đề về đột phá chiến lược khoa học, công nghệ

Phát biểu tại cuộc họp, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong nhấn mạnh, thời gian tới cần khẩn trương làm việc với Đại học Quốc gia TPHCM để triển khai chương trình hợp tác về công nghệ sinh học. Cần sớm thành lập nhóm nghiên cứu, tổ công tác liên ngành, vận hành theo cơ chế “3 nhà”: Nhà nước - Nhà khoa học - Doanh nghiệp nhằm cụ thể hóa chương trình thành các dự án thực tiễn, phục vụ trực tiếp cho phát triển các lĩnh vực thế mạnh của tỉnh.

Bí thư Tỉnh ủy Lê Quốc Phong đề nghị nghiên cứu phân công nhóm xây dựng báo cáo chuyên đề thực hiện đột phá chiến lược của tỉnh trong giai đoạn 2025 - 2030. Thành lập hội đồng tư vấn về khoa học, công nghệ và chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh. Hội đồng này sẽ là kênh tham vấn trực tiếp cho lãnh đạo tỉnh, họp định kỳ mỗi tháng một lần, tạo cơ chế phản biện khoa học và thúc đẩy sự gắn kết giữa nhà nghiên cứu và nhà quản lý. 

Các ngành liên quan chủ động đề xuất các chính sách tôn vinh, vinh danh nhà khoa học, nhà sáng chế, các nhóm nghiên cứu có đóng góp cho sự phát triển của tỉnh. Việc sàng lọc và tôn vinh các ý tưởng, sáng kiến tiêu biểu nên được tổ chức hằng năm, gắn với các chính sách hỗ trợ nghiên cứu và thương mại hóa kết quả nghiên cứu để tạo ra một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo năng động, có trọng tâm. Phải có những nhóm động lực, nhóm nòng cốt về khoa học - công nghệ để dẫn dắt sự phát triển.

Từ nay đến cuối năm 2025, các ngành và các cơ sở nghiên cứu đề tài, xác định nhiệm vụ trọng tâm cho năm 2026, đồng thời có tầm nhìn dài hơi hơn, phục vụ cả nhiệm kỳ 2025 - 2030. Mở ra không gian sáng tạo, điều kiện thuận lợi, tháo gỡ các rào cản về cơ chế tài chính, thanh quyết toán và quy trình hành chính, để các nhà khoa học toàn tâm nghiên cứu và ứng dụng.

Về chuyển đổi số, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong yêu cầu đặc biệt quan tâm đến 2 trung tâm hành chính công của tỉnh và trung tâm phục vụ hành chính công của 102 xã, phường. Cần bảo đảm trang thiết bị đồng bộ, đầy đủ, nhất là ở những địa phương ở xa - nơi người dân càng cần được phục vụ thuận tiện. 

Cùng với đó, phải sớm hình thành đội ứng phó nhanh với sự cố kỹ thuật, chia đều theo từng khu vực để xử lý kịp thời, hạn chế gián đoạn hoạt động hành chính. Đặc biệt là đẩy mạnh số hóa toàn bộ tài liệu, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, tiến tới cơ sở dữ liệu dùng chung toàn tỉnh - làm nền tảng cho phân tích, dự báo, điều hành thông minh…

LS


Nguồn: https://baochinhphu.vn/dong-thap-day-manh-so-hoa-100-thu-tuc-hanh-chinh-du-dieu-kien-phat-trien-cong-dan-so-102250715215425099.htm


Chủ đề: đồng tháp

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cảnh huyền ảo trên đồi chè 'bát úp' ở Phú Thọ
3 hòn đảo ở miền Trung được ví như Maldives, hấp dẫn du khách dịp hè
Ngắm phố biển Quy Nhơn của Gia Lai lung linh về đêm
Hình ảnh ruộng bậc thang ở Phú Thọ dốc thoai thoải, sáng đẹp tựa gương soi trước vụ cấy

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm