Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Đồng Tháp sau hợp nhất - Giáo dục là nền tảng cho khát vọng phát triển

GD&TĐ - Đồng Tháp xác định giáo dục là động lực trong giai đoạn phát triển mới, là cơ hội để ngành GD&ĐT đổi mới, sáng tạo và phát triển bền vững.

Báo Giáo dục và Thời đạiBáo Giáo dục và Thời đại08/07/2025

Giáo dục là động lực trung tâm trong tầm nhìn phát triển

Ngày 1/7/2025 là dấu mốc lớn trong tiến trình cải cách tổ chức bộ máy hành chính tại nhiều địa phương. Tại Đồng Tháp, sự kiện này không chỉ là thay đổi mô hình quản lý, mà còn là khởi đầu cho một khát vọng phát triển mới tại tại vùng đất Sen hồng.

Việc chuyển sang mô hình chính quyền hai cấp giúp Đồng Tháp tinh gọn hệ thống quản lý, rút ngắn tầng nấc trung gian, giảm đầu mối và nâng cao hiệu lực hành chính. Trước thời điểm chuyển đổi, tỉnh đã hoàn tất chuẩn hóa 21/25 dịch vụ công trực tuyến toàn trình, tích hợp vào hệ thống điều hành chung, một bước tiến trong lộ trình xây dựng chính quyền số, gần dân, vì dân.

Trên tinh thần đó, Đồng Tháp xác định giáo dục là động lực trung tâm trong giai đoạn phát triển mới. Đến năm 2030, tỉnh đặt mục tiêu 85% lao động qua đào tạo, trong đó 65% qua đào tạo nghề; chỉ số phát triển con người (HDI) đạt 0,75; 100% trường phổ thông ứng dụng công nghệ số trong giảng dạy và quản lý.

Nhiều mô hình giáo dục trải nghiệm, khởi nghiệp, STEM đã được lồng ghép hiệu quả vào chương trình phổ thông. Các cuộc thi như “Ý tưởng sáng tạo học đường”, “Sản phẩm nông nghiệp thông minh”, mô hình lớp học ngoài trời hay “Học sinh làm nông dân” đã lan rộng tại Tháp Mười, Lai Vung, Cao Lãnh… tạo nên làn sóng đổi mới tích cực.

Sở GD&ĐT Đồng Tháp đặt mục tiêu đến năm 2026, có ít nhất 70% giáo viên đạt chuẩn nghề nghiệp mức khá trở lên, từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ, đáp ứng yêu cầu đổi mới. Các trường phổ thông tiếp tục giữ vai trò là trung tâm học tập cộng đồng, góp phần xây dựng một xã hội học tập thực chất và bền vững.

giao-duc-dong-thap-2.png
Học sinh Trường THPT TP Hồng Ngự (Đồng Tháp) trong ngày lễ Tri ân trưởng thành.

Với nền tảng vững chắc từ tỉnh Tiền Giang (cũ), mạng lưới trường học được mở rộng khắp nơi, cơ sở vật chất ngày càng khang trang; chất lượng dạy và học không ngừng được nâng cao; đội ngũ giáo viên từng bước được chuẩn hóa cả về số lượng và chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục trong giai đoạn hiện nay.

Chất lượng giáo dục các cấp học ở tỉnh Tiền Giang (cũ) cũng không ngừng được nâng lên. Ở bậc học mầm non, tỷ lệ huy động trẻ ra lớp tiếp tục được giữ vững ổn định; chất lượng chăm sóc và giáo dục trẻ ngày càng được chú trọng. Tỷ lệ trẻ được nuôi ăn bán trú đạt 90%, tăng 1% so với năm học trước.

Đối với bậc tiểu học, cơ sở vật chất ngày càng được đầu tư đồng bộ, khang trang, đáp ứng yêu cầu đổi mới trong dạy và học. Các trường tiểu học trên toàn tỉnh đã tích cực triển khai Chương trình GDPT năm 2018, đặc biệt ở các khối lớp đang trong lộ trình thực hiện chương trình mới. Bậc trung học tiếp tục có nhiều bước tiến đáng ghi nhận.

Việc đổi mới phương pháp giảng dạy được các nhà trường và giáo viên quan tâm thực hiện, góp phần nâng cao hiệu quả tiếp thu của học sinh. Công tác đổi mới chương trình, sách giáo khoa cũng được triển khai bài bản; đồng thời, chú trọng đến công tác phân luồng học sinh sau THCS, định hướng nghề nghiệp và phát triển năng lực cá nhân...

Kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024, học sinh tỉnh Tiền Giang (cũ) đạt điểm trung bình 6,902 điểm, tăng 0,182 điểm so với năm 2023 (6,72 điểm), xếp hạng 15/63 tỉnh, thành trong cả nước và đứng thứ 2 toàn khu vực ĐBSCL. Toàn tỉnh có 32 trường đạt tỷ lệ tốt nghiệp 100%. Ở sân chơi trí tuệ cấp quốc gia, học sinh Tiền Giang cũng gặt hái nhiều thành tích với 44 giải trong kỳ thi học sinh giỏi THPT năm 2025.

giao-duc-dong-thap-4.jpg
Lãnh đạo ngành GD&ĐT thăm đội tuyển học sinh giỏi.

Kết nối và phát triển bền vững

Sau khi sáp nhập tỉnh Tiền Giang và tỉnh Đồng Tháp, tỉnh Đồng Tháp (mới) có 102 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 82 xã và 20 phường). Trung tâm chính trị hành chính đặt tại phường Mỹ Tho, tỉnh Đồng Tháp (mới).

Tỉnh đang khẩn trương vận hành chính quyền 2 cấp thực sự thông suốt, hiệu quả, nhanh chóng nhằm phát huy những lợi thế với bộ máy tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả; triển khai ngay những công việc của một tỉnh mới trên tinh thần trách nhiệm cao nhất, quyết tâm cao nhất, bảo đảm phát huy những thế mạnh, nét tương đồng, mặt tốt, mô hình hay của từng tỉnh trước đây.

Sau ngày 1/7/2025, Đồng Tháp không chỉ tinh gọn bộ máy hành chính mà còn mạnh dạn tái định vị tầm nhìn phát triển. Với định hướng trở thành trung tâm nông nghiệp công nghệ cao và đô thị hiện đại của vùng ĐBSCL vào năm 2030, tỉnh đặt giáo dục vào vị trí trung tâm trong mọi chính sách.

Từ tái cấu trúc bộ máy, chuyển đổi số sâu rộng đến chiến lược đầu tư vào con người, Đồng Tháp đang cho thấy một hướng đi nhất quán, bài bản và bền vững: lấy giáo dục làm chìa khóa mở cánh cửa tương lai.

Cũng từ ngày 1/7/2025, Đồng Tháp thực hiện mô hình chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn theo quy định mới. Đây là bước chuyển quan trọng trong cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước.

Giáo dục được tỉnh xác định là trụ cột ưu tiên trong quá trình phát triển địa phương. Lãnh đạo tỉnh cam kết đầu tư mạnh mẽ cho giáo dục, từ cơ sở vật chất đến đội ngũ. Tầm nhìn là xây dựng một nền giáo dục mở, sáng tạo, phù hợp yêu cầu thời đại mới.

Giáo dục Đồng Tháp đang bước vào giai đoạn chuyển đổi số mạnh mẽ. Việc ứng dụng học bạ điện tử, kho học liệu số, phần mềm quản lý lớp học… đã trở nên phổ biến. Tính đến giữa năm 2025, 100% trường THPT và 82% trường THCS trên địa bàn tỉnh đã triển khai giáo dục số ở mức cơ bản, tạo nền tảng cho việc hiện đại hóa hoạt động dạy, học và quản lý giáo dục.

Nguồn: https://giaoducthoidai.vn/dong-thap-sau-hop-nhat-giao-duc-la-nen-tang-cho-khat-vong-phat-trien-post738777.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Loại trà đắt đỏ nhất Hà Nội, giá hơn 10 triệu đồng/kg được chế biến thế nào?
Hương vị miền sông nước
Bình minh đẹp rực rỡ trên các vùng biển Việt Nam
Vòng cung hang động kỳ vĩ ở Tú Làn

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm