Điều này được nhà giáo dục Giản Tư Trung, Viện trưởng Viện Giáo dục IRED nhấn mạnh khi chia sẻ về sứ mệnh cốt lõi của giáo dục.
Giáo dục không phải để đáp ứng nhu cầu xã hội mà để kiến tạo xã hội
TS Giản Tư Trung cho hay, đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình, từ ngày 1/7 vừa qua chính là bước ngoặt lớn trong lịch sử Việt Nam, là khát vọng vươn mình cháy bỏng chất chứa trong nhiều thế hệ.
Điều này yêu cầu chúng ta cần trả lời câu hỏi: “Giáo dục nào cho kỷ nguyên vươn mình”.
Ông Trung nhắc đến sự kiện ngày 17/5 vừa qua, tại cuộc họp Ban Thường vụ Đảng ủy Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề cập đến việc xây dựng dự thảo Nghị quyết của Bộ Chính trị về “Hiện đại hóa, đột phá phát triển giáo dục và đào tạo”.
Nhà giáo dục này tin rằng Nghị quyết sẽ định hình giáo dục trong kỷ nguyên vươn mình. Bởi khi có kỷ nguyên vươn mình thì phải có giáo dục vươn mình. Không thể có kỷ nguyên vươn mình nếu giáo dục “ủ mình” hay “ườn mình”.

Nhà giáo dục Giản Tư Trung: "Có kỷ nguyên vươn mình thì phải có giáo dục vươn mình (Ảnh: Ý Nhi).
“Giáo dục Việt Nam lâu nay có nhiều tiến bộ nhưng chưa phải giáo dục để đồng hành cho khát vọng vươn mình. Giáo dục không phải để chạy theo nhu cầu, hay để đáp ứng nhu cầu của xã hội mà giáo dục là để kiến tạo, định hình xã hội”, ông Giản Tư Trung nêu quan điểm.
Bên cạnh kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, ông Trung cũng nhắc đến đến kỷ nguyên AI của nhân loại. Đây là những bài toán giáo dục phải tìm lời giải.
Nếu khát vọng vươn mình định hình tương lai Việt Nam thì AGI (siêu trí tuệ nhân tạo) sẽ định hình tương lai của nhân loại, trong đó có giáo dục. Ở tương lai đó, thầy cô sẽ rất khác, người học sẽ rất khác, sự học của con người sẽ vô cùng khác biệt.
Theo ông Giản Tư Trung, AI ngày càng giống con người, ngày càng vượt xa con người nhưng rốt cuộc AI vẫn không phải là người. Để con người khác với AI, điều giáo dục cần làm chính là… giáo dục làm người.
Đứng trước một tương lai mà nghề gì cũng có thể "thất nghiệp", từ bác sĩ, nhà giáo, hoạ sĩ, kiến trúc sư…, ông Giản Tư Trung cho rằng, điều con người cần nhất là năng lực giải quyết vấn đề. Mỗi người phải học cách giải quyết vấn đề cá nhân, cuộc sống, công việc, tổ chức cho đến quy mô quốc gia…
Đó cũng chính là nghề sống mãi với thời gian, bắt buộc mọi người phải học đếu không muốn bị đào thải.
Tất cả phải tư duy lại giáo dục
Nhà giáo dục Kiran Bir Sethi, nhà sáng lập phong trào toàn cầu Design for Change (phong trào trẻ em lớn nhất thế giới), chia sẻ sứ mệnh của giáo dục không phải để tạo ra học sinh đạt điểm cao. Sứ mệnh của giáo dục phải là nuôi dưỡng những công dân có khả năng hành động vì một thế giới tốt đẹp hơn.

Mỗi chủ thể giáo dục đều đóng vai trò cho "giáo dục vươn mình" (Ảnh: Hoài Nam).
Trẻ em cần người lớn dừng lại, lắng nghe và tin tưởng mình. Giáo dục phải bắt đầu từ niềm tin đứa trẻ có thể làm được. Trao quyền cho người học chính là chìa khóa mở ra cánh cửa của giáo dục tương lai. Một đứa trẻ chỉ thực sự bộc lộ năng lực, chủ động sáng tạo khi được tin tưởng.
Đồng tình với quan điểm này, ông Giản Tư Trung cho biết, bản chất giáo dục không chỉ dừng ở việc yêu trẻ, yêu người. Làm giáo dục không nhất thiết phải tin người mà bản chất của giáo dục là phải tin vào sự phát triển của con người, tin vào sự thay đổi của con người.
Bản chất của giáo dục chính là phát triển con người. Vai trò dạy học của người thầy chính là giúp người khác học; dạy học là làm cho sự học được diễn ra. Việc học không nên dừng lại ở việc trang bị kiến thức để thi cử.
Bản chất của dạy học là tiếp sức cho người học trên hành trình tự lực trở thành con người tự do, công dân trách nhiệm, hướng đến việc “sống có giá trị” làm đích đến. Khi đó, người học không chỉ tích lũy kiến thức, mà trở thành một con người có nội lực, biết tự học, tự quyết và biết sống vì cộng đồng.
Về vai trò của gia đình, ông Giản Tư Trung lưu ý bố mẹ cần phải nuôi con là “con người” quan trọng hơn “con mình" thì con cái chúng ta mới có cơ hội thành người.
Khi phụ huynh chỉ thấy “con mình" mà quên đi “con người”, họ sẽ biến con cái thành tài sản, thành vật trang sức, thành công cụ thực hiện những điều mà mình mong muốn… thì cực kỳ nguy hiểm.

"Nuôi con là con mình hay con người?" (Ảnh: Hoài Nam).
Theo ông Giản Tư Trung, chưa một thời đại nào việc khai trí dễ dàng nhưng khai tâm lại khó như thời đại này. Câu chuyện lớn nhất thời đại này là khai tâm, không phải khai trí.
Cha mẹ phải chính là những gì mà mình dạy con, thầy cô phải chính là những gì mà mình dạy trò. Cách sống và đời sống của cha mẹ mới là bài học vĩ đại nhất dành cho con cái. Đó là thân giáo - giáo dục bằng chính bản thân, con người.
Trước yêu cầu của thời đại và kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, ông Giản Tư Trung cho hay, chúng ta phải tư duy lại giáo dục, tư duy lại vai trò của 5 chủ thể trong giáo dục gồm nhà nước, nhà trường, nhà giáo, nhà má (gia đình) và nhà mình (người học).
Trong đó, nhà nước chỉ là một trong 5 chủ thể giáo dục. Cải cách giáo dục không chỉ nhà nước mới phải nhìn lại, mới phải thay đổi còn các nhà khác lại vô can.
Tất cả các “nhà” đều phải tư duy lại vai trò của không ai có thể đứng ngoài công cuộc cải cách giáo dục.
Nguồn: https://dantri.com.vn/giao-duc/co-ky-nguyen-vuon-minh-phai-co-giao-duc-vuon-minh-20250707181708676.htm
Bình luận (0)