Kết nối bảo tàng, du khách háo hức khám phá
Cuối năm 2024, Bảo tàng thổ sản Hội An chính thức mở cửa phục vụ khách, mở ra thêm một điểm đến bảo tàng phục vụ du khách tham quan phố cổ Hội An.
Với 130 hình ảnh, tư liệu, thư tịch, bản đồ cổ; 178 hiện vật giới thiệu những giá trị đặc biệt quan trọng của bộ phận di sản “Thổ sản Hội An, Quảng Nam”, không gian và nội dung trưng bày ở bảo tàng này có sự kết nối chặt chẽ với các bảo tàng chuyên đề khác như Bảo tàng Nghề y truyền thống, Bảo tàng Gốm sứ Mậu dịch, Bảo tàng Văn hóa Dân gian,....
Từ đó hình thành một lộ trình tham quan liên hoàn của hệ thống bảo tàng chuyên đề trên các trục đường trong khu phố cổ, phát huy mối quan hệ chặt chẽ giữa các bảo tàng, di tích trong phố.
Khám phá nghề khai thác yến ở Cù Lao Chàm tại Bảo tàng thổ sản
Việc thiết lập các bảo tàng theo hướng chuyên đề và kết nối hệ thống các bảo tàng chuyên đề tại Hội An là một hướng đi sáng tạo, không chỉ phát huy được giá trị, ý nghĩa chuyên sâu của từng bảo tàng mà còn tạo thêm nhiều điểm đến mới, đưa đến cho du khách nhiều trải nghiệm, nhiều thông tin chuyên sâu ở nhiều không gian trưng bày khác nhau.
Anh Đặng Bách- một kiến trúc sư đến từ Hà Nội cho biết hầu như năm nào anh cũng đến Hội An. Trước đây, trong số nhiều điểm đến trong ô vé tham quan, anh chỉ chọn 1 bảo tàng để đến khám phá. Nhưng sau này, các bảo tàng có đổi mới trong không gian, nội dung trưng bày, các hoạt động trải nghiệm với những chủ đề có sự kết nối chặt chẽ với nhau nên anh và gia đình có thể tham quan hầu hết các bảo tàng ở Hội An mà không hề thấy đơn điệu.
Trưng bày nghề làm đầu thiên cẩu tại Bảo tàng Văn hóa dân gian
Chẳng hạn như trải nghiệm về các loại dược liệu, hương liệu thổ sản phong phú của xứ Quảng ở bảo tàng thổ sản, có thêm những thông tin về một phần lịch sử của hoạt động giao thương, buôn bán sôi động ở xứ Quảng qua thương cảng Hội An từ quá khứ đến hiện nay.
Từ đó, có thể tìm hiểu thêm về nghề y truyền thống tại bảo tàng Nghề y. Hoặc tìm đến bảo tàng Văn hóa dân gian, bảo tàng Gốm sử Mậu dịch để tìm hiểu về lịch sử của con đường hương liệu, dược liệu, thổ sản Hội An, Quảng Nam, vai trò của thương cảng Hội An,...
"Các hoạt động trải nghiệm như vẽ gốm sứ, ngâm chân thảo dược, hướng dẫn làm các món bánh, mứt, trò chơi dân gian, vẽ mặt nạ, gấp lồng đèn, phiên chợ dân gian mà các bảo tàng tổ chức cũng là một điểm hấp dẫn, thu hút được các gia đình có con nhỏ, du khách nước ngoài, các bạn trẻ,…”, anh Bách chia sẻ về trải nghiệm mà anh đã có khi đến với các bảo tàng ở Hội An.
Đổi mới trải nghiệm, tăng tính tương tác
Trong khu vực phố cổ Hội An hiện có các bảo tàng chuyên đề như Bảo tàng Văn hóa Sa Huỳnh, Văn hóa Dân gian, Gốm sứ Mậu dịch, Nghề y truyền thống, Thổ sản…Vào mùa du lịch, các bảo tàng này thu hút hàng nghìn lượt du khách trong nước và quốc tế tham quan mỗi ngày.
Xây dựng, thành lập các bảo tàng chuyên đề, huy động sự tham gia của các nguồn lực xã hội vào hoạt động này để tạo thêm điểm tham quan có chất lượng cho điểm đến Khu phố cổ Hội An là hướng đi mà Hội An đang hướng đến thời gian qua.
Du khách trải nghiệm vẽ hoa văn gốm sứ Hizen tại Bảo tàng Gốm sứ Mậu dịch. ẢNH: B.T
Nhiều hoạt động trải nghiệm, trưng bày theo chủ đề cũng thường xuyên tổ chức để thu hút nhiều đối tượng du khách, kết nối di sản với cộng đồng để người dân, du khách trải nghiệm, tăng tính tương tác với công chúng…
Chẳng hạn như các hoạt động Vui Tết Trung thu, trình diễn và triển lãm ảnh múa Thiên cẩu; “Phiên chợ xưa”, “Bác nông dân vui tính” tại Bảo tàng Văn hóa Dân gian; Trang trí mặt nạ giấy, quạt mo, nón lá, lọ gốm và gấp hoa đăng tại Bảo tàng Nghề y truyền thống; Vẽ hoa văn gốm sứ Hizen tại Bảo tàng Gốm sứ Mậu dịch,…
Bên cạnh đó, các bảo tàng cũng đang triển khai xây đựng điểm đến du lịch xanh, trong đó bảo tàng Văn hóa dân gian đã đạt chứng nhận du lịch xanh của Quảng Nam.
Việc kết nối các bảo tàng, tạo nên sự liên hoàn của hệ thống bảo tàng chuyên đề trên các trục đường trong khu phố cổ Hội An không chỉ phát huy mối quan hệ chặt chẽ giữa bảo tàng và di tích dựa trên nguyên tắc tôn trọng, đảm bảo tính nguyên gốc, tính mỹ thuật của di tích.
Các hoạt động nghiệp vụ bảo tàng đảm bảo lấy hiện vật làm trung tâm, vừa gìn giữ bảo quản hiện vật vừa phát huy gia trị vốn có của hiện vật nhằm giáo dục văn hóa truyền thống, cung cấp thông tin khoa học cho công chúng.
Khám phá các nghề truyền thống của Hội An tại Bảo tàng Văn hóa dân gian
Đặc biệt, từ nhiều năm qua, hoạt động "Chúng em cùng nhau khám phá bảo tàng" do Phòng Bảo tàng, Trung tâm Quản lý bảo tồn Di sản văn hóa Hội An phối hợp với ngành giáo dục tổ chức cho học sinh các cấp đã trở thành “thương hiệu” của Bảo tàng Hội An.
Tại mỗi bảo tàng, học sinh có thể khám phá và tìm hiểu chuyên sâu về nhiều khía cạnh văn hóa, lịch sử, các nghề truyền thống, di tích của Hội An xưa và nay.
Qua đó dần vun đắp, bồi dưỡng tình cảm yêu mến di sản để thế hệ trẻ ý thức trong việc gìn giữ, phát huy giá trị di sản của cha ông truyền lại.
Nguồn:https://baovanhoa.vn/van-hoa/den-hoi-an-dao-pho-kham-pha-cac-bao-tang-chuyen-de-149875.html
Bình luận (0)