Cơ hội “có một không hai”
Đường sắt cao tốc Bắc - Nam sẽ là một trong những công trình giao thông trọng điểm của Việt Nam trong tương lai. Khi hoàn thành, nó sẽ không chỉ là phương tiện giao thông hiện đại mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế, kết nối các vùng miền và tạo ra cơ hội mới cho những ngành công nghiệp.
Đề án trên được đánh giá là sẽ mở ra cơ hội “có một không hai” giúp ngành công nghiệp thép ray nội địa nói riêng, ngành luyện kim, cơ khí chế tạo trong nước nói chung, có bước chuyển mình mạnh mẽ, tiệm cận mặt bằng chung của các quốc gia có nền công nghiệp cơ khí tiên tiến.
Tập đoàn Hòa Phát đầu tư lớn cho công nghệ sản xuất |
Là doanh nghiệp sản xuất thép tư nhân lớn nhất Việt Nam và Đông Á, Hòa Phát xác định sứ mệnh đóng góp vào quá trình công nghiệp hóa đất nước. Mỗi năm, tập đoàn đầu tư khoảng 1 tỷ USD vào các dự án mới, trong đó có các lĩnh vực trọng điểm như đường sắt cao tốc.
Theo ông Nguyễn Việt Thắng - Tổng giám đốc Tập đoàn Hòa Phát, ngành thép là “bánh mì của công nghiệp hiện đại” - một nền tảng không thể thiếu nếu Việt Nam muốn xây dựng một nền công nghiệp tự chủ và tiên tiến. Hòa Phát cam kết luôn cập nhật công nghệ tiên tiến. Hiện tại, công nghệ sản xuất thép của Hòa Phát không thua các quốc gia G7 và có vị thế hàng đầu trong khu vực.
Trong cuộc họp tháng 9/2024, khi Thủ tướng Chính phủ mời các doanh nghiệp lớn tham gia đóng góp cho nền kinh tế đất nước và giao nhiệm vụ, Tập đoàn Hòa Phát đã nhận lời sản xuất ray đường sắt tốc độ cao và các loại đường ray khác. Ngay sau đó, Hòa Phát đã có dự án sản xuất ray đường sắt tại Khu liên hợp Dung Quất 2, với tổng vốn đầu tư 14.000 tỷ đồng.
“Chúng tôi coi đây là viên gạch đầu tiên của một hệ sinh thái công nghiệp đường sắt. Nếu thành công, chúng tôi có thể mở rộng sang sản xuất tà vẹt bê tông, linh kiện cơ khí, thậm chí hợp tác với các nhà sản xuất toa tàu nội địa. Ray công nghiệp là thị trường rất rộng. Nếu Việt Nam phát triển hạ tầng đường sắt theo đúng quy hoạch thì nhu cầu ray trong 10-20 năm nữa là rất lớn. Không chỉ dừng lại ở ray, chúng tôi cũng tính toán sản xuất các sản phẩm đi kèm như tà vẹt, kết cấu phụ trợ… để tạo ra một hệ sinh thái đường sắt trong nước”- Tổng giám đốc Tập đoàn Hòa Phát bày tỏ.
Lãnh đạo Tập đoàn Hòa Phát cho biết thêm, đây sẽ là nền tảng để tập đoàn mở rộng sang các dự án khác trong tương lai, bởi không chỉ có dự án đường sắt 67 tỷ USD, mà quy mô có thể lên tới 100 tỷ USD. Ngoài thép ray cho đường sắt tốc độ cao, còn có nhu cầu lớn về ray cho các tuyến Metro Hà Nội, Metro TP. Hồ Chí Minh, ray cho cầu cảng, cầu trục và nhiều lĩnh vực hạ tầng khác.
Tạo cơ chế, chính sách tổng thể cho đường sắt
Liên quan đến vấn đề này, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) đánh giá: Dự án đường sắt tốc độ cao tại Việt Nam sẽ trở thành một trọng điểm trong chiến lược phát triển hạ tầng giao thông của quốc gia. Với mục tiêu kết nối các khu vực kinh tế trọng điểm, giảm thời gian di chuyển và tăng cường năng lực vận tải, dự án này không chỉ giúp hiện đại hóa hệ thống giao thông mà còn thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của các ngành công nghiệp liên quan. Trong đó, ngành công nghiệp xây dựng và chế tạo, đặc biệt ngành thép đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp các loại vật liệu cần thiết cho việc xây dựng đường sắt.
Ông Nguyễn Ngọc Thành - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương cho biết, Kết luận số 49-KL/TW ngày 28/2/2023 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 định hướng: “Tập trung ưu tiên phát triển công nghiệp đường sắt đồng bộ với các ngành công nghiệp khác; từng bước tự chủ trong bảo trì, sản xuất một số loại phương tiện, vật tư, trang thiết bị cho đường sắt”.
Gần đây, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 172/2024/QH15 ngày 30/11/2024 về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, Nghị quyết số 187/2025/QH15 ngày 19/2/2025 về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Nghị quyết số 188/2025/QH15 ngày 19/2/2025 thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, trong đó ưu tiên sử dụng các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ công nghiệp đường sắt mà trong nước có thể sản xuất, cung cấp.
“Theo đó, dự án triển khai tạo cơ hội và động lực để phát triển công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp cơ khí chế tạo, trong đó có sự đóng góp lớn của ngành thép. Nếu Việt Nam tự chủ sản xuất thép cho các dự án lớn, sẽ giảm phụ thuộc vào nhập khẩu”- lãnh đạo Cục Công nghiệp nói.
Đường sắt cao tốc Bắc - Nam sẽ là một trong những công trình giao thông trọng điểm của Việt Nam trong tương lai. |
Trong bối cảnh ngành công nghiệp đường sắt của Việt Nam hiện mới chỉ đáp ứng nhu cầu bảo dưỡng, sửa chữa với công nghệ cũ, để đạt được mục tiêu đến năm 2030 - 2045 phát triển được công nghiệp sản xuất toa xe, đầu máy và hệ sinh thái liên quan công nghiệp đường sắt… thì ngành này cần đổi mới tư duy, vượt qua giới hạn của bản thân, phát huy tinh thần tự lực, tự cường; xây dựng và triển khai các chính sách mạnh mẽ, tạo đột phá và nhất quán, dài hạn.
Ông Bùi Thế Thành, Trưởng phòng Vận tải - Khoa học Công nghệ, Cục Đường sắt Việt Nam (Bộ Xây dựng) cho biết, một trong những giải pháp đầu tiên về việc phát triển công nghiệp đường sắt tại Việt Nam là xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách nhằm thu hút đầu tư để cụ thể hóa những nội dung đã quy định về: Mức ưu đãi, mức hỗ trợ cao nhất cho phát triển công nghiệp đường sắt.
“Hiện chưa có hệ thống văn bản quy phạm pháp luật xuyên suốt cho phát triển công nghiệp đường sắt. Vì vậy, cần thiết phải xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về phát triển công nghiệp đường sắt một cách hệ thống”, ông Bùi Thế Thành nhận định.
Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam (VAMI), TS. Nguyễn Chỉ Sáng cũng cho rằng, Việt Nam nhất thiết phải làm chủ việc xây dựng, phát triển hệ thống đường sắt. Việc làm chủ ở đây không nên cứng nhắc là phải làm chủ 100% mà có tỷ lệ nội địa hóa và việc nhận chuyển giao công nghệ thích hợp. Việc này không chỉ đem lại sự tự chủ trong xây dựng các dự án mà còn làm giảm đáng kể giá thành trong giai đoạn thi công xây dựng, duy tu bảo dưỡng và phát triển công nghiệp nước nhà.
VAMI kiến nghị những việc cần làm ngay, cụ thể là xây dựng hệ thống tiêu chuẩn cho ngành đường sắt; xây dựng lộ trình tổng thể, thống nhất để nội địa hóa hệ thống đường sắt; đường sắt cao tốc, đường sắt quốc gia và đường sắt nội đô; xây dựng và ban hành các giải pháp các doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia vào Chương trình phát triển hệ thống đường sắt...
Bên cạnh đó, Việt Nam phải nghiên cứu dần, chuyển giao dần, tiếp quản dần công nghệ. Đồng thời, bản thân các doanh nghiệp cũng phải chủ động đề xuất những chính sách ưu đãi để hình thành và phát triển được cơ khí công nghiệp, nền cơ khí công nghiệp của đường sắt.
Với những đánh giá, nhìn nhận theo đó, thời gian tới các doanh nghiệp Việt Nam phải xác định đây là cơ hội rất lớn để huy động nguồn lực của đất nước từ sản xuất vật liệu và công nghệ cao trong 10 - 15 năm tới. Đây là điểm tựa để doanh nghiệp, nhà thầu Việt Nam vươn lên nâng tầm phát triển.
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư vào tháng 11/2024, tổng vốn sơ bộ khoảng 1,7 triệu tỷ đồng (tương đương 67 tỷ USD). Tuyến đường dài 1.541 km, bắt đầu từ ga Ngọc Hồi (Hà Nội) và kết thúc tại ga Thủ Thiêm (TP. Hồ Chí Minh), đi qua 20 tỉnh, thành. |
Nguồn: https://congthuong.vn/duong-sat-cao-toc-bac-nam-co-hoi-but-pha-cho-cong-nghiep-thep-ray-viet-388508.html
Bình luận (0)