Tuần qua, dư luận xôn xao việc một doanh nghiệp tư nhân “dám” mạnh dạn xin được làm đường sắt cao tốc Bắc Nam. Rất nhiều ý kiến trái chiều xung quanh đề xuất táo bạo này nhưng có ít ai chú ý đến cam kết xây dựng công nghiệp đường sắt cao tốc mà VinSpeed đưa ra.
Thực tế, đây là ngành công nghiệp mang tính đòn bẩy cho sự phát triển kinh tế và công nghiệp của một quốc gia, nhưng tại Việt Nam vẫn còn là một khoảng trống.

Đường sắt tốc độ cao là ngành công nghiệp mang tính đòn bẩy cho sự phát triển kinh tế và công nghiệp của một quốc gia, nhưng tại Việt Nam vẫn còn là một khoảng trống.
Công nghiệp đường sắt cao tốc - Bệ phóng công nghệ của quốc gia
Không giống các dự án hạ tầng truyền thống, đường sắt cao tốc (ĐSCT) là kết tinh của hàng loạt công nghệ hiện đại và đòi hỏi hệ sinh thái công nghiệp khép kín. Ngành công nghiệp ĐSCT là tổ hợp đa tầng, tích hợp hàng trăm công nghệ cao và có tính lan tỏa mạnh đến nhiều ngành kinh tế khác.
PGS.TS Nguyễn Hữu Đức (ĐH Kỹ thuật Berlin, Đức) khẳng định, công nghiệp ĐSCT chính là đại diện tiêu biểu cho công nghiệp hiện đại, bên cạnh ngành công nghiệp sản xuất ô tô và máy bay. Quốc gia nào làm chủ được ngành này, quốc gia đó đã bước sang một trình độ phát triển mới. Sản xuất ĐSCT đòi hỏi trình độ cơ khí chính xác rất cao. Mỗi đoàn tàu cao tốc bao gồm hàng chục toa xe, với hàng nghìn linh kiện và chi tiết phức tạp, từ chất liệu khung vỏ nhẹ, hệ thống phanh điện - khí, cho tới hệ giá chuyển hướng chống rung, động cơ kéo, hệ thống điều khiển tự động, cảm biến tốc độ, và vô số các công nghệ vật liệu tiên tiến để đảm bảo vận hành ở tốc độ cao mà vẫn an toàn.
Theo vị chuyên gia, để vận hành một đoàn tàu cao tốc, mỗi toa xe cần hàng trăm, thậm chí hàng ngàn linh kiện cơ khí, điện tử và tự động hóa, hầu hết phải sản xuất với độ chính xác gần như tuyệt đối.
Bên cạnh đó, công nghiệp ĐSCT còn là nơi hội tụ của các ngành công nghệ số. Từ điều khiển trung tâm, quản lý hành trình, vận hành tự động đến hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (big data), điện toán đám mây… đều được tích hợp nhằm tối ưu vận hành và nâng cao trải nghiệm người dùng.
Phát triển ngành công nghiệp ĐSCT tại các quốc gia không chỉ giải quyết hàng trăm ngàn việc làm trực tiếp và gián tiếp, mà còn thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ và tăng năng suất lao động. Theo TS Mai Văn Sinh, chuyên gia về chính sách công nghiệp, một trong những lĩnh vực được hưởng lợi trực tiếp từ ngành công nghiệp ĐSCT là du lịch.
“Ở Nhật Bản, doanh thu du lịch nội địa tăng mạnh nhờ các tuyến Shinkansen. Người ta du lịch bằng tàu cao tốc vì nó nhanh, đúng giờ và tiện lợi”, TS Sinh cho biết. Đó cũng là lý do các nước như Nhật Bản, Pháp, Đức, Trung Quốc, Hàn Quốc đều coi phát triển ĐSCT là chiến lược quốc gia từ rất sớm.
Đặc biệt, Việt Nam có dư địa rất lớn để phát triển ngành công nghiệp ĐSCT. Bên cạnh quy mô dân số lớn, mạng lưới các hành lang kinh tế liên vùng đang phát triển mạnh mẽ. Ngoài tuyến trục Bắc - Nam, còn rất nhiều trục phát triển khác như Tây Nguyên - Duyên hải miền Trung, TP.HCM - Cần Thơ - Cà Mau, hay Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh…
Đây đều là những hành lang cần hạ tầng vận tải tốc độ cao để giải tỏa áp lực đường bộ, rút ngắn thời gian di chuyển, đồng thời tạo điều kiện cho hàng hóa và lao động dịch chuyển nhanh chóng giữa các trung tâm kinh tế, tạo tiền đề cho sự phát triển đột phá của Việt Nam trong kỷ nguyên mới.
Với Việt Nam, ngành công nghiệp này sẽ giúp giảm phụ thuộc vào nhập khẩu thiết bị, tạo việc làm có giá trị gia tăng cao, đồng thời nâng cao năng lực nội sinh của nền công nghiệp. Một ngành như vậy, theo TS Mai Văn Sinh, “phải được phát triển bằng cách đặt mục tiêu quốc gia, có doanh nghiệp mũi nhọn dẫn dắt và chính sách nhất quán hỗ trợ dài hạn”.
Cơ hội hình thành ngành công nghiệp ĐSCT Việt Nam
Nếu như trước đây ngành công nghiệp ô tô Việt Nam từng loay hoay hàng chục năm không thể hình thành nổi một thương hiệu quốc gia đúng nghĩa, thì đến khi VinFast xuất hiện, một ngành công nghiệp ô tô Việt Nam hiện đại đã chính thức được đặt nền móng. Trong vòng chưa đầy 8 năm, VinFast đã có thể làm chủ hoàn toàn công nghệ sản xuất, sở hữu dải sản phẩm ô tô điện đa dạng bậc nhất trong ngành công nghiệp ô tô thế giới, đồng thời đưa thương hiệu Việt ra thị trường toàn cầu.
Mô hình tương tự có thể sẽ được lặp lại với VinSpeed, công ty đề xuất đầu tư tuyến ĐSCT Bắc - Nam với tổng chiều dài hơn 1.500 km. Dù còn ở giai đoạn đề xuất, nhưng tầm nhìn mà VinSpeed đưa ra đã vượt xa một dự án hạ tầng đơn thuần. Thay vì chỉ nhập khẩu công nghệ, VinSpeed xác định sẽ nội địa hóa từng bước, từ nhận chuyển giao công nghệ, tiến tới làm chủ toàn bộ chuỗi giá trị ngành ĐSCT, từ thiết kế tàu, xây dựng hạ tầng, vận hành, bảo trì cho đến đào tạo nhân lực.
Điều này đặt ra yêu cầu hình thành một ngành công nghiệp mới, nơi các doanh nghiệp Việt Nam không chỉ là nhà thầu xây lắp mà còn tham gia vào sản xuất các bộ phận tàu cao tốc, chế tạo thiết bị tín hiệu, cung cấp vật liệu kỹ thuật cao… Khi chuỗi giá trị này được khởi tạo, hàng trăm doanh nghiệp cơ khí, điện tử, vật liệu và CNTT trong nước sẽ có cơ hội nâng cấp năng lực, trở thành vệ tinh trong một hệ sinh thái công nghiệp quy mô lớn.
PGS.TS Bùi Quang Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận định, điểm đáng xem xét của VinSpeed không nằm ở việc đề xuất một dự án hạ tầng khổng lồ, mà ở tầm nhìn công nghiệp. VinFast đã có vai trò rất quan trọng trong phát triển ngành ô tô hiện đại ở Việt Nam, thì VinSpeed có thể có đóng góp quan trọng tương tự như vậy đối với ngành ĐSCT hiện đại.
“Tôi tin rằng nếu được chấp thuận, VinSpeed sẽ xây dựng hệ sinh thái công nghiệp nội địa xung quanh dự án ĐSCT. Với công nghiệp ĐSCT, tiêu chuẩn là rất cao, nhưng chính vì vậy mà buộc các doanh nghiệp trong nước phải phải đổi mới, nâng cấp và liên kết, hợp tác với nhau. Nếu không tự thay đổi để thích ứng với áp lực đó, họ sẽ mãi ở trình độ gia công thấp”, vị chuyên gia thẳng thắn.
Cũng theo PGS. TS Bùi Quang Tuấn, nếu đầu tư cho đường sắt cao tốc chỉ để chở khách thì có thể chưa thấy dự án có lãi ngay trước mắt nhưng đứng về mặt chiến lược, chúng ta có thể thấy một sự đầu tư hiệu quả cho tương lai của một ngành công nghiệp mới gắn với đào tạo nhân lực, chuyển giao, thiết kế và phát triển công nghệ, và “đó là một khoản đầu tư xứng đáng cho một ngành công nghiệp chiến lược của đất nước”.
Trong quá khứ, Việt Nam từng chậm chân trong cuộc đua công nghiệp hóa do thiếu các ngành công nghiệp mũi nhọn. Nhưng cơ hội đang trở lại, lần này là với ngành công nghiệp đường sắt cao tốc. Nếu VinSpeed, với mã gen “nói được làm được” của Vingroup, được giao trọng trách dẫn dắt ấy, Việt Nam sẽ không chỉ sở hữu một tuyến giao thông tốc độ cao, mà còn đặt nền móng cho một ngành công nghiệp công nghệ cao có giá trị dài hạn.
Và xa hơn, đây là một phép thử quan trọng: liệu Việt Nam đã sẵn sàng chuyển mình từ một quốc gia nhập khẩu công nghệ, trở thành quốc gia kiến tạo công nghệ? Câu trả lời có thể bắt đầu từ những thanh ray đầu tiên được đặt xuống trên hành trình cao tốc Bắc - Nam.
Nguồn: https://vtcnews.vn/duong-sat-cao-toc-cu-hich-chien-luoc-kien-tao-nganh-cong-nghiep-moi-cho-vn-ar944193.html
Bình luận (0)