Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

ESG không còn là món trang sức mà đã trở thành bài toán sống còn

(Dân trí) - Chuyển đổi xanh và áp dụng ESG đang dần trở thành yêu cầu bắt buộc đối với các doanh nghiệp để phát triển bền vững, hội nhập quốc tế và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Báo Dân tríBáo Dân trí16/05/2025

Cứ làm, cứ đi sẽ thấy đường

Ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TPHCM - cho biết, đại bộ phận doanh nghiệp của Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa nên nguồn lực và điều kiện của doanh nghiệp có những giới hạn nhất định. Tuy vậy, việc thực hiện ESG, thực hiện chuyển đổi xanh đã trở thành một yêu cầu bắt buộc để các doanh nghiệp đạt được phát triển bền vững.

Trước hết, ESG là đòi hỏi của thị trường. Doanh nghiệp nếu không thực hiện chuyển đổi xanh, không thực hiện ESG thì không bán được hàng, đặc biệt là vào các thị trường xuất khẩu. Tiêu chí xanh đã trở thành một hàng rào kỹ thuật mới buộc các doanh nghiệp Việt Nam phải làm.

Ông Hòa nhấn mạnh, các lãnh đạo doanh nghiệp cần có nhận thức đúng đắn, đầy đủ, quyết tâm và kiên trì để thực hiện chương trình ESG cho mục tiêu phát triển bền vững, bởi không có ESG thì trong tương lai doanh nghiệp sẽ không thể tồn tại được. Doanh nghiệp phải nhận thức đầy đủ rằng, đây là xu thế bắt buộc phải làm, nếu không làm thì không thể tồn tại và phát triển được.

ESG không còn là món trang sức mà đã trở thành bài toán sống còn - 1

Chuyên gia Phạm Việt Anh khuyên các doanh nghiệp "cứ làm", "cứ đi sẽ thấy đường" (Ảnh: Nam Anh).

Theo TS. Phạm Việt Anh - cố vấn bền vững ESG-S, trong bối cảnh hiện tại, việc doanh nghiệp đồng ý hay phản đối không quan trọng, ESG sẽ cuốn các doanh nghiệp đi vì đó là xu hướng chung, được dẫn dắt bởi những quốc gia lớn mạnh và những thị trường lớn.

Tuy nhiên, vị chuyên gia cũng đưa ra lưu ý, các doanh nghiệp khi tham gia ESG cần "liệu cơm gắp mắm", "sức đến đâu làm đến đó", "sức đến đâu nói đến đó" chứ không nên nói quá về năng lực để rồi tự mình tạo ra nguy cơ bị quy kết gian dối. Khi nói quá về thành tích, doanh nghiệp sẽ phải đối diện với khủng hoảng: Một là khủng hoảng về truyền thông, hai là khủng hoảng về thực thi.

Trong phát triển bền vững, về lý thuyết, doanh nghiệp sẽ thực thi 3 giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên là bền vững yếu, tiếp theo là quá độ bền vững, cuối cùng mới là bền vững.

Ông Việt Anh khuyên các doanh nghiệp "cứ làm", "cứ đi sẽ thấy đường", bắt đầu bằng sự tuân thủ, tuân thủ pháp luật, đạo đức, môi trường, sau đó là đầu tư hệ thống quản lý chất lượng bền vững, tiêu chuẩn ISO được thống nhất toàn cầu, cuối cùng mới là vượt qua cả sự tuân thủ. Theo ông, ESG hay khái niệm khác là khuôn khổ. Khuôn khổ không bắt buộc nhưng tiêu chuẩn được thừa nhận rộng khắp trên thế giới.

Yêu cầu bắt buộc để hội nhập quốc tế

Ông Surajit Rakshit - Giám đốc toàn quốc Khối giải pháp thương mại toàn cầu của HSBC Việt Nam - cho hay, áp lực từ các bên như nhà đầu tư, khách hàng, nhân viên và cơ quan quản lý khiến việc các doanh nghiệp thực thi thông lệ bền vững ngày nhiều hơn. Nhiều công ty đưa ra cam kết cân bằng phát thải như một phần chính sách môi trường cũng như ESG nói chung.

Theo nghiên cứu của PwC, ở Việt Nam, 40% doanh nghiệp trong nước đã có kế hoạch và đề ra cam kết ESG. Trong một khảo sát do Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, Ban IV, thực hiện, 48,7% doanh nghiệp đánh giá rằng, giảm phát thải, chuyển đổi xanh là cần thiết.

Phát thải phạm vi 3, sản sinh ra từ các bên cung ứng của doanh nghiệp, chính là bài toán nan giải nhất với nhiều công ty cam kết giảm dấu chân carbon của họ. Mặc dù vậy, theo ông Surajit Rakshit, nỗ lực của họ cũng rất đáng khích lệ.

Nghiên cứu của E&Y cho thấy, 78% doanh nghiệp đang phát triển các chương trình và sáng kiến xoay quanh chuỗi cung ứng bền vững với các đối tác quan trọng. Trong khảo sát "Tương lai của thương mại" của Tập đoàn DMCC, hầu hết người tham gia kỳ vọng doanh nghiệp ngưng hợp tác với những bên có kết quả ESG yếu kém.

ESG không còn là món trang sức mà đã trở thành bài toán sống còn - 2

Thực trạng cam kết ESG của các doanh nghiệp Việt Nam (Ảnh: PwC).

Bền vững đã nhanh chóng trở thành một mối quan tâm cốt lõi trong các thảo luận về chuỗi cung ứng doanh nghiệp ngày nay, chủ yếu do sức ép từ người tiêu dùng và nhà đầu tư mong muốn nhìn thấy các doanh nghiệp nơi họ mua hàng hoặc đầu tư vào nâng cao tiêu chuẩn đạo đức của nhà sản xuất. Những thảo luận này sẽ còn tiếp tục diễn biến và để lại tác động lên chiến lược chuỗi cung ứng toàn cầu.

Báo cáo gần đây của Ban Nghiên cứu phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV) cũng thể hiện một khía cạnh khác, đó là, hơn 60% trên tổng số 2.700 doanh nghiệp được khảo sát cho biết chưa chuẩn bị gì cho quá trình chuyển đổi xanh. Nhiều doanh nghiệp khác khi được hỏi cũng tỏ ra lúng túng với câu chuyện chuyển đổi xanh, không biết bắt đầu từ đâu và phải làm gì.

Ông Nguyễn Tiến Huy, Giám đốc Văn phòng Doanh nghiệp phát triển bền vững (VCCI), nhấn mạnh rằng chuyển đổi sang mô hình kinh doanh bền vững đã trở thành yêu cầu bắt buộc để hội nhập quốc tế. Áp dụng ESG sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng khả năng chống chịu và có thể đáp ứng các yêu cầu của quốc tế khi các nước đang ngày một quan tâm hơn đến các vấn đề môi trường, xã hội, quản trị bền vững.

Ông Huy cho rằng chuyển đổi xanh, phát triển bền vững và thực hiện các mô hình kinh doanh phát thải thấp đòi hỏi rất nhiều nỗ lực, đầu tư nguồn lực và đòi hỏi nhiều về chi phí, tài chính.

Ông nhấn mạnh rằng doanh nghiệp rất cần sự chung tay, đồng hành của các bên liên quan nhằm khai thông dòng tài chính xanh, hỗ trợ kinh phí cho doanh nghiệp vượt qua giai đoạn ban đầu thực hành ESG và giúp doanh nghiệp chuyển đổi xanh mạnh mẽ hơn.

Việc hội nhập quốc tế đòi hỏi doanh nghiệp phải có trách nghiệm trong chuỗi cung ứng. Theo ông Huy, nếu các doanh nghiệp xuất khẩu khi sản xuất ra hàng hóa đều tra soát và chứng minh được sản phẩm của mình là sản phẩm kinh doanh có trách nhiệm thì sẽ vô cùng thuận lợi cho việc xuất khẩu.

ESG trở thành yếu tố bắt buộc để phát triển lâu dài

Cùng quan điểm, Tiến sĩ Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội, Viện trưởng Viện Kinh tế và Phát triển doanh nghiệp - cho rằng ESG đang dần trở thành một yếu tố quan trọng và không thể thiếu đối với các doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu có nhiều biến động và thách thức như hiện nay.

ESG không chỉ giúp doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro, nâng cao uy tín, mà còn tăng khả năng cạnh tranh trong bối cảnh toàn cầu hóa. Những thách thức như biến đổi khí hậu, yêu cầu trách nhiệm xã hội và tiêu chuẩn quản trị minh bạch đang đòi hỏi doanh nghiệp phải đổi mới để thích ứng, đáp ứng kỳ vọng của nhà đầu tư, khách hàng và cộng đồng. ESG quan trọng vì nó thúc đẩy phát triển bền vững và khả năng cạnh tranh toàn cầu.

Về yếu tố môi trường, theo McKinsey, các doanh nghiệp thực hiện chiến lược ESG giảm tới 60% chi phí năng lượng nhờ tối ưu hóa tài nguyên. Báo cáo của CDP cho thấy các công ty áp dụng ESG tăng giá trị cổ phiếu trung bình 4,8%/năm.

Về yếu tố xã hội, một nghiên cứu của Deloitte chỉ ra, 75% khách hàng sẵn sàng chi trả cao hơn cho sản phẩm từ các doanh nghiệp có trách nhiệm xã hội. Doanh nghiệp áp dụng ESG thu hút nhân tài hiệu quả hơn, giảm 50% tỷ lệ nghỉ việc.

Còn về yếu tố quản trị, báo cáo của MSCI (2023) cho thấy, các công ty có chỉ số ESG cao giảm 70% rủi ro pháp lý và tăng 10-15% lợi nhuận so với các công ty không áp dụng.

Trong bối cảnh biến động kinh tế, doanh nghiệp áp dụng ESG tăng khả năng huy động vốn, với các quỹ đầu tư toàn cầu ưu tiên hơn 35% vốn cho doanh nghiệp bền vững.

"ESG không chỉ là lựa chọn mà đã trở thành yếu tố bắt buộc để phát triển lâu dài", ông Mạc Quốc Anh nhấn mạnh.

ESG không còn là món trang sức mà đã trở thành bài toán sống còn - 3

ESG đang dần trở thành một yếu tố quan trọng và không thể thiếu đối với các doanh nghiệp (Ảnh: iStock).

Ông cũng cho rằng việc triển khai ESG không chỉ cần thiết với các doanh nghiệp lớn, nhiều tiềm lực mà cũng rất quan trọng đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs). 

"Việc triển khai ESG đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ không chỉ cần thiết mà còn mang tính sống còn trong bối cảnh cạnh tranh và hội nhập", ông nói.

SMEs hiện chiếm 97% tổng số doanh nghiệp tại Việt Nam, nhưng nhiều doanh nghiệp mất cơ hội xuất khẩu vì không đáp ứng tiêu chuẩn ESG từ các thị trường lớn như EU hay Mỹ (yêu cầu từ CBAM, EU Green Deal).

Không chỉ vậy, việc triển khai ESG còn giúp SMEs thu hút đầu tư. Theo IFC, 65% các quỹ đầu tư ưu tiên doanh nghiệp bền vững. SMEs triển khai ESG tăng cơ hội tiếp cận vốn rẻ, đặc biệt là vốn xanh. Nghiên cứu của PwC cho thấy SMEs áp dụng ESG có thể giảm 20-30% chi phí năng lượng và vận hành thông qua tối ưu hóa tài nguyên.

Bên cạnh đó, triển khai ESG cũng giúp SMEs gia tăng lòng tin khi 80% người tiêu dùng Việt Nam sẵn sàng ủng hộ SMEs có trách nhiệm xã hội (theo Nielsen, 2023). Điều này cũng giúp các doanh nghiệp có thể bắt kịp được xu thế, chuẩn bị tốt hơn cho tương lai và tránh bị loại khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu khi các tập đoàn lớn yêu cầu đối tác tuân thủ ESG.

Diễn đàn ESG Việt Nam do báo Dân trí khởi xướng tổ chức thu hút được sự quan tâm lớn từ cộng đồng doanh nghiệp, độc giả.

Ngày 23/4 vừa qua, Diễn đàn ESG Việt Nam lần thứ nhất với chủ đề "Chiến lược phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới" diễn ra thành công, là sự kiện khép lại toàn bộ chuỗi hoạt động của Diễn đàn mùa đầu tiên. Trong khuôn khổ Diễn đàn ESG Việt Nam lần thứ nhất, 31 doanh nghiệp được tôn vinh các danh vị Vietnam ESG Awards, trong đó có 10 doanh nghiệp nhận vinh danh ESG toàn diện.

Báo Dân trí cũng phát động Diễn đàn ESG Việt Nam năm 2025 với chủ đề "Khoa học công nghệ và động lực cho phát triển bền vững", đồng thời phát động Vietnam ESG Awards 2025.

Đồng hành Diễn đàn ESG Việt Nam lần thứ nhất, Ban Tổ chức trân trọng cảm ơn các quý đơn vị: HDBank, VPBank, Gamuda Land Việt Nam, Thảo, LPBank, Bắc Á Bank, Agribank, Gelex, Eximbank, VinaSoy, Acecook, Vietjet Air.

Nguồn: https://dantri.com.vn/kinh-doanh/esg-khong-con-la-mon-trang-suc-ma-da-tro-thanh-bai-toan-song-con-20250113153057945.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Nơi Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập
Nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập
Khám phá vùng savan ở Vườn quốc gia Núi Chúa
Khám phá Vũng Chua- ‘nóc nhà’ mây phủ của phố biển Quy Nhơn

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm