Trang thông tin chính thức của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đăng tải lại phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn tại buổi làm việc với tỉnh Quảng Ninh về công tác quản lý giáo dục khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, góp phần hoàn thiện xây dựng Luật Nhà giáo, diễn ra ngày 15/5.
Theo đó, khi đề cập đến chủ trương học 2 buổi/ngày, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nhấn mạnh nguyên tắc thực hiện là chương trình học chính chỉ được phép thực hiện trong một buổi, buổi thứ 2 không được biến tướng thành học thêm.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn tại buổi làm việc với tỉnh Quảng Ninh (Ảnh: Cổng thông tin Bộ GD&ĐT).
"Muốn làm cho trường học ngay ngắn, làm cho hoạt động dạy học lành mạnh thì không có cách nào khác là phải ngăn chặn việc ép học sinh học thêm dưới mọi hình thức. Chúng ta phải hướng đến một nền giáo dục tích cực, lôi cuốn, thuyết phục chứ không phải một nền giáo dục ép buộc.
Và trách nhiệm của ngành giáo dục là phải truyền tải đầy đủ nội dung các môn học trong giờ học chính khóa.
Các lớp học thêm có thể khiến kết quả thi của các cháu tốt nhưng đó không phải là chỗ đem lại nhiều giá trị phát triển con người.
Hãy thay các buổi "cày" học thêm bằng các hoạt động khác để giải phóng học sinh khỏi "cái xiềng" của thành tích học tập, của những kỳ vọng không hợp lý. Đây là cuộc giải phóng từ bên trong thực sự nên cần sự kiên trì, nhưng khó mấy cũng phải làm", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói.
Cũng tại buổi làm việc này, vấn đề về công tác quản lý giáo dục khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, trong đó có quản lý và sử dụng giáo viên, được đặt ra.
Hiện cả tỉnh Quảng Ninh thiếu 2.660 giáo viên. Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Ninh Nguyễn Thị Thúy đề nghị cần giao cho ngành giáo dục chủ trì công tác tuyển dụng giáo viên để khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên hiện nay.
Về quản lý nhà nước trong lĩnh vực giáo dục, Bộ trưởng lưu ý, cần có sự phân chia trách nhiệm giữa cấp sở và cấp xã nhưng không cứng nhắc.
Sau sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính, ước tính bình quân mỗi xã có 7.000 học sinh, trong khi dự kiến chỉ có 2 công chức quản lý giáo dục cấp xã.
Bộ GD&ĐT sẽ có tập huấn trên phạm vi toàn quốc để minh định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các công chức này.
Bên cạnh đó, dự kiến từ năm học 2026-2027, việc tuyển sinh đầu cấp sẽ thực hiện theo nguyên tắc đảm bảo học sinh đi học trường gần nhất với nơi ở thực tế thay vì theo địa giới hành chính.
TP.HCM đã áp dụng hệ thống thông tin địa lý (Geographic Information System - gọi tắt là bản đồ GIS) để thí điểm tuyển sinh đầu cấp theo nơi cư trú từ năm 2023.
Nguồn: https://dantri.com.vn/giao-duc/bo-cay-hoc-them-de-giai-phong-hoc-sinh-khoi-xieng-thanh-tich-20250516160001999.htm
Bình luận (0)