Ngành cao su và săm lốp toàn cầu chịu sức ép kép, gồm mối lo nguồn cung tại châu Á, doanh nghiệp Âu – Mỹ rút lui vì hàng nhập giá rẻ.
Giá cao su thế giới
Kết thúc phiên giao dịch 1/7, giá cao su kỳ hạn tháng 7 trên Sàn OSE ở Nhật Bản giảm 0,4% (1,3 yen) về mức 312,9 yen/kg. Ở Trung Quốc, giá cao su kỳ hạn tháng 7 trên Sàn Thượng Hải (SHFE) giảm 0,2% (30 nhân dân tệ) về mức 13.905 nhân dân tệ/tấn. Tại Thái Lan, giá cao su kỳ hạn tháng 8 tăng 0,9% (0,67 baht) lên mức 73,26 baht/kg.
Thị trường cao su thiên nhiên ghi nhận đà giảm, dù bối cảnh thời tiết cực đoan đang diễn ra tại nhiều khu vực trọng điểm sản xuất. Báo cáo của Japan Exchange Group ngày 1/7 cho biết, mưa lớn tại Tây Nam Trung Quốc, Bắc Thái Lan, Việt Nam và Philippines đã làm dấy lên lo ngại về gián đoạn nguồn cung. Riêng Cục Khí tượng Thái Lan đã cảnh báo mưa lớn kéo dài từ 30/6 - 6/7 tại nhiều vùng sản xuất cao su trọng điểm, có thể làm chậm quá trình thu hoạch và vận chuyển.
Trong khi nguồn cung châu Á gặp rủi ro, các doanh nghiệp phương Tây lại đối mặt với áp lực cạnh tranh ngày càng khốc liệt từ hàng nhập khẩu giá rẻ. Tập đoàn Michelin (Pháp) vừa thông báo kế hoạch đóng cửa nhà máy sản xuất tại Guarulhos, Sao Paulo (Brazil) do không thể cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu từ châu Á. Nhà máy – hiện đang sản xuất săm xe máy, xe đạp, lốp công nghiệp và sản phẩm bán thành phẩm – sử dụng khoảng 350 lao động và dự kiến sẽ ngừng hoạt động hoàn toàn vào tháng 12/2025.
Trong tuyên bố ngày 27/6, Michelin cho biết quyết định này là hệ quả của tình trạng dư thừa công suất do lượng hàng nhập khẩu từ châu Á tăng đột biến – với mức giá thấp hơn nhiều so với chi phí sản xuất tại địa phương. Đặc biệt, phân khúc săm xe máy và xe đạp bị ảnh hưởng nặng nề. "Quyết định dừng hoạt động là giải pháp cuối cùng khi không thể tìm được phương án khả thi nào khác", hãng khẳng định.
Tuy vậy, Michelin vẫn duy trì hiện diện tại Brazil với ba nhà máy khác, bao gồm nhà máy sản xuất lốp xe tải tại Campo Grande (Rio de Janeiro) với hơn 4.000 nhân viên, tổ hợp công nghiệp Itatiaia (sản xuất lõi kim loại gia cường lốp) và cơ sở tại Manaus chuyên sản xuất lốp xe máy và xe đạp.
Ở một diễn biến khác, Michelin đang tham gia vào một dự án kinh tế tuần hoàn tại Anh nhằm giảm thiểu phát thải khí nhà kính. Tại nhà máy ở Stoke-on-Trent, Michelin phối hợp với Murfitts – doanh nghiệp tái chế lốp xe lớn nhất nước Anh – để xây dựng cơ sở thu hồi vật liệu từ lốp xe thải. Dự án sẽ xử lý khoảng 12.500 tấn lốp xe/năm (tương đương 1,35 triệu lốp ô tô), sản xuất carbon đen tái chế (rCB) và dầu pyrolysis (TPO) có thể tái sử dụng trong sản xuất lốp mới hoặc làm nhiên liệu thay thế.
Theo Murfitts, quá trình này không chỉ cung cấp năng lượng phục vụ sản xuất ngay tại nhà máy Michelin, giúp giảm 1.500 tấn CO₂ mỗi năm, mà còn đóng vai trò then chốt trong chuỗi tái chế khép kín, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững của ngành cao su và săm lốp toàn cầu.
Giá cao su trong nước
Tại Công ty Cao su Mang Yang: Giá thu mua giảm ở cả mủ nước và mủ tạp.
Giá thu mua mủ nước giảm 6 – 7 đồng/TSC/kg cụ thể: Loại 1 ở mức 400 đồng/TSC/kg, giảm xuống còn mức 393 đồng/TSC/kg; mủ nước loại 2 ở mức 395 đồng/TSC/kg, giảm xuống mức 389 đồng/TSC/kg.
Mủ đông tạp giảm 11 đồng /DRC/kg cụ thể: Loại 1 ở mức 399 đồng/DRC/kg, giảm xuống mức 388 đồng/DRC/kg, mủ đông tạp loại 2 ở mức 351 đồng/DRC/kg, giảm xuống mức 340 đồng/DRC/kg.
Công ty Cao su Phú Riềng: Giá mủ nước ở mức 415 đồng/TSC/kg; Giá mủ tạp ở mức 380 đồng/TSC/kg.
Công ty Cao su Bà Rịa: Giá thu mua mủ nguyên liệu tại nhà máy Xà Bang hôm nay không có biến động, cụ thể:
Giá mủ nước: Mức 1 có giá 415 đồng/ độ TSC/kg áp dụng cho độ TSC từ 30 trở lên; Mức 2 có giá 410 đồng/ độ TSC/kg áp dụng cho độ TSC từ 25 đến dưới 30; Mức 3 có giá 405 đồng/ độ TSC/kg áp dụng cho độ TSC từ 20 đến dưới 25.
Công ty cao su Bình Long: Giá thu mua mủ nước: 386-396 đồng/TSC/kg; mủ tạp có độ DRC 60% có giá 14.000 đồng/kg.
Nguồn: https://baolamdong.vn/gia-cao-su-hom-nay-2-7-dien-bien-trai-chieu-truoc-nhieu-suc-ep-380895.html
Bình luận (0)