Hé lộ công cụ hiệu quả giúp giảm phát thải nhà kính
Chia sẻ tại Diễn đàn Net Zero Việt Nam 2025: Thị trường carbon trong kỷ nguyên mới sáng 18/7 do Viện Tư vấn phát triển (CODE) và Tạp chí Điện tử Nhà quản trị - TheLEADER phối hợp tổ chức, ông Nguyễn Tuấn Quang, Phó cục trưởng Cục biến đổi khí hậu (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) nhấn mạnh tác động của biến đổi khí hậu đang và sẽ diễn ra hết sức nặng nề nếu thế giới không có giải pháp ứng phó.
Tại hội nghị COP26, Thủ tướng Chính phủ đã cam kết Việt Nam đặt mục tiêu đạt Net Zero vào năm 2050 nhờ có sự đồng hành của quốc tế. Ngay sau đó, Chính phủ đã ban hành đề án để thực hiện cam kết này với 5 giải pháp chính phải thực hiện.
Thứ nhất là chuyển đổi năng lượng, chuyển dần từ năng lượng hoá thạch sang năng lượng sạch. Đây là yếu tố hết sức quan trọng và cần sự nỗ lực lớn.
Tuy nhiên bản chất của năng lượng tái tạo không ổn định. Ông Quang lấy dẫn chứng số liệu thống kê của EVN cho thấy mức độ ổn định của các trang trại điện phía Nam là 5 tiếng/ngày, còn phía Bắc là 3 tiếng/ngày. Bài toán đặt ra đối với năng lượng sạch, năng lượng tái tạo là cần hệ thống lưu trữ.
Giải pháp thứ 2 là sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên. Hiện nay, nền kinh tế đang được định hướng chuyển dịch sang nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Thứ 3 là phát triển rừng và các hệ sinh thái. Các hệ sinh thái này sẽ giúp hấp thụ carbon. Đặc biệt, rừng ven biển có thể hấp thụ carbon gấp 3,4 lần rừng trên cạn. Thứ 4 là thu hồi và lưu trữ carbon. Đây là các giải pháp tốn kém nhưng với các tiến bộ về khoa học công nghệ sẽ có hướng giải quyết.
Thứ 5 là định giá carbon. Đại diện Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết trên thế giới hiện nay nhiều quốc gia áp dụng biện pháp này. Giải pháp này có 2 biện pháp chính gồm thuế carbon và thị trường carbon. Theo ông Quang, giải pháp định giá carbon kiểm soát tới 28% phát thải khí nhà kính.
Ông Tuấn Quang đánh giá giải pháp này rất hiệu quả. Ví dụ, Châu Âu khi áp dụng đã giảm phát thải 30%. Singapore tiến hành đánh thuế carbon để giảm phát thải. Trung Quốc và các nước khác cũng đang nghiên cứu triển khai.
Tại Việt Nam, ngày 24/1, Chính phủ đã phê duyệt đề án phát triển thị trường carbon và đề ra lộ trình từ nay đến 2028 vận hành thử nghiệm. Từ năm 2029 vận hành chính thức thị trường carbon và kết nối với thế giới. Trước đó, từ những năm 2000, Việt Nam cũng đã tham gia thị trường carbon thế giới thông qua các cơ chế độc lập khác. Hiện nay, các bộ ngành đang ráo riết xây dựng hành lang pháp lý làm sao để cuối năm nay định hình thị trường carbon.
Bộ Tài chính đã trình Chính phủ đề án sàn giao dịch carbon. Sàn giao dịch này tập trung giao dịch tín chỉ carbon trong nước theo tiêu chuẩn quốc tế và các cơ chế độc lập khác.
Tuy nhiên, ông Quang cũng lưu ý tín chỉ carbon cần tuân theo tiêu chuẩn, phương pháp tính toán quốc tế. Giao dịch tín chỉ carbon cần được Nhà nước điều tiết để đảm bảo cam kết của Việt Nam và các ngành công nghiệp trong nước.
Ông này lấy dẫn chứng bắt đầu từ ngành hàng không Việt Nam đăng ký tham gia giai đoạn tự nguyện của CORSIA (Cơ chế giảm và bù đắp carbon đối với các chuyến bay quốc tế), bắt đầu từ ngày 1/1/2026.
Nếu tín chỉ carbon trong nước không dành để bù trừ thì doanh nghiệp hàng không nội địa thì họ sẽ phải mua từ nước ngoài. Con số ước tính khoảng 2,3 triệu tín chỉ carbon. Tương tự, các hãng vận tải khác như vận tải biển cũng cần mua tín chỉ carbon.

TS. Lê Xuân Nghĩa phát biểu tại sự kiện (Ảnh: BTC).
Áp lực mới với ngành hàng không
Bình luận về vấn đề này, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng ngành hàng không Việt Nam vốn đã khó khăn sẽ càng áp lực hơn khi tuân thủ cắt giảm phát thải khí nhà kính.
Ông đưa ra gợi ý 3 hướng giải pháp đối với các doanh nghiệp hàng không trong tình huống này. Thứ nhất, các đơn vị phải giảm tiêu thụ năng lượng, tiết kiệm điện ở sân bay, dưới mặt đất và cả trên máy bay. Thứ 2 là tìm ra nguồn năng lượng mới tuy nhiên điều này rất khó có thể triển khai. Thứ 3 là mua tín chỉ carbon rừng để bù đắp.
Tuy nhiên, ông Lê Xuân Nghĩa dự đoán các hãng sẽ thay đổi giá vé và người tiêu dùng sẽ là người chịu thuế carbon. Theo ước tính tại các nước châu Âu, giá vé hàng không có thể tăng 3-8% khi áp thuế carbon.
Chuyên gia cho biết giải pháp thứ 3 là khả thi nhất bởi tín chỉ carbon rừng ở Việt Nam khá phong phú để bù đắp.
TS. Tăng Thế Cường, Cục trưởng Biến đổi khí hậu, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết Việt Nam được các chuyên gia, đối tác quốc tế đánh giá là một trong những quốc gia có tiềm năng lớn về giảm phát thải khí nhà kính, tạo tín chỉ carbon.
Việt Nam hiện có tỷ lệ che phủ rừng khá cao (hơn 42%) cũng như điều kiện để phát triển rừng, bảo vệ rừng và làm giàu rừng, gia tăng trữ lượng carbon rừng. Việc trao đổi tín chỉ carbon ra thế giới đã được các doanh nghiệp thực hiện từ giữa những năm 2000 khi triển khai các chương trình, dự án theo Cơ chế phát triển sạch (CDM).
Việt Nam đã trở thành một trong 4 nước có dự án CDM nhiều nhất, sau Trung Quốc, Brazil, Ấn Độ; đứng thứ 9 trên tổng số 80 quốc gia có dự án CDM được cấp tín chỉ carbon, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất năng lượng tái tạo và tiết kiệm năng lượng.
Trong lĩnh vực lâm nghiệp, Việt Nam đã trao đổi 10,3 triệu tấn CO2 kết quả giảm phát thải từ rừng khu vực Bắc Trung Bộ.
Nguồn: https://dantri.com.vn/kinh-doanh/gia-ve-may-bay-co-the-tang-tu-nam-2026-vi-dieu-nay-20250718135431134.htm
Bình luận (0)