Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Giải quyết ô nhiễm: Cần tăng đầu tư, đưa kết quả từ phòng thí nghiệm vào thực tế

Nhà nước cần đột phá trong đầu tư, đổi mới chính sách và hợp tác nhằm đưa kết quả nghiên cứu đi từ phòng thí nghiệm tới thực tế, góp phần kiến tạo môi trường sống xanh, sạch và an toàn cho cộng đồng.

VietnamPlusVietnamPlus10/05/2025

Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Xuân Hải, Phó Cục trưởng Cục Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), cho biết trong những năm gần đây, hoạt động khoa học và công nghệ trong lĩnh vực môi trường tại Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng, góp phần trực tiếp vào việc xử lý ô nhiễm.

Tuy vậy, vẫn còn nhiều khó khăn như nguồn nhân lực còn hạn chế; cơ chế chính sách chưa đủ mạnh để thu hút nhân tài; kinh phí đầu tư cho nghiên cứu còn thấp, thậm chí nhiều đề tài mới chỉ dừng ở mô hình thí điểm, thiếu sự liên kết. Vì vậy, Nhà nước cần đột phá trong đầu tư, đổi mới chính sách và hợp tác nhằm đưa kết quả nghiên cứu đi từ phòng thí nghiệm tới thực tế, góp phần kiến tạo môi trường sống xanh, sạch và an toàn cho cộng đồng.

Còn “khoảng trống” từ nghiên cứu tới thực tiễn

Tại phiên họp buổi chiều Hội nghị triển khai “Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia” trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường, do Bộ Nông nghiệp và Môi trường tổ chức, chiều 10/5, ông Hải đã chia sẻ chi tiết về những thành tựu, thuận lợi, khó khăn cũng như định hướng phát triển khoa học công nghệ môi trường giai đoạn tới.

Theo ông Hải, trong thời gian, các nhiệm vụ khoa học công nghệ về môi trường qua đều được thực hiện bài bản, kết hợp giữa kế thừa thành tựu trước đây và cập nhật những tiến bộ mới. Kết quả từ các đề tài nghiên cứu không chỉ đóng góp cho công tác quản lý, đào tạo mà còn cung cấp cơ sở khoa học cho việc hoàn thiện chính sách, pháp luật, nhất là Luật Bảo vệ môi trường 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Với việc ứng dụng công nghệ hiện đại trong xử lý và quan trắc môi trường, ông Hải cho biết một loạt công nghệ xử lý nước thải, khí thải và chất thải rắn đã được phát triển, thử nghiệm thành công, mở đường cho việc nhân rộng và ứng dụng thực tiễn.

Các công nghệ tiêu biểu góp phần cải thiện môi trường cũng đã được triển khai như: Xử lý nước thải bằng phương pháp sinh học, hóa lý; xử lý khí thải bằng phương pháp khô và ướt; xử lý rác thải bằng nhiệt phân, đốt rác phát điện, tái chế bùn thải thành vật liệu xây dựng và năng lượng tái tạo theo mô hình kinh tế tuần hoàn.

Đặc biệt, nhiều thiết bị hiện đại phục vụ quan trắc đã được chế tạo trong nước, như thiết bị đo nồng độ Ozon, thiết bị đo bụi mịn PM2.5 và PM10 tích hợp cảm biến vi khí hậu. Việc sử dụng mô hình hóa và ảnh vệ tinh để xác định nguồn phát thải là một bước tiến lớn trong công tác giám sát và cảnh báo môi trường.

moi-truong.jpg
Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Xuân Hải, Phó Cục trưởng Cục Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) phát biểu tại hội nghị.

Về hỗ trợ xây dựng hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn môi trường, tính đến nay, đã có 33 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia được áp dụng trong lĩnh vực môi trường, giúp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và kiểm soát ô nhiễm. Các nghiên cứu khoa học công nghệ cũng là nền tảng quan trọng để xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật mới, phù hợp với thực tiễn sản xuất và nhu cầu bảo vệ môi trường.

“Đặc biệt, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 cũng đã tạo hành lang pháp lý thuận lợi để thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao công nghệ,” ông Hải nhấn mạnh.

Tuy vậy, đại diện lãnh đạo Cục Môi trường cũng thẳng thắn chỉ ra một loạt khó khăn, tồn tại như nguồn nhân lực còn hạn chế cả về chất lượng và số lượng, thiếu các chuyên gia công nghệ có kinh nghiệm; cơ chế chính sách chưa đủ mạnh để thu hút nhân tài, khuyến khích đổi mới sáng tạo; kinh phí đầu tư cho nghiên cứu còn thấp, chủ yếu tập trung vào các vấn đề cấp bách mà thiếu nghiên cứu chuyên sâu, dài hạn.

Điều mà ông Hải trăn trở, băn khoăn nhất là tỷ lệ ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn chưa cao. Thậm chí, theo ông Hải, nhiều đề tài mới chỉ dừng ở mô hình thí điểm, thiếu sự liên kết với doanh nghiệp để thương mại hóa công nghệ.

Ngoài ra, còn tồn tại các vấn đề như cơ sở vật chất kỹ thuật lạc hậu, thiếu hệ thống dữ liệu khoa học số hóa và hợp tác quốc tế chưa tương xứng với tiềm năng.

Biến kết quả nghiên cứu thành dịch vụ thực tiễn

Trước những yêu cầu mới của phát triển bền vững và hội nhập quốc tế, Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Xuân Hải, Phó Cục trưởng Cục Môi trường cho rằng việc thúc đẩy hoạt động nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực môi trường cần đi theo hai định hướng trọng tâm. Thứ nhất là tiếp tục làm rõ cơ sở lý luận, thực tiễn cho xây dựng chính sách quản lý môi trường, cập nhật các xu hướng mới như kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải carbon và công nghệ số trong quản lý môi trường.

Định hướng thứ hai, theo ông Hải là cần đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng công nghệ xử lý chất thải, quan trắc, tái chế, đặc biệt là công nghệ tiết kiệm năng lượng, công nghệ sạch, công nghệ thu hồi tài nguyên và năng lượng từ rác thải.

Ngoài ra, ông Hải cũng kiến nghị cần tăng đầu tư cho khoa học công nghệ môi trường, đặc biệt là các phòng nghiên cứu, phòng thí nghiệm chuyên sâu; thực hiện các dự án trọng điểm, tập trung vào công nghệ xử lý ô nhiễm, sản xuất sạch, quan trắc thông minh và số hóa dữ liệu môi trường; thúc đẩy liên kết giữa nhà quản lý - nhà khoa học - nhà đầu tư - doanh nghiệp, biến các kết quả nghiên cứu thành sản phẩm, dịch vụ thực tiễn; tạo cơ chế tài chính linh hoạt, chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu thử nghiệm, hướng tới các giải pháp có tính ứng dụng và thương mại hóa cao.

giao-su-tien-sy-nguyen-viet-anh.jpg
Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Xuân Hải, Phó Cục trưởng Cục Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) phát biểu tại hội nghị.

“Khoa học, công nghệ không chỉ là nền tảng quan trọng trong quản lý và xử lý ô nhiễm mà còn là chìa khóa mở đường cho phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu và đô thị hóa nhanh chóng. Vì vậy, cần đột phá trong đầu tư, chính sách và hợp tác nhằm đưa kết quả nghiên cứu đi từ phòng thí nghiệm tới thực tế, góp phần kiến tạo môi trường sống xanh, sạch và an toàn cho cộng đồng,” ông Hải nói.

Trong khuôn khổ hội nghị, Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Việt Anh, Viện trưởng Viện Khoa học và Kỹ thuật Môi trường (Trường Đại học Xây dựng Hà Nội), cũng kiến nghị Nhà nước cần phát triển các chương trình khoa học công nghệ quy mô lớn, mang tính liên ngành và hệ thống đồng thời tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia nhằm tránh chồng chéo và tăng hiệu quả ứng dụng thực tiễn.

Dẫn ví dụ từ công nghệ xử lý chất ô nhiễm công nghiệp, ông Nguyễn Việt Anh cho rằng một trong những công nghệ nổi bật hiện nay là sử dụng bọt mịn và bọt siêu mịn để xử lý nước thải. Với kích thước chỉ từ vài micromet đến nanomet, các bọt khí này tạo ra diện tích tiếp xúc lớn, giúp tăng hiệu quả tách lọc và phân hủy chất ô nhiễm.

Theo ông Nguyễn Việt Anh, khi chất ô nhiễm vỡ ra, bọt siêu mịn giải phóng năng lượng, kích hoạt phản ứng sinh học và hóa học mà không cần hóa chất độc hại. Công nghệ này không chỉ thân thiện môi trường, mà còn giảm bùn thải, tiết kiệm chi phí vận hành và có thể ứng dụng linh hoạt trong công nghiệp và nông nghiệp tuần hoàn.

Song song đó, ông Việt Anh cho biết nhiều đơn vị cũng đang triển khai mô hình cá chỉ thị sinh học nhằm giám sát chất lượng nước sau xử lý. “Dựa trên phản ứng sinh học tự nhiên, nếu cá có biểu hiện bất thường như mất phương hướng, giảm ăn hay đổi màu da, điều đó cho thấy nước có dấu hiệu ô nhiễm. Các tín hiệu này được ghi nhận tự động, giúp cảnh báo sớm và kịp thời điều chỉnh hệ thống xử lý,” ông nói.

Theo Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Việt Anh, việc kết hợp công nghệ bọt siêu mịn với chỉ thị sinh học, cảm biến thời gian thực và nền tảng dữ liệu số sẽ tạo ra hệ thống cảnh báo thông minh, nâng cao năng lực kiểm soát rủi ro môi trường./.

(Vietnam+)

Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/giai-quyet-o-nhiem-can-tang-dau-tu-dua-ket-qua-tu-phong-thi-nghiem-vao-thuc-te-post1037762.vnp


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Nhiều bãi biển ở Phan Thiết rợp cánh diều gây ấn tượng cho du khách
Lễ duyệt binh Nga: Những góc quay 'tuyệt đối điện ảnh' khiến người xem sửng sốt
Xem lại tiêm kích Nga trình diễn ngoạn mục trong Lễ kỷ niệm 80 năm Ngày Chiến thắng
Cúc Phương vào mùa bướm – khi rừng già hóa thành chốn cổ tích

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm