Chiều 10.5, tiếp tục kỳ họp thứ 9, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Quy hoạch.
'Nước ngoài quy hoạch dài hạn chứ không phải 5 - 10 năm lại sửa'
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại thảo luận tổ
ẢNH: PHẠM THẮNG
Phát biểu thảo luận tại tổ, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nói luật Quy hoạch được ban hành năm 2017, sau đó Chính phủ, bộ, ngành, địa phương đã có văn bản hướng dẫn, triển khai, song "đến giờ nhiều vấn đề vẫn ách tắc".
Tuy nhiên, theo Chủ tịch Quốc hội, lần sửa đổi luật Quy hoạch lần này không phải sửa toàn diện mà nhằm hoàn thiện hệ thống quy hoạch, phục vụ việc sắp xếp sáp nhập đơn vị hành chính, xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp.
Yêu cầu là phải sửa đổi luật Quy hoạch sao cho phù hợp, đặc biệt phải đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tránh tình trạng như vừa qua, danh mục dự án Quốc hội quyết rồi nhưng địa phương vẫn phải làm việc với các bộ, ngành để xin thay đổi quy hoạch sử dụng đất.
Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh quy hoạch phải bảo đảm tính minh bạch và đồng bộ. Phải quy định công khai thông tin quy hoạch, lấy ý kiến nhân dân thực chất, nhất là nhóm chịu tác động trực tiếp của quy hoạch. Cạnh đó, thiết lập cơ chế giám sát đảm bảo quy hoạch không bị điều chỉnh tùy tiện vì lợi ích cục bộ.
"Các đồng chí đi nước ngoài thấy một thành phố, tỉnh họ có cái sa bàn quy hoạch, triển lãm và người dân được vào xem. Họ quy hoạch này dài hạn chứ không phải 5 - 10 năm lại sửa. Nhiều địa phương ở mình, bí thư, chủ tịch nhiệm kỳ này quy hoạch như thế này, đến nhiệm kỳ sau, bí thư, chủ tịch sau lên lại thay đổi, bổ sung", Chủ tịch Quốc hội nêu, và nhấn mạnh nếu không minh bạch, đồng bộ thì dẫn đến tình trạng quy hoạch liên tục bị thay đổi.
"Đây là vấn đề chúng ta phải có tính toán thật kỹ. Khi triển khai quy hoạch đòi hỏi tăng cường cơ chế thực thi và giám sát. Quy hoạch minh bạch, công khai, được sự giám sát của nhân dân, nhân dân đồng thuận thì tôi nghĩ rằng triển khai quy hoạch thực hiện sẽ tốt, khả thi", Chủ tịch Quốc hội nói.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý việc phân cấp, phân quyền phải chặt chẽ, đảm bảo quyền quyết định, giám sát của Quốc hội với nguồn lực có tầm quan trọng quốc gia
ẢNH: GIA HÂN
"Sửa gì sửa nhưng phải đảm bảo không vi hiến"
Về phân cấp, phân quyền trong lập, thẩm định, phê duyệt, triển khai và điều chỉnh quy hoạch, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh phải đổi mới mạnh mẽ để thực hiện phân cấp, phân quyền mạnh hơn theo chủ trương của Đảng.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, tại dự thảo luật lần này, dự kiến sẽ phân cấp thẩm quyền của Quốc hội cho Chính phủ trong việc xác định các vùng cần lập quy hoạch, quyết định quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia.
Cùng đó, sẽ phân cấp nhiều thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ cho bộ trưởng, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố như việc quyết định danh mục các dự án ưu tiên đầu tư trong kế hoạch thực hiện quy hoạch ngành, quốc gia, quy hoạch tỉnh; hay điều chỉnh quy hoạch ngành, quy hoạch tỉnh đối với quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị đánh giá cụ thể những vướng mắc thực tiễn dẫn trong việc thực hiện thẩm quyền quyết định, phê duyệt hoặc điều chỉnh quy hoạch để tiến hành sửa đổi.
"Trước đây đã điều chỉnh bằng một số nghị quyết của Quốc hội nhưng vẫn chưa thực hiện được. Luật, nghị quyết do chúng ta ban hành, nếu nó vướng, ách tắc chỗ nào thì chúng ta phải đứng ra sửa. Không phải ở đâu, nước ngoài ban hành mà luật này Quốc hội ban hành", Chủ tịch Quốc hội nói.
Cùng đó, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, khi phân cấp cho Chính phủ quyết định quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia cho Chính phủ thì cần nghiên cứu tích hợp một số nội dung quan trọng của 2 quy hoạch này vào nội dung quy hoạch tổng thể quốc gia. Điều này để đảm bảo quyền giám sát, quyết định của Quốc hội với nguồn lực có tầm quan trọng quốc gia. "Sửa gì sửa nhưng phải đảm bảo không vi hiến, tuân thủ theo Hiến pháp", Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Về việc rút ngắn quy trình điều chỉnh quy hoạch theo hướng giản lược các bước, không phải thực hiện việc thủ tục xin chủ trương điều chỉnh quy hoạch hay đánh giá môi trường chiến lược, Chủ tịch Quốc hội cho rằng sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ. Tuy nhiên, cần cân nhắc những điều chỉnh làm thay đổi quy mô, nội dung lớn.
"Chẳng hạn thay đổi định hướng phát triển mục tiêu sử dụng đất mà không đánh giá môi trường chiến lược sẽ tác động xấu tới môi trường, tiềm ẩn rủi ro cho phát triển bền vững. Nói gì nói, quy hoạch phải đảm bảo vùng trời, vùng biển, đảm bảo quốc phòng, an ninh, môi trường", Chủ tịch Quốc hội nói, và đề nghị cơ quan thẩm tra rà soát, làm rõ trường hợp nào phải trình Quốc hội, trường nào phải trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét.
Thanhnien.vn
Nguồn:https://thanhnien.vn/bi-thu-nhiem-ky-nay-quy-hoach-the-nay-bi-thu-sau-len-lai-thay-doi-185250510160045559.htm
Bình luận (0)