Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Giáo dục "chú tâm" trong gia đình

Trong bối cảnh xã hội ngày càng phát triển hiện đại, dường như con người ngày càng đối diện với những thách thức về tâm lý, cảm xúc và khả năng tập trung.

Báo Đắk LắkBáo Đắk Lắk08/05/2025

Sự phát triển của công nghệ, mạng xã hội cùng nhịp sống gấp gáp khiến không ít người, dù ở lứa tuổi nào cũng có thể rơi vào trạng thái căng thẳng, mất kết nối với bản thân và những người xung quanh. Thật dễ thấy những hình ảnh các thành viên của gia đình ngồi bên nhau trong quán cà phê hay quán ăn, thậm chí trong phòng sinh hoạt chung của gia đình mà mỗi người đều tập trung vào những thiết bị điện tử thay vì nói chuyện với nhau.

Đại gia đình cùng nhau ăn cơm vui vẻ. Ảnh Internet
Đại gia đình cùng nhau ăn cơm vui vẻ. Ảnh Internet

Thực trạng đó khiến cho khái niệm “chú tâm” (mindfulness) - một năng lực tâm trí có tính chất chữa lành và nuôi dưỡng con người từ bên trong - ngày càng được quan tâm như một phương pháp giáo dục toàn diện, bền vững. “Chú tâm” hay còn gọi là “tỉnh thức” là khả năng nhận biết rõ ràng và không phán xét những gì đang diễn ra trong hiện tại, từ cảm xúc, suy nghĩ, hành vi cho đến các kích thích từ môi trường. Trong giáo dục, “chú tâm” không chỉ đơn thuần là khả năng tập trung, mà còn là nền tảng để phát triển trí tuệ cảm xúc (EQ), khả năng tự điều chỉnh bản thân, kiểm soát cảm xúc và phát triển sự đồng cảm.

Trong thời đại số hóa, khi đời sống của trẻ em thường xuyên bị chi phối bởi các thiết bị điện tử, mạng xã hội và áp lực học tập thì năng lực “chú tâm” càng trở nên quan trọng. Một đứa trẻ có khả năng “chú tâm” sẽ biết cách sống chậm lại, lắng nghe nội tâm, tránh bị cuốn theo cảm xúc tiêu cực và từ đó có khả năng học tập, giao tiếp hiệu quả. Do đó, việc đưa giáo dục chú tâm vào môi trường sống, đặc biệt là trong gia đình không chỉ là một xu hướng mà còn là một nhu cầu mang tính chiến lược trong giáo dục toàn diện.

Gia đình là môi trường giáo dục đầu tiên có ảnh hưởng sâu rộng và lâu dài đến sự phát triển nhân cách của một con người. Nếu nhà trường là nơi truyền thụ kiến thức và kỹ năng thì gia đình lại là nơi hun đúc cảm xúc, đạo đức và thế giới nội tâm của trẻ. Trong việc giáo dục “chú tâm”, cha mẹ không chỉ là người dạy mà còn là người “thực hành" cùng với con, bằng chính lối sống và cách tương tác hằng ngày. Việc giáo dục “chú tâm” không đòi hỏi các phương pháp quá phức tạp hay yêu cầu cao về mặt tài chính. Điều cốt lõi là sự cam kết và ý thức của cha mẹ trong việc xây dựng lối sống trong gia đình.

Khi cha mẹ cùng con ăn cơm không vội vã, cùng con đi dạo mà không lướt điện thoại, cùng con thở chậm, cảm nhận vẻ đẹp của thiên nhiên hay đơn giản là chia sẻ cảm xúc một cách chân thành thì trẻ dần hình thành thói quen sống tỉnh thức và kết nối sâu sắc với cuộc sống. Ngược lại, trong những gia đình mà cha mẹ thường xuyên căng thẳng, phản ứng tiêu cực hoặc quá bận rộn với công việc, giao tiếp với con cái bị thay thế bằng các thiết bị công nghệ thì trẻ dễ rơi vào trạng thái rối loạn cảm xúc, mất tập trung và xa rời chính mình.

Vì vậy, giáo dục “chú tâm” trong gia đình không phải là một điều quá xa vời hay khó thực hiện. Nó bắt đầu từ những thay đổi nhỏ trong thái độ sống, trong cách cha mẹ hiện diện và tương tác cùng con cái mỗi ngày. Khi gia đình trở thành nơi gieo trồng “chú tâm”, không chỉ trẻ em được nuôi dưỡng một cách toàn diện mà chính xã hội cũng được xây dựng trên nền tảng của sự tỉnh thức, yêu thương và bình an.

Nguồn: https://baodaklak.vn/giao-duc/202505/giao-duc-chu-tam-trong-gia-dinh-a2c1850/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Những quán bún phở Hà Nội
Ngắm non xanh nước biếc Cao Bằng
Cận cảnh con đường đi bộ xuyên biển 'thoắt ẩn thoắt hiện' tại Bình Định
Tp. Hồ Chí Minh đang vươn mình thành một "siêu đô thị" hiện đại

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm