Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Mặn mòi vị biển nơi phố núi

Với sự tham dự của đoàn nghệ thuật đến từ tỉnh Phú Yên, chuỗi hoạt động văn hóa, nghệ thuật do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức tại TP. Buôn Ma Thuột trong dịp lễ 30/4 và 1/5 vừa qua tạo sự gắn kết sâu sắc giữa hai tỉnh, hai vùng đất tưởng như xa cách về địa lý nhưng lại gần nhau bằng tình người, văn hóa và khát vọng phát triển.

Báo Đắk LắkBáo Đắk Lắk08/05/2025

Hòa trong không khí tự hào của tháng Tư lịch sử, TP. Buôn Ma Thuột trở thành không gian hội tụ của những sắc màu văn hóa đặc sắc. Các hoạt động trải dài từ trình diễn nghệ thuật, trải nghiệm ẩm thực, trưng bày sản phẩm OCOP đến các trò chơi dân gian… mang lại cho người dân và du khách một kỳ lễ hội thực sự ý nghĩa, gắn liền với niềm tự hào dân tộc và tinh thần đoàn kết vùng miền.

Trong số đó, khu vực tổ chức trò chơi dân gian bài chòi của tỉnh Phú Yên đặc biệt thu hút sự chú ý. Bài chòi là một loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo, kết hợp giữa âm nhạc, thơ ca và diễn xướng, đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Những mái chòi tre dựng lên theo lối truyền thống, tiếng hô bài xen lẫn làn điệu dân ca hóm hỉnh của “anh hiệu” đã mang lại một trải nghiệm vừa vui nhộn vừa lắng đọng.

Khu vực tổ chức trò chơi dân gian bài chòi của tỉnh Phú Yên thu hút đông đảo người dân tham gia.

Chị Bùi Thị Duyên (phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột) chia sẻ: “Tôi từng nghe đến bài chòi nhưng chưa bao giờ được tham gia. Không ngờ nó lại vui và gần gũi đến vậy. Tôi rất mong trò chơi này sẽ tiếp tục được tổ chức nhiều hơn ở đây”.

Còn với chị Đoàn Thị Ánh Nguyệt (phường Tân Tiến, TP. Buôn Ma Thuột) lại là cả một vùng ký ức ùa về. Xa quê hơn 15 năm, chị vô cùng xúc động khi thấy một gian hàng chơi bài chòi trong khuôn khổ một hoạt động văn hóa. Giọng hô bài, những câu ca dân dã, những lá bài được vẽ thủ công… tất cả như đưa chị trở về những năm tháng ấu thơ ở miền quê Phú Yên thân thuộc. “Tôi nhớ như in những đêm trăng sáng, cả xóm quê tụ lại sân đình chơi bài chòi, người lớn, trẻ con cùng vui cười rộn rã”, chị Nguyệt bồi hồi kể. Đối với chị, bài chòi không đơn thuần là trò chơi dân gian mà là một phần hồi ức về miền quê yêu dấu trong tâm trí. Gian hàng bài chòi giữa lòng phố núi làm chị thấy như được gặp lại một phần quê hương, nơi chứa đầy những thanh âm và màu sắc thân quen.

Bên cạnh những tiết mục hòa tấu nhạc cụ dân tộc, hát múa do các diễn viên, nghệ sĩ của hai tỉnh Đắk Lắk và Phú Yên biểu diễn, phần trình diễn ẩm thực phi lê cá ngừ đại dương – đặc sản nổi tiếng của vùng biển Phú Yên cũng gây ấn tượng với du khách. Ngay trên sân khấu, các đầu bếp đến từ Hội đầu bếp Phú Yên đã khéo léo thể hiện kỹ thuật điêu luyện, biến mỗi lát cắt cá tươi sống thành nghệ thuật trình diễn ẩm thực thực thụ. “Chúng tôi mang đến Đắk Lắk không chỉ là đặc sản mà còn cả tinh thần và câu chuyện của vùng biển quê hương”, đầu bếp Nguyễn Mạnh Thuật bày tỏ.

Không khí của lễ hội là sự giao hòa giữa ẩm thực, âm nhạc, nghệ thuật trình diễn và sự hiếu khách của hai vùng đất. Nghệ nhân biểu diễn đàn đá Lê Mỹ Phụng xúc động nói: “Tôi rất tự hào khi được mang âm nhạc của Phú Yên đến vùng đất Tây Nguyên. Không chỉ là trình diễn, đây là cơ hội để tôi được chia sẻ tinh thần quê hương với khán giả Đắk Lắk”.

Du khách thích thú với màn trình diễn đàn đá của các nghệ nhân đến từ tỉnh Phú Yên.

Giữa không khí rộn ràng và sôi động, nhiều người dân lần đầu tiên có cơ hội trải nghiệm những hoạt động văn hóa độc đáo, mới mẻ. Chị Nguyễn Thị Kiều Minh, giáo viên Trường THPT Buôn Ma Thuột, chia sẻ rằng điều khiến chị ấn tượng nhất chính là cách mà các giá trị văn hóa của hai địa phương được kết nối một cách hài hòa và sinh động. Đây không chỉ là sân chơi giải trí cho người lớn mà còn là cơ hội quý báu để các em học sinh được tiếp cận với những giá trị văn hóa truyền thống, từ đó thêm yêu và tự hào về quê hương, đất nước.

Không dừng lại ở khía cạnh biểu diễn, các hoạt động văn hóa lần này còn mở ra hướng liên kết thiết thực giữa hai địa phương, từ du lịch đến thương mại đều được đặt trên nền tảng văn hóa bản địa và tinh thần hợp tác vùng miền.

Theo ông Nguyễn Lê Vũ, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Yên, việc tham gia sự kiện tại Đắk Lắk không chỉ giúp tỉnh Phú Yên giới thiệu được nét đẹp văn hóa, ẩm thực mà còn quảng bá những điểm đến du lịch đặc trưng; góp phần thu hút du khách trong dịp hè năm 2025.

Chuỗi hoạt động đã mang đến cho công chúng những trải nghiệm đậm đà bản sắc của hai tỉnh, không chỉ tạo không khí sôi động trong dịp lễ 30/4, 1/5 mà còn truyền đi thông điệp về sự gắn kết, đồng hành phát triển. Khi đại ngàn và biển cả cùng hòa nhịp, đó cũng là lúc văn hóa trở thành cầu nối mạnh mẽ nhất – nối quá khứ với hiện tại, nối những vùng đất và nối những tấm lòng.

Nguồn: https://baodaklak.vn/van-hoa-du-lich-van-hoc-nghe-thuat/202505/man-moi-vi-bien-noi-pho-nui-94f183b/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Những quán bún phở Hà Nội
Ngắm non xanh nước biếc Cao Bằng
Cận cảnh con đường đi bộ xuyên biển 'thoắt ẩn thoắt hiện' tại Bình Định
Tp. Hồ Chí Minh đang vươn mình thành một "siêu đô thị" hiện đại

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm