Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Tạo việc làm - giải pháp giúp bệnh nhân điều trị methadone thành công

Thời gian qua, chương trình điều trị thay thế các chất dạng thuốc phiện bằng methadone đã mang lại nhiều kết quả tích cực.

Báo Đắk LắkBáo Đắk Lắk08/05/2025

Tuy nhiên, vẫn xảy ra tình trạng nhiều bệnh nhân tái nghiện ma túy hoặc bỏ điều trị giữa chừng mà một trong những nguyên nhân quan trọng nhất chính là do bệnh nhân không có việc làm ổn định.

Sau khi quyết tâm cai nghiện bằng methadone, người bệnh rất cần một cuộc sống mới để giữ mình trước những cám dỗ cũ. Thế nhưng, khi không có công ăn việc làm, họ dễ rơi vào tâm trạng bi quan, tự ti và bị cô lập khỏi cộng đồng. Việc thiếu thu nhập ổn định kéo theo áp lực kinh tế khiến không ít người trở lại con đường nghiện ngập chỉ để “giải tỏa” hoặc tạm quên thực tại.

Là cán bộ y tế công tác tại cơ sở điều trị methadone, chúng tôi chứng kiến nhiều bệnh nhân khởi đầu đầy quyết tâm song dần buông xuôi vì thất nghiệp, không có thu nhập ổn định. Một bệnh nhân tại huyện Cư M’gar chia sẻ: “Em uống thuốc đều, nhưng mấy tháng rồi không ai thuê làm việc gì, đói quá là lại quay về hút. Lúc đó chỉ nghĩ làm sao cho qua ngày thôi”. Một trường hợp khác ở xã Cư Êbur (TP. Buôn Ma Thuột) từng duy trì điều trị gần hai năm nhưng khi biết anh từng nghiện ma túy thì bị đuổi việc. Chỉ sau vài tuần mất việc, anh đã tái nghiện và ngừng điều trị. Những trường hợp trên không phải cá biệt, mà là thực tế phổ biến trong nhóm bệnh nhân methadone ở các vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.

Một bệnh nhân điều trị methadone làm nghề lái xe công nghệ.

Thực tế, qua theo dõi bệnh nhân điều trị methadone, các bác sĩ Khoa Phòng, chống HIV/AIDS (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) nhận thấy, những người có công việc ổn định như phụ hồ, làm vườn, chạy xe công nghệ, bán cà phê mang đi... thường có tinh thần tích cực, tuân thủ tốt lịch uống thuốc, giữ lối sống lành mạnh và hầu như không tái nghiện. Theo thống kê, tính đến ngày 29/4/2025, toàn tỉnh có 176 bệnh nhân đang điều trị methadone; trong số đó, hơn 75% số bệnh nhân có việc làm ổn định. Một nghiên cứu năm 2023 tại Đắk Lắk cho thấy: tỷ lệ tuân thủ điều trị đầy đủ 12 tháng ở nhóm có việc làm đạt 86%, trong khi nhóm thất nghiệp chỉ đạt khoảng 57%.

Rõ ràng, việc làm không chỉ là sinh kế, mà còn là yếu tố then chốt trong thành công lâu dài của điều trị methadone. Khi có việc làm, bệnh nhân không chỉ có thu nhập mà còn tìm lại được ý nghĩa cuộc sống, thêm tự tin, tạo thói quen sống kỷ luật và lành mạnh. Họ cảm thấy mình có ích cho gia đình, được cộng đồng công nhận và dần xóa bỏ mặc cảm quá khứ. Điều này tác động mạnh đến khả năng phục hồi tâm lý và tăng tỷ lệ duy trì điều trị.

Tuy vậy, hiện nay cơ hội việc làm cho người điều trị cai nghiện vẫn gặp nhiều rào cản từ định kiến xã hội, thiếu chính sách hỗ trợ doanh nghiệp “thân thiện”, bản thân người bệnh hạn chế về tay nghề, học vấn thấp và thiếu tự tin để bắt đầu lại. Nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất e ngại tuyển dụng người đang hoặc từng điều trị cai nghiện vì sợ rủi ro. Điều này khiến bệnh nhân bị cô lập, khó có cơ hội hòa nhập bền vững.

Để tháo gỡ các rào cản này, rất cần sự chung tay từ chính quyền, doanh nghiệp, tổ chức xã hội và cộng đồng. Một số giải pháp thiết thực bao gồm: tổ chức các khóa đào tạo nghề ngắn hạn phù hợp với thể trạng người bệnh và điều kiện địa phương như sửa chữa, may mặc, nông nghiệp, thủ công mỹ nghệ; chính quyền cần khuyến khích doanh nghiệp tuyển dụng người điều trị cai nghiện bằng chính sách ưu đãi thuế, truyền thông giảm kỳ thị và hỗ trợ kỹ năng làm việc; phát triển mô hình sinh kế cộng đồng, tổ hợp tác lao động tại địa phương, với môi trường thân thiện và thời gian linh hoạt... Cùng với đó tăng cường truyền thông, giáo dục cộng đồng, để xóa bỏ định kiến và tạo môi trường cởi mở giúp người bệnh phục hồi; lồng ghép hỗ trợ việc làm trong chính sách điều trị nghiện tại địa phương để bảo đảm tính bền vững.

Hành trình phục hồi của người nghiện không dừng lại ở thuốc methadone mỗi sáng. Để đoạn tuyệt hoàn toàn với ma túy, họ cần nhiều hơn thế: một mái nhà, một công việc ổn định, một cộng đồng sẵn sàng đón nhận. Việc làm không chỉ là phương tiện mưu sinh mà còn là liều thuốc tinh thần mạnh mẽ nhất giúp họ tiếp tục sống lành mạnh, sống có ích, làm lại cuộc sống.

Nguồn: https://baodaklak.vn/xa-hoi/202505/tao-viec-lam-giai-phap-giup-benh-nhan-dieu-tri-methadone-thanh-cong-ca41877/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Những quán bún phở Hà Nội
Ngắm non xanh nước biếc Cao Bằng
Cận cảnh con đường đi bộ xuyên biển 'thoắt ẩn thoắt hiện' tại Bình Định
Tp. Hồ Chí Minh đang vươn mình thành một "siêu đô thị" hiện đại

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm