Những người thợ đặc biệt
Ở tuổi 79 nhưng Tiến sĩ Nguyễn Kim Hiệu, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, vẫn nhớ như in về khoảng thời gian cùng đồng đội xây Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Với ông, đó là niềm tự hào, một ký ức không thể nào quên.
Năm 1971, ông Hiệu tốt nghiệp Khoa Điện, Đại học Bách khoa Hà Nội rồi tham gia quân đội. Ông được phân công về nhà máy Z1 thuộc Cục Quân giới, Tổng cục Hậu cần, Bộ Quốc phòng. Nhờ thành tích tốt trong công tác, ông được cử đi bồi dưỡng quân sự, chính trị tại Trường Sĩ quan Lục quân 1. Tốt nghiệp, ông Hiệu được phong quân hàm Chuẩn úy.
Ông Nguyễn Kim Hiệu với Bằng khen của Ban phụ trách xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (Ảnh: Quốc Triều).
Tháng 5/1972, ông Hiệu nhận nhiệm vụ về công tác tại Trung đoàn 259B thuộc Bộ Tư lệnh Công binh.
"Về đây tôi mới biết mình được lựa chọn để tham gia xây một công trình đặc biệt là Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tôi tham gia công việc này từ năm 1973 đến năm 1978", ông Nguyễn Kim Hiệu chia sẻ.
Công trình xây dựng Lăng Bác được giữ bí mật tuyệt đối. Những người được lựa chọn tham gia xây lăng cần đảm bảo tiêu chuẩn về chính trị, có trình độ chuyên môn cao ở nhiều lĩnh vực khác nhau.
Trong quá trình xây Lăng Bác, ông Hiệu được phân công giữ chức Đội phó rồi Đội trưởng Đội điện và tự động Đoàn 195.
Giai đoạn đầu, ông Hiệu được tiếp cận, nghiên cứu các tài liệu kỹ thuật liên quan đến công trình xây dựng Lăng Bác. Đây là những kỹ thuật, công nghệ tiên tiến trên thế giới lúc bấy giờ.
Ông Nguyễn Kim Hiệu thời điểm tham gia xây dựng Lăng Bác (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Cùng với việc nghiên cứu tài liệu, ông cùng nhiều cán bộ khác được giao nhiệm vụ tuyển chọn công nhân cho các tổ, đội kỹ thuật phục vụ việc xây lăng.
Những người này được lựa chọn từ các quân, binh chủng khác nhau của Bộ Quốc phòng. Đây là những người có tay nghề giỏi, thợ bậc 3 trở lên và đảm bảo về tiêu chuẩn chính trị.
Thành viên các đội kỹ thuật là những người có tay nghề cao tại đơn vị công tác. Tuy nhiên, để đáp ứng được yêu cầu tham gia xây Lăng Bác, họ phải được tập huấn, đào tạo lại để tiếp cận với những công nghệ tiên tiến.
Sau đó, những người này được chuyên gia giỏi đầu ngành sát hạch. Những ai vượt qua được các bài sát hạch phức tạp mới được trực tiếp tham gia vào quá trình xây dựng lăng.
Giấy chứng nhận đặc biệt có ký tự AA in chìm
Theo ông Hiệu, công trình xây Lăng Bác cần được đảm bảo bí mật. Nhiệm vụ đảm bảo an ninh được giao cho Bộ Công an phụ trách. Những người tham gia xây lăng được cấp một giấy chứng nhận đặc biệt của Ban Bảo vệ công trình xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Giấy chứng nhận này có thông tin cá nhân cùng những ký hiệu riêng để phân biệt cấp độ an ninh. Hơn 52 năm qua, ông Hiệu vẫn gìn giữ giấy chứng nhận là Đội Phó Đội điện và tự động.
Trên giấy chứng nhận của ông Hiệu có ký tự AA được in chìm. Đây là giấy chứng nhận cấp cho người được ra vào những vị trí quan trọng nhất trong công trình xây dựng Lăng Bác.
Công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được thực hiện trong giai đoạn đất nước còn chiến tranh nên gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn. Thế nhưng, những người tham gia xây Lăng Bác đã vượt qua mọi thử thách để thực hiện nhiệm vụ với quyết tâm cao nhất.
Tại vị trí số 0088 có ký tự AA được in chìm nhưng nay đã mờ (Ảnh: Quốc Triều).
Trong quá trình xây Lăng Bác, Đội điện và tự động đã lập nhiều thành tích xuất sắc, trong đó có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật.
"Chúng tôi làm việc không chỉ bằng bàn tay, khối óc mà còn bằng tất cả tình cảm thiêng liêng đối với Bác Hồ", ông Hiệu chia sẻ.
Tháng 5 đến tháng 9/1975, các lực lượng xây lăng phải làm việc 2-3 ca để kịp hoàn thành lăng phục vụ cán bộ, bộ đội, nhân dân viếng Bác vào dịp Lễ Quốc khánh 2/9. Khối lượng công việc lớn, đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật cao, tiến độ lại gấp rút. Thế nhưng những người tham gia xây dựng Lăng Bác vẫn hoàn thành công việc đúng tiến độ được giao.
Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Quảng trường Ba Đình (Ảnh: Toàn Vũ).
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, ông Nguyễn Kim Hiệu được Ban phụ trách xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng bằng khen
"Với chúng tôi, được góp sức xây Lăng là một niềm tự hào cho cả cuộc đời. Chúng tôi mang theo niềm tự hào này để làm động lực cho quá trình công tác, cống hiến cho đất nước về sau", ông Hiệu chia sẻ.
Sau khi Lăng Bác hoàn thành, ông Hiệu được phân công tham gia việc vận hành hệ thống điện tại đây. Một thời gian sau, ông được đơn vị cho thi tuyển chọn đi Liên Xô nghiên cứu sinh.
Năm 1984, ông Hiệu hoàn thành chương trình và về nước tham gia công tác giảng dạy. Một thời gian sau, ông về công tác tại Công ty Điện lực 3 trước khi về quê hương Quảng Ngãi làm việc.
Từ năm 2001 đến năm 2006, Tiến sĩ Nguyễn Kim Hiệu được bầu giữ chức Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi. Rời vị trí Chủ tịch tỉnh, ông Hiệu tiếp tục làm việc tại Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Quảng Ngãi. Năm 2018, Tiến sĩ Nguyễn Kim Hiệu nghỉ hưu.
Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh chính thức khởi công ngày 2/9/1973, đến ngày 2/9/1975 đã hoàn thành và đi vào hoạt động.
Lăng Bác là một công trình kiến trúc đồ sộ, uy nghi. Lăng cao 21,6m, bề mặt rộng 31m.
Tối 18/7/1975, đoàn xe đặc biệt chở thi hài Bác đã về tới Quảng trường Ba Đình. Các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước đã chờ sẵn đón Bác vào lăng yên giấc vĩnh hằng.
Dantri.com.vn
Nguồn:https://dantri.com.vn/xa-hoi/giay-chung-nhan-dac-biet-co-ky-tu-in-chim-cua-nguoi-tham-gia-xay-dung-lang-bac-20250517130448355.htm
Bình luận (0)