• Ðặc sắc ẩm thực người Hoa
  • Người Hoa TP Cà Mau Trao niềm vui từ hoạt động tương tế
  • Cộng đồng người Hoa làm tốt hoạt động an sinh
  • Mỹ thực của người Hoa Cà Mau

Với sự hỗ trợ thiết thực từ các cấp, ngành, đặc biệt là Sở Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Cà Mau, các lớp tiếng Hoa như tại Trung tâm Dục Tài được tổ chức thường xuyên, bài bản. Hiện trung tâm có hai khối lớp, 114 học viên và 6 giáo viên giảng dạy luân phiên.

Thầy Lâm Tấn Lộc, giáo viên lớp tiếng Hoa, cho biết: “Một khoá học gồm 10 tuần. Chúng tôi duy trì 2 lớp dành cho trẻ em từ 6-11 tuổi với giáo trình Hoa ngữ quyển 1 và 2. Còn với người lớn, cũng liên tục mở lớp với giáo trình HK1, HK2 và HK3. Chúng tôi chủ yếu truyền đạt giúp học viên nghe và nói tốt, nhận dạng con chữ và ghi nhớ mặt chữ. Các thầy cô ở đây đều có kinh nghiệm giảng dạy nhiều năm nên việc truyền thụ kiến thức rất tốt”.

Lớp học tiếng Hoa quy tụ khá đông học viên là con em người Hoa tham gia.

Các lớp dạy tiếng Hoa không chỉ thu hút con em người Hoa đến học mà cả người Kinh nếu có nhu cầu vẫn có thể đăng ký học, với mức học phí mang tính tượng trưng. Mục đích của các lớp dạy chữ Hoa là lưu truyền con chữ của dân tộc trong cộng đồng người Hoa tại Cà Mau và giúp ích cho những người có nhu cầu sử dụng tiếng Hoa trong làm việc và giao tiếp khi xuất ngoại du lịch hay công tác.

Em Tiêu Hoàng Yến, 7 tuổi, học viên lớp tiếng Hoa giáo trình Hoa ngữ quyển 1, chia sẻ: “Cha mẹ cho em đến lớp học để có thể giao tiếp trong gia đình, có thể đọc được sách của ông bà để lại. Ngày thường em có nghe các thành viên trong nhà nói tiếng Hoa nên cũng quen tai, học khá dễ”.

Sự quan tâm của tỉnh không dừng lại ở việc hỗ trợ duy trì lớp học mà còn mở rộng sang các lĩnh vực khác. Hằng năm, Sở Dân tộc và Tôn giáo còn tổ chức gặp gỡ, giao lưu, trao đổi nắm thông tin, tâm tư, nguyện vọng, tình hình hoạt động của các hội, đoàn đồng bào Hoa trên địa bàn. Từ đó, góp phần tăng cường xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo lòng tin vững chắc cho đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và đồng bào dân tộc Hoa nói riêng đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý điều hành của Nhà nước và chính quyền địa phương.

Lớp tiếng Hoa được trang bị màn hình, tạo thuận lợi cho việc dạy và học.

Bà Nguyễn Thu Tư, Giám đốc Sở Dân tộc - Tôn giáo, cho biết: “Thời gian tới, Sở Dân tộc và Tôn giáo dự kiến phối hợp với các sở, ngành cấp tỉnh có liên quan nghiên cứu, đề xuất thêm một số cơ chế hỗ trợ khác, giúp cộng đồng người Hoa tại Cà Mau phát triển hơn nữa văn hoá và bảo tồn ngôn ngữ, chữ viết của dân tộc, như: phối hợp với Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch nghiên cứu phát triển tour, tuyến du lịch văn hoá đặc thù, khai thác giá trị văn hoá người Hoa tại các hội quán, di tích, sinh hoạt lễ, hội để phục vụ du khách. Đồng hành trong nâng cấp, tu bổ các di tích kiến trúc đặc trưng cộng đồng Hoa như: hội quán, đình... đảm bảo tính thẩm mỹ và bản sắc văn hoá”.

Cùng với đó, chú trọng tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ phụ trách công tác dân tộc các cấp; lồng ghép nội dung bảo tồn chữ viết, ngôn ngữ dân tộc trong các khoá đào tạo nghiệp vụ văn hoá cơ sở. Kêu gọi các tổ chức xã hội, doanh nghiệp tham gia hỗ trợ bảo tồn di sản văn hoá người Hoa thông qua hoạt động bảo tồn di tích, tài trợ lớp học chữ, chương trình văn nghệ dân tộc. Đặc biệt là tạo điều kiện cho đồng bào Hoa chủ động đề xuất, phối hợp và tham gia các hoạt động tại cộng đồng, hướng đến bảo tồn ngôn ngữ, chữ viết và văn hoá một cách bài bản và lâu dài”.

Lam Khánh

Nguồn: https://baocamau.vn/gin-giu-con-chu-vun-boi-ban-sac-a114496.html