Dưới làn bom đạn, 187 chiến sĩ Sư đoàn 10 – Quân đoàn 3 và các đơn vị hiệp đồng tác chiến đã anh dũng hy sinh, góp phần làm nên chiến công mở toang cánh cửa xuống đồng bằng…
Những ngày tháng Ba lịch sử trên mặt trận Tây Nguyên, ngay sau khi phá rã Sư đoàn 23 ngụy ở Phước An - Chư Cúc, Sư đoàn 10 hành quân theo trục đường 21 tiến vào giải phóng quận lỵ Khánh Dương (xã M’Drắk ngày nay).
Với mưu đồ lật ngược thế cờ, chính quyền Thiệu đã điều ngay Lữ đoàn dù 3 chiếm giữ đèo Phượng Hoàng, chặn đường tiến công của quân ta. Kế hoạch tác chiến của địch rất bài bản, phân thành 3 cụm phòng thủ trên khoảng 30 km dọc đường 21 với điểm đầu là đèo M’Drắk, điểm cuối ở dưới chân đèo Phượng Hoàng.
Địch nhanh chóng củng cố công sự, hầm hào, đặt trận địa pháo ở các eo núi, ngụy trang xe tăng, thiết giáp ven đường. Yểm trợ cho các tiểu đoàn dù còn có hỏa lực từ hướng Dục Mỹ và đội hình không quân sẵn sàng dội bom bất cứ vị trí nào chúng nghi ngờ có bộ đội ta.
Trước đội quân kẻ thù dày dặn kinh nghiệm lại có ưu thế pháo binh, không quân cùng địa hình hiểm trở, bộ đội ta không dùng cách đánh trực diện như đối với Sư đoàn 23 ngụy mà tổ chức thế trận đánh chia cắt địch. Các Trung đoàn 66, 28, 24 của Sư đoàn 10 được cơ động về phía Tây dãy Chư Tô, các lực lượng khác cũng thần tốc mở đường, luồn rừng hành quân, đưa các loại pháo vào sát trận địa địch, cài thế bao vây, chia cắt Tiểu đoàn dù 5 và Tiểu đoàn dù 6 ngụy.
Cựu chiến binh Phan Văn Chung kể về những hy sinh, mất mát của đồng đội trong trận đánh đèo M'Drắk - Phượng Hoàng năm 1975. |
Sau gần một tuần làm công tác chuẩn bị, ngày 29/3/1975, quân ta đồng loạt nổ súng tấn công hai cụm phòng thủ của Tiểu đoàn dù 5, Tiểu đoàn dù 6 và nhanh chóng chiếm thế áp đảo. Quân dù tháo chạy về hướng Đông theo tuyến đường 21 và rơi vào các trận địa phục kích đón sẵn của quân ta. 15 giờ ngày 30/3/1975, quân ta tiêu diệt Tiểu đoàn dù 5 và chiếm được đèo M’Drắk. Phía đèo Phượng Hoàng, Tiểu đoàn dù 6 chống trả quyết liệt, quân ta nhanh chóng triển khai đội hình pháo binh khống chế trận địa pháo địch và đánh trả không cho máy bay sà xuống thấp ném bom. Cũng trong chiều 30/3/1975, Tiểu đoàn dù 6 cơ bản bị quân ta xóa sổ.
Sáng 31/3/1975, địch điều Tiểu đoàn 72 biệt động quân, chi đội xe thiết giáp, Tiểu đoàn dù 2 cùng máy bay, hỏa lực từ nhiều phía đánh vào trận địa quân ta. Thế trận giằng co quyết liệt nhưng không phá được vòng vây nhiều lớp của Sư đoàn 10. Đúng 7 giờ sáng 1/4/1975, quân ta đánh vào Sở chỉ huy Lữ đoàn dù 3, phá rã hoàn toàn lực lượng tinh nhuệ nhất của địch, hành tiến thẳng xuống đồng bằng giải phóng Nha Trang và quân cảng Cam Ranh.
50 năm trôi qua nhưng ký ức của ông Phan Văn Chung, cựu chiến binh Sư đoàn 10 vẫn vang vọng những ngày hành tiến đánh trận trên tuyến đường 21. Ông Chung kể, lính Sư đoàn 10 lúc bấy giờ đa phần là lính trẻ xung phong đi bộ đội. Ai nấy đều sục sôi ý chí đánh giặc với khát khao được nhìn thấy ngày non sông liền một dải. Trong trận đánh đèo M’Drắk – Phượng Hoàng, dù quân ta đã đập tan hoàn toàn một đội quân hùng mạnh của địch nhưng đã có 187 chiến sĩ anh dũng hy sinh. Dưới làn bom đạn, nhiều liệt sĩ đã hòa máu xương vào mảnh đất thiêng, không thể nào quy tập được hài cốt.
Sau chiến tranh, ông Chung trở về quê, lập gia đình rồi lại xung phong vào Tây Nguyên theo đoàn kinh tế mới. Cơ duyên làm sao, ông được phân đến vùng rừng núi M’Drắk, bắt đầu hành trình khai khẩn đất hoang. Mỗi khi đi dọc Quốc lộ 26 hay nhìn thấy dấu tích những hầm hào, công sự trên ngọn núi gần nhà, nỗi nhớ đồng đội cùng tháng ngày chiến đấu hào hùng cứ mãi theo ông, khiến ông day dứt…
Năm 2019, Ban liên lạc bạn chiến đấu Sư đoàn 10 đã phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng Nhà bia tưởng niệm tại khu vực đèo M’Drắk – nơi mở màn trận đánh năm xưa. Công trình nằm trên diện tích gần 5.000 m2 với các hạng mục: nhà tưởng niệm, bia ghi danh liệt sĩ, sân, bờ kè, đường nội bộ… Toàn bộ kinh phí cho đến việc tổ chức thi công đều do các thế hệ cựu chiến binh và cán bộ, chiến sĩ của Sư đoàn 10 đảm nhiệm. Ngày 5/10/2023, công trình đã được UBND tỉnh quyết định công nhận di tích cấp tỉnh với tên gọi “Di tích lịch sử Chiến thắng tại đèo M’Drắk – Phượng Hoàng năm 1975”.
“Di tích Lịch sử Chiến thắng tại Đèo M’Drắk – Phượng Hoàng năm 1975” nhìn từ hướng Quốc lộ 26. |
Với những người cựu chiến binh Sư đoàn 10 như ông Chung, từ lúc công trình được khởi công cho đến khi hoàn thành và được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh thực sự là một hành trình đầy cảm xúc. Dù tuổi cao, sức yếu nhưng ông Chung vẫn hăng hái cùng Trung tướng Trần Quốc Phú, Trưởng Ban liên lạc bạn chiến đấu Sư đoàn 10 và những người lính trẻ ăn ngủ ngay trên công trường thi công. Ông Chung cũng tự tay ươm trồng từng cây cau, mai rừng, hoa giấy… trồng quanh khuôn viên Nhà bia tưởng niệm, làm đẹp cảnh quan, an ủi vong linh đồng đội.
Từ khi hoàn thành đến nay, “Di tích lịch sử Chiến thắng tại đèo M’Drắk – Phượng Hoàng năm 1975” đã trở thành điểm hẹn tâm linh của những người cựu chiến binh Sư đoàn 10 trở về từ cuộc chiến năm xưa. Đây cũng là điểm đến trên hành trình tri ân của thế hệ trẻ. Lần theo từng cái tên liệt sĩ ngã xuống ở tuổi đôi mươi được khắc vào bia đá rồi phóng tầm mắt về phía những dãy núi điệp trùng của vùng đèo M’Drắk – Phượng Hoàng, ai nấy đều không khỏi bồi hồi, xúc động.
Các anh ơi/ Đồng đội ơi/ Nhà bia đã xong rồi/ Từ nay không còn hoang vắng nữa/ Ngôi nhà chung/ Ngôi nhà của những người lính một thời hoa lửa/ Xây trên những hố bom, đạn xới, pháo cày… - lời thơ ấy của cựu chiến binh Nguyễn Văn Sau khi vượt nghìn cây số vào dâng hương cho đồng đội đã nói thay cho lời của hàng trăm cựu chiến binh Sư đoàn 10. Và trên mảnh đất tươi xanh hôm nay, lớp lớp thế hệ trẻ sẽ mãi khắc ghi những hy sinh, mất mát của cha anh - những người không tiếc tuổi xanh, không tiếc máu xương hiến dâng cho tự do, độc lập của Tổ quốc…
Nguồn: https://baodaklak.vn/xa-hoi/202507/gio-ngan-nhac-mai-ten-anh-8c11a62/
Bình luận (0)