Những sáng tác về đề tài Bác Hồ bằng chất liệu gốm được trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh TP. Huế

Trong không gian Bảo tàng Hồ Chí Minh TP. Huế (7 Lê Lợi, phường Thuận Hóa) diễn ra trưng bày triển lãm gốm mỹ thuật với chủ đề “Huế với Bác Hồ”. 40 tác phẩm được trưng bày là kết quả được chọn lọc từ rất nhiều tác phẩm của 21 tác giả tham gia sáng tác.

Tất cả là những ý tưởng nghệ thuật cá nhân vô cùng độc đáo. Ở đó người xem xúc động trước tác phẩm “Soi sáng” của đôi vợ chồng họa sĩ Võ Quang Hoành, không chỉ đẹp ở những lá sen được nung từ gốm mà còn được soi sáng từ những ngọn đèn có hình ảnh của Người, 9 ngọn đèn, 9 đài sen thắp lên ngọn lửa vĩnh cửu soi sáng con đường cách mạng của dân tộc.

Với họa sĩ Lê Trung Kiên, Phan Thanh Hùng, lấy cảm hứng về cảm xúc trước những hy sinh thầm lặng của Người trên con đường bôn ba tìm đường cứu nước cho dân tộc, họ đã lần lượt cho ra đời các tác phẩm “Gạch nóng lòng son” và “Ánh hồng” gửi gắm nhiều tình cảm sâu sắc.

Chủ đề “Huế với Bác Hồ” đã thật sự gợi mở cho các tác giả thể hiện hình ảnh của Người thời niên thiếu ở Huế gắn liền với những địa danh, di tích in dấu chân Người ở vùng đất núi Ngự, sông Hương. Các tác phẩm “Bao la đất trời” (Nguyễn Thiện Đức), “Di tích lịch sử - văn hóa Nhà lưu niệm Dương Nỗ, Huế”, “Di tích nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Huế” (Phan Quang Tân), “Huế nhớ Bác” (Lê Phan Quốc), “Kết nối” (Phan Thanh Quang), “Dấu tích” (Tô Trần Bích Thúy), “Nụ cười”, “Non sông in bóng”, “Hương Sen dâng Người” (Lê Bá Cang)… đã đưa người xem dâng trào cảm xúc, niềm tự hào về vị lãnh tụ kính yêu.

Cùng với phù điêu và các tạo hình khác, tượng tròn cũng tạo nên điểm nhấn. Bộ 5 tác phẩm tượng của họa sĩ Hoàng Thanh Phong đã khắc họa chân dung người học trò Nguyễn Tất Thành với những năm tháng học ở Trường Quốc Học Huế, đến hình ảnh Bác ở Việt Bắc . Với cách tạo hình, làm chủ nhiệt độ nung và phủ men nhiều màu sắc khác nhau đã tạo nên những tác phẩm vô cùng sống động về Người. Cùng thể hiện dưới hình thức tượng tròn, “Nhớ Bác” (Hoàng Phi Hùng), “Chủ tịch Hồ Chí Minh” (Đỗ Văn Lân) lại có cách thể hiện riêng từ màu men, nét mặt, đôi mắt, nụ cười mang thần thái của lãnh tụ Hồ Chí Minh. Hay họa sĩ Võ Quang Phát, tác giả bức tranh gốm “Hồ Chí Minh - Mảnh ghép vĩnh cửu” lấy ý tưởng từ 135 mảnh gốm, mỗi mảnh gốm lại được tạo hình chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh qua mỗi giai đoạn, mỗi khoảnh khắc, mỗi sự kiện. 135 mảnh gốm được ghép lại thành bức chân dung lớn tượng trưng cho sự cống hiến, đóng góp của Người cho dân tộc Việt Nam.

Có thể nói, mỗi tác phẩm về Người là những góc nhìn nghệ thuật đặc sắc, sự thăng hoa trong sáng tác, cùng với kỹ thuật nung gốm, phủ men, tạo màu… đã tạo nên những tác phẩm đặc biệt kỷ niệm 135 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất.

Họa sĩ Nguyễn Thiện Đức – Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP. Huế đánh giá cao tinh thần sáng tạo và trách nhiệm xã hội của các nghệ sĩ. “40 tác phẩm đã quy tụ đầy đủ những dạng thức, định dạng của nghệ thuật gốm. Từ vẽ trên gốm, sắp đặt, tượng tròn… tất cả thể hiện ngôn ngữ gốm hiện đại, chuyển tải nhiều giá trị nghệ thuật sâu sắc mà các tác giả gửi gắm vào đó với lòng trân trọng, tình yêu bao la dành cho Bác Hồ”, ông Đức đánh giá.

Bà Lê Thị Thùy Chi, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh TP. Huế cho biết, đây là lần đầu tiên đơn vị phối hợp tổ chức trại sáng tác gốm mỹ thuật đề tài về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Các tác phẩm được trưng bày đều có chất lượng nghệ thuật tốt, sâu sắc về nội dung, phong phú sinh động về ý nghĩa và có nhiều tìm tòi, sáng tạo mới mẻ về hình thức thể hiện nhằm tạo nên những cách nhìn mới, đầy tính nhân văn về hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Theo bà Chi, thể hiện hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh là không đơn giản. Đối với người sáng tác, việc tránh lặp lại, tránh bị lôi cuốn theo lối mòn khô cứng hay rập khuôn luôn là tiêu chí hàng đầu trong sáng tạo nghệ thuật. Tuy nhiên, các họa sĩ, nhà điêu khắc đã vượt lên những khó khăn chung để sáng tạo và đạt được kết quả rất đáng ghi nhận.

“Sau khi kết thúc trưng bày (dự kiến vào cuối tháng 8), Bảo tàng sẽ bàn giao các tác phẩm lại cho tác giả. Tuy nhiên, Bảo tàng cũng sẽ lên kế hoạch sưu tập những tác phẩm xuất sắc trong số đó vào thời gian tới”, bà Chi chia sẻ.

Bài, ảnh: NHẬT MINH

Nguồn: https://huengaynay.vn/van-hoa-nghe-thuat/gom-nghe-thuat-ke-chuyen-bac-ho-155276.html