Công trình Trung tâm Chính trị Hành chính và công trình Trung tâm Hội nghị-Biểu diễn thành phố Hải Phòng. (Ảnh: Hoàng Ngọc/TTXVN)
Cách đây 70 năm, ngày 13/5/1955, những lính Pháp cuối cùng xuống tàu tại Bến Nghiêng, Đồ Sơn để rút khỏi miền Bắc theo Hiệp định Geneva. Hải Phòng được hoàn toàn giải phóng.
70 năm qua, Đảng bộ, quân và dân thành phố Hải Phòng đã không ngừng phấn đấu, nỗ lực xây dựng và phát triển, để Hải Phòng trở thành một trong những trung tâm kinh tế lớn của đất nước, là cực tăng trưởng trọng điểm khu vực phía Bắc.
Từ “Thành phố Trung dũng-Quyết thắng”
Hải Phòng là vùng đất đầu sóng, ngọn gió, “phên dậu” phía Đông của Tổ quốc, có vị thế chiến lược trong toàn bộ tiến trình đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Vùng đất này đã chứng kiến và góp phần làm nên những chiến thắng lừng lẫy như ba trận Bạch Đằng lịch sử.
Cuối thế kỷ thứ XIX, đầu thế kỷ thứ XX, với tư cách là “Cảng lớn của Bắc kỳ,” đầu mối giao thông quan trọng trên đường hàng hải quốc tế và là một trung tâm công nghiệp, Hải Phòng đã trở thành một trong những "cái nôi" đánh dấu sự ra đời của giai cấp công nhân và phong trào công nhân Việt Nam đấu tranh chống lại sự áp bức dân tộc và giai cấp của thực dân tư bản Pháp.
Là một trong những địa phương đầu tiên của cả nước tiếp thu chủ nghĩa Marx-Lenin do Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc truyền bá vào trong nước, Hải Phòng đã đóng vai trò quan trọng trong quá trình vận động thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam từ những năm 1925-1930.
Đầu tháng 4/1929, tổ chức cộng sản đầu tiên ở Hải Phòng ra đời. Tháng 4/1930, Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam thành phố Hải Phòng được thành lập, là một trong những đảng bộ ra đời sớm ở trong nước.
Từ khi có Đảng lãnh đạo, phong trào công nhân và phong trào yêu nước của nhân dân Hải Phòng diễn ra mạnh mẽ, đóng góp đắc lực vào phong trào cách mạng của cả nước.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng mà trực tiếp là của Đảng bộ thành phố, Hải Phòng trở thành một trong những trung tâm của phong trào cách mạng cả nước.
Ngày 4/8/1945, quân và dân Hải Phòng tổ chức cuộc chiến đấu chống phátxít Nhật thắng lợi.
Theo lệnh tổng khởi nghĩa, từ ngày 15 đến 25/8/1945, nhân dân Hải Phòng cùng với nhân dân cả nước đứng lên giải phóng thành phố, xóa bỏ chính quyền tay sai các cấp của địch, thiết lập chính quyền cách mạng, giành độc lập tự do.
Ngày 20/11/1946, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ ở Hải Phòng.
Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Đảng bộ, quân và dân Hải Phòng đã tiến hành thành công cuộc chiến tranh toàn dân, toàn diện ngay trong vùng địch tạm chiếm, lập nên nhiều chiến công xuất sắc, làm nên truyền thống “đường 5 anh dũng,” “đường 10 quật khởi,” “Cát Bi rực lửa.”
Sau khi góp phần vào Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, quân và dân Hải Phòng lại bước vào cuộc chiến đấu mới với 300 ngày đấu tranh để bảo vệ, giữ không cho địch phá hoại và di chuyển máy móc vào miền Nam.
Bằng trí tuệ và lòng dũng cảm, quân và dân Hải Phòng đã đập tan ý đồ phá hoại thành phố Cảng, phá hoại Hiệp định Geneva của địch.
Ngày 13/5/1955, Quân đội Việt Nam tiến vào tiếp quản thành phố Hải Phòng trong sự chào đón của nhân dân. (Ảnh: TTXVN)
Ngày 13/5/1955, nhân dân Hải Phòng chào đón bộ đội ta vào tiếp quản thành phố. Đây là một sự kiện có ý nghĩa lịch sử vô cùng quan trọng, đánh dấu mốc son chói lọi trong sự nghiệp cách mạng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố.
Với những chiến công vẻ vang trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Hải Phòng đã vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng 6 chữ vàng “Thành phố Trung dũng-Quyết thắng.”
Sau cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, năm 1976, Đảng bộ, quân và dân thành phố Hải Phòng vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng - phần thưởng cao quý nhất của Nhà nước ta.
Đến trung tâm kinh tế biển hiện đại bậc nhất miền Bắc
Với truyền thống “Trung dũng-Quyết thắng,” 70 năm qua, quân và dân Hải Phòng luôn phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng, đẩy mạnh phong trào thi đua, ra sức phấn đấu vượt mọi khó khăn gian khổ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong thời kỳ mới.
Hòa cùng nhịp sống sôi động và phát triển mạnh mẽ của đất nước, với những quyết sách hợp lòng dân, Hải Phòng đang từng ngày bừng lên sức sống mới.
Như con tàu băng ra biển lớn, Hải Phòng mang sức mạnh của một vùng địa linh, nhân kiệt để khẳng định vị thế chiến lược về quốc phòng, an ninh, trung tâm kinh tế biển hiện đại hàng đầu Đông Nam Á với đà tăng trưởng kinh tế luôn nằm trong tốp đầu cả nước.
Đóng tàu hàng tại Xí nghiệp đóng tàu Bạch Đằng (5/1970). (Ảnh: Văn Sắc/TTXVN)
Trong những năm 1955-1965, Hải Phòng là nơi triển khai thực hiện những phong trào thi đua yêu nước, nơi khởi nguồn của phong trào thi đua “Sóng Duyên Hải” trong sản xuất công nghiệp, cũng là nơi mở đầu của phong trào thi đua xây dựng tổ, đội lao động xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc.
Để chi viện cho chiến trường Miền Nam, Bến K15 được xây dựng. Đây là nơi xuất phát bí mật của những con tàu không số, nơi khởi đầu bản hùng ca trên biển - đường Hồ Chí Minh huyền thoại, trở thành biểu tượng tự hào của dân tộc, là hiện thân của ý chí khát vọng độc lập, tự do và thống nhất Tổ quốc. Rất nhiều sỹ quan, thủy thủ của những con tàu “không số” là những người con ưu tú của Hải Phòng.
Từ năm 1965 đến năm 1975, Hải Phòng là trọng điểm đánh phá của máy bay, tàu chiến Mỹ. Đảng bộ, quân và dân Hải Phòng đã phát huy cao độ truyền thống “Trung dũng-Quyết thắng” để chiến đấu và chiến thắng, bắn rơi 317 máy bay Mỹ, phá thế bao vây, phong tỏa cảng bằng thủy lôi của kẻ thù, đảm bảo mạch máu giao thông vận tải thông suốt trong mọi tình huống.
Hàng vạn người con ưu tú của Hải Phòng đã “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước,” biết bao người đã nằm lại với đại ngàn Trường Sơn, đã hóa thân vào Đất Việt.
Trong những năm 1976-1985, Hải Phòng cùng cả nước thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hải Phòng là nơi khởi nguồn cơ chế khoán sản phẩm trong sản xuất nông nghiệp, được Trung ương tin tưởng giao thí điểm các chủ trương đổi mới quản lý sản xuất công nghiệp, mở rộng giao lưu hợp tác quốc tế, thí điểm thực hiện cơ chế giá sát với giá thị trường, tổng kết thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra.”
Những bước đi, cách làm sáng tạo đó của Hải Phòng đã góp phần hình thành đường lối đổi mới toàn diện của Đảng.
Bốc xếp hàng tại Cảng Hải Phòng những năm đầu 1970. (Ảnh: Bảo Hanh/TTXVN)
Đặc biệt, từ năm 2016 đến nay là giai đoạn phát triển mạnh mẽ, đột phá của Hải Phòng. Tăng trưởng kinh tế thành phố luôn trong nhóm dẫn đầu cả nước, duy trì 10 năm liên tiếp tăng trưởng 2 con số. Hạ tầng giao thông được đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại. Trong đó, cảng biển nước sâu Lạch Huyện đưa vào sử dụng từ năm 2018 được xem là cảng nước sâu lớn nhất miền Bắc.
Ngoài ra, cầu vượt biển Tân Vũ-Lạch Huyện và một loạt các cây cầu kết nối liên vùng được đầu tư và đi vào sử dụng, như: cầu Dinh, cầu Quang Thanh, cầu Bến Rừng, cầu sông Hóa, cầu Lại Xuân…, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.
Thành phố đã thu hút được nhiều công ty, tập đoàn lớn trong nước (Vingroup, Sungroup, Geleximco, Flamingo…) với các dự án lớn có tổng mức đầu tư hơn 200 nghìn tỷ đồng; cùng với đó là các dự án lớn từ Nhật Bản, Hàn Quốc, có khả năng thu hút các dự án vệ tinh khác như: LG Electronics, LG Display, Bridgestone, Nipro Pharma, Fuji Xerox…
Đặc biệt, ngày 24/01/2019, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 45-NQ/TW về xây dựng và phát triển Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây được coi là kim chỉ nam hiện thực hóa các khát vọng phát triển, là điểm tựa để thành phố cất cánh.
Đến nay, sau 6 năm triển khai thực hiện, vai trò là trung tâm kinh tế-xã hội lớn của thành phố Hải Phòng đối với vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước tiếp tục được khẳng định.
Hải Phòng là địa phương duy nhất trong cả nước duy trì tốc độ tăng trưởng ở mức hai con số trong 10 năm liên tiếp, với thu ngân sách đứng thứ 3 cả nước, chỉ sau Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, thu hút đầu tư nước ngoài đứng thứ hai cả nước, là kỳ tích trong thời kỳ đổi mới.
Một góc thành phố Hải Phòng. (Ảnh: TTXVN phát)
Năm 2024, kinh tế Hải Phòng vươn lên đứng vị trí thứ 5 cả nước, với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất trong 5 địa phương có quy mô kinh tế lớn nhất.
Quý 1 năm 2025, GRDP của thành phố tăng trưởng 11,07% so với cùng kỳ, gấp gần 1,6 lần GDP cả nước, đứng thứ 6 cả nước và đứng thứ 2 vùng Đồng bằng sông Hồng. Thu nội địa đạt trên 28.500 tỷ đồng, tăng 48,2% so với cùng kỳ, đạt 55,96% dự toán Trung ương và dự toán Hội đồng nhân dân thành phố giao, cao gấp hơn 3 lần năm 2021.
Hải Phòng cũng là địa phương đứng đầu cả nước trong các bảng xếp hạng về: Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số Cải cách hành chính (PAR Index), Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (SIPAS) và Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI).
Thành phố đang tăng tốc, đổi mới mô hình tăng trưởng; cơ cấu lại nền kinh tế theo định hướng phát triển 3 trụ cột: công nghiệp công nghệ cao; cảng biển-logistic; du lịch-thương mại. Trong số đó, chú trọng ứng dụng khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo; ứng dụng số trong các ngành công nghiệp, phát triển nền kinh tế xanh, ưu tiên các dự án sử dụng năng lượng tái tạo và công nghệ sạch.
Hải Phòng cũng đang xây dựng Khu kinh tế ven biển phía Nam theo mô hình tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững; tập trung vào lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ cảng biển và logistics hiện đại.
Không chỉ chú trọng vào phát triển công nghiệp, Hải Phòng còn tập trung vào việc phát triển du lịch thông qua việc khai thác các di sản văn hóa, lịch sử và luôn đề cao, coi trọng việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống mang đặc trưng bản sắc Hải Phòng.
Quần đảo Cát Bà được UNESCO công nhận là khu Dự trữ Sinh quyển Thế giới (năm 2004); được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Di tích Quốc gia Đặc biệt (năm 2013). (Ảnh: TTXVN)
Đến năm 2024, toàn thành phố có 565 di tích được xếp hạng các cấp; 12 Di sản Văn hóa Phi Vật thể Quốc gia, 1 Di sản Thiên nhiên Thế giới được UNESCO vinh danh và nhiều di sản tiêu biểu khác.
Thành phố Hải Phòng đang phát huy thế mạnh lịch sử và truyền thống cách mạng của mình để bước vào một kỷ nguyên mới với nền tảng vững chắc, đồng thời kết nối chặt chẽ với xu thế phát triển của thế giới.
Ngày 13/5/2025, Hải Phòng sẽ vinh dự đón nhận Danh hiệu “Thành phố Anh hùng” đúng dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Hải Phòng, một dấu mốc lịch sử quan trọng, càng làm tăng thêm ý nghĩa và giá trị của danh hiệu đối với mỗi người dân thành phố Cảng.
Danh hiệu là sự ghi nhận xứng đáng cho những nỗ lực bền bỉ, đóng góp to lớn của các thế hệ Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Hải Phòng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời là nguồn động viên to lớn, tiếp thêm sức mạnh để Hải Phòng phát huy truyền thống “Trung dũng-Quyết thắng,” tiếp tục vững bước trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc./.
(TTXVN/Vietnam+)
Nguồn:https://www.vietnamplus.vn/hai-phong-thanh-pho-anh-hung-vuot-song-vuon-minh-post1037989.vnp
Bình luận (0)