Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Dư âm Vesak 2025: Niềm vui chiêm bái xá lợi và ước vọng hòa bình

(Dân trí) - Đăng cai Đại lễ Vesak vào đúng dịp kỷ niệm 50 năm thống nhất, Việt Nam cho bạn bè quốc tế thấy hình ảnh một đất nước phồn vinh, quý trọng giá trị hòa bình và tự do tôn giáo.

Báo Dân tríBáo Dân trí10/05/2025

0.webp

Dưới cái nắng 36 độ C, xen lẫn những cơn mưa rào thử thách lòng kham nhẫn, đoàn Phật tử nhích từng bước về phía cổng chùa Thanh Tâm (huyện Bình Chánh, TPHCM). Mỗi người phải xếp hàng gần 2 giờ đồng hồ, trước khi cánh cửa có làn gió điều hòa mát lạnh và bảo tháp xá lợi lung linh hiện ra trước mắt.

Với những Phật tử Việt Nam mới chỉ được "gặp" Phật Thích Ca qua lời kinh, pháp thoại, việc được chiêm bái tận mắt xá lợi của Đức Thế Tôn vào đúng mùa Phật đản Vesak là trải nghiệm đặc biệt. 

Phúc lợi của tín đồ

Ngày 6/5, các đại biểu từ 85 quốc gia đổ về Học viện Phật giáo (huyện Bình Chánh, TPHCM) để dự khai mạc Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025. Cờ Phật giáo treo rợp đường phố để đón mừng quan khách.

Trong khuôn viên đại lễ, một lá đại Phật kỳ rộng 500m2 được khí cầu kéo lên cao, bay phấp phới trong gió.

1.webp

Đại Phật kỳ tung bay tại Đại lễ Vesak 2025 (Ảnh: Nam Anh).

Cũng ngày 6/5 cách đây 62 năm, chính quyền Ngô Đình Diệm ra lệnh cấm treo cờ tôn giáo ngay trước thềm lễ Phật đản, làm thổi bùng lên làn sóng bất bình của Phật tử miền Nam. Cuộc đấu tranh bất bạo động đòi quyền tự do, bình đẳng cho Phật giáo đã diễn ra sau đó, mà đỉnh điểm là sự kiện Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu tại Sài Gòn vào ngày 11/6/1963.

Hơn nửa thế kỷ sau, đất nước đã không còn chia cắt. Xá lợi Trái tim Bồ tát Thích Quảng Đức được gìn giữ và chiêm bái. Thành phố năm xưa Bồ tát phải tự thiêu, giờ là nơi từng đoàn tăng, ni, Phật tử từ 85 quốc gia quy tụ về để dự Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc. Họ mang tới Việt Nam những lời chúc mừng nhân dịp 50 năm thống nhất non sông.

"Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người, coi đó là nền tảng quan trọng để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc", Chủ tịch nước Lương Cường khẳng định với các đại biểu dự khai mạc Đại lễ Vesak 2025.

Việt Nam hôm nay không chỉ chào đón Phật giáo, mà còn chào đón cả sự phát triển đa dạng của tôn giáo này. Hội trường khai mạc Đại lễ trở thành không gian đa sắc màu với những nhà sư đến từ nhiều quốc gia, sắc tộc, ngôn ngữ, truyền thống và hệ phái.

2.webp

Dọc đường dẫn vào hội trường Đại lễ Vesak, Phật tử Việt Nam cung kính đảnh lễ các nhà sư nước ngoài (Ảnh: Ngọc Tân).

Một bảo vật Phật giáo cũng được chào đón trọng thị là xá lợi Đức Phật từ Ấn Độ. Từ sân bay Tân Sơn Nhất, bảo vật được rước về tôn trí tại chùa Thanh Tâm, nằm cạnh khuôn viên tổ chức Đại lễ Vesak. 

Xá lợi Đức Phật được tôn trí giữa một gian phòng có trần cao, nằm tại tầng trệt của chùa Thanh Tâm. Xá lợi được đặt trong tháp bằng gỗ trạm khắc tinh xảo, bốn mặt ốp vách kính. Những tràng hoa trắng rủ xuống từ bốn góc mái. Hoa cúc, hoa sen được bài trí xung quanh.

"Buddham saranam Gacchami..." câu kinh tiếng Pali vang lên trầm sâu cùng khói nhang lan tỏa khắp gian phòng. Câu kinh dịch sang tiếng Việt là: "Con xin quy y Phật...".

Lòng kính ngưỡng xá lợi khiến dòng người đi qua gian phòng đều cố gắng bước thật chậm. Có người khom lưng, chùng gối, do dự làm một động tác quỳ đảnh lễ nhưng không thể vì sau lưng là dòng người đang bước. Bên ngoài cửa ra, nhiều người quay mặt về hướng xá lợi, quỳ đảnh lễ.

Sau 2 giờ chờ đợi, trải nghiệm đi vòng quanh chiêm bái xá lợi chỉ kéo dài khoảng 5 phút. "Đó là 5 phút hạnh phúc nhất", Thùy Dung, nữ Phật tử từ quận 6 đến chiêm bái xá lợi Đức Phật, chia sẻ với phóng viên.

3.webp

Không gian chiêm bái xá lợi Đức Phật (Ảnh: BTC).

Hình ảnh cả triệu lượt người xếp hàng chiêm bái xá lợi Đức Phật và xá lợi Trái tim Bồ tát Thích Quảng Đức trong tâm thế hoan hỷ, yêu thương và trật tự, như lời Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình, là sự khẳng định kết quả rõ rệt trong việc chăm lo đời sống tinh thần của nhân dân.

Theo Phó Thủ tướng, thành công của Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025 khẳng định nhiều giá trị nhân văn và thành tựu to lớn của đất nước, con người Việt Nam, khẳng định truyền thống văn hóa hòa hiếu, từ bi, hướng thiện, yêu hòa bình của dân tộc Việt Nam và chính sách tự do tín ngưỡng, tôn giáo đúng đắn của Đảng.

Lời nguyện hòa bình từ đất nước nếm trải chiến tranh

Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc là sự kiện thường niên có quy mô lớn và quan trọng nhất của cộng đồng Phật giáo thế giới. Không chỉ mang tính nghi lễ và ngoại giao, đây còn là diễn đàn học thuật lớn để các nhà nghiên cứu, chuyên gia thảo luận về xu thế thời đại và phương hướng phát triển của đạo Phật.

Năm nay, chủ đề chính của đại lễ là Đoàn kết và bao dung vì nhân phẩm con người. Tuệ giác Phật giáo vì hòa bình thế giới và phát triển bền vững. Hội thảo khoa học diễn ra trong Đại lễ Vesak cũng xoay quanh đề tài này. Trong kỷ yếu tham luận dài gần 1.000 trang được tổng hợp, từ khóa "hòa bình" được nhắc đến hơn 1.500 lần.

4.webp

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung dự lễ hội hoa đăng cầu hòa bình thế giới (Ảnh: Bảo Quyên).

Chia sẻ với bạn bè quốc tế bên lề Đại lễ Vesak, Bộ trưởng Dân tộc và Tôn giáo Đào Ngọc Dung cho biết Việt Nam là một trong những quốc gia chịu nhiều đau thương nhất do chiến tranh. Để có được hòa bình, đất nước đã phải trả giá lớn với 1,2 triệu liệt sỹ, 800.000 thương binh. Vết thương chiến tranh vẫn tiếp tục kéo dài sang thế hệ thứ 3.

"Do đó, Việt Nam, hơn ai hết, rất quý trọng và trân trọng hòa bình và tự do, trong đó có tự do tôn giáo", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ.

Người đứng đầu Bộ Dân tộc và Tôn giáo khẳng định Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025 cũng là dịp giới thiệu một đất nước Việt Nam yêu chuộng hòa bình, thân thiện, đoàn kết với bạn bè quốc tế, đồng thời khẳng định với cộng đồng quốc tế về chủ trương, chính sách tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Việt Nam.

Tối 6/5, sau khi dự lễ khai mạc Vesak, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cùng các đại biểu Vesak quốc tế đi bộ hành thiền và thắp sáng 35.000 hoa đăng cầu nguyện hòa bình thế giới. 12.000 người đã cùng thả hoa đăng, thành tâm cầu nguyện cho hòa bình thế giới, quốc thái dân an, cho nhân loại vượt qua khổ đau.

"Chánh niệm", "dấn thân", "đoàn kết", "chữa lành"... cũng là những từ khóa chủ đạo được các học giả nhắc đến tại Hội thảo quốc tế Vesak 2025. Trong nỗ lực xác định vai trò của cộng đồng Phật giáo trước những vấn đề xã hội và thách thức toàn cầu, các đại biểu đã thông qua Tuyên bố TPHCM.

Toàn văn Tuyên bố TPHCM dài 6 trang với 6 điều được thống nhất, gồm: (1) Đoàn kết và bao dung vì nhân phẩm; (2) Nuôi dưỡng bình an nội tâm vì hòa bình thế giới; (3) Tha thứ, chữa lành bằng chánh niệm và hòa giải; (4) Từ bi Phật giáo trong hành động: Trách nhiệm chung vì sự phát triển con người; (5): Chánh niệm trong giáo dục vì tương lai nhân ái và bền vững; (6) Thúc đẩy đoàn kết, nỗ lực hợp tác vì hòa hợp toàn cầu.

5.webp

Đêm hội hoa đăng cầu hòa bình thế giới tại Học viện Phật giáo (huyện Bình Chánh) (Ảnh: Bảo Quyên).

Tuyên bố TPHCM cũng ghi nhận sự chuyển mình mạnh mẽ của đất nước Việt Nam, đặc biệt là chứng kiến những thành tựu to lớn trên mọi mặt đời sống, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội… trong đó nổi bật là TPHCM sau 50 năm thống nhất đất nước. Vị thế quốc tế của Việt Nam ngày càng được nâng cao và đóng vai trò quan trọng trong khu vực và trên thế giới.

"Lần thứ 4 Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc được tổ chức tại Việt Nam cho chúng tôi thấy rõ hơn thực tiễn đời sống tôn giáo phong phú, đa dạng, và tự do tại Việt Nam. Chúng tôi thấy rõ những cam kết mạnh mẽ và thực thi trong thực tiễn của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong việc tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người dân", Tuyên bố TPHCM nêu rõ.

Như một điểm hẹn của lịch sử, TPHCM là nơi tổ chức thành công hai đại lễ: Kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước và Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc lần thứ 20. Quan khách quốc tế đến với TPHCM dịp này được chứng kiến một Việt Nam thống nhất, phồn vinh và coi trọng tự do, hòa bình.

Dantri.com.vn

Nguồn:https://dantri.com.vn/xa-hoi/du-am-vesak-2025-niem-vui-chiem-bai-xa-loi-va-uoc-vong-hoa-binh-20250509153537256.htm





Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Lễ duyệt binh Nga: Những góc quay 'tuyệt đối điện ảnh' khiến người xem sửng sốt
Xem lại tiêm kích Nga trình diễn ngoạn mục trong Lễ kỷ niệm 80 năm Ngày Chiến thắng
Cúc Phương vào mùa bướm – khi rừng già hóa thành chốn cổ tích
Mai Châu chạm vào trái tim thế giới

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm