Một hành trình gian nan nhưng đầy ắp hy vọng đang được viết tiếp bởi những con người nặng lòng với đất, với rừng, gieo từng mầm xanh để "vá" lại màu xanh cho đại ngàn.
Ký ức buồn và những "vết sẹo" nhức nhối
Những năm trước, nhắc đến khu vực hai xã Hang Kia - Pà Cò (huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình), nhiều người hình dung về một "điểm nóng" phức tạp về ma túy, đã đẩy nhiều gia đình nơi đây vào cảnh mất con, mất cha, mất chồng.
Song còn có một nỗi đau khác, âm thầm và dai dẳng hơn, đó là sự tàn phá rừng. Những cánh rừng từng trù phú, nơi trú ngụ của nhiều loài động vật quý hiếm giờ đây đã bị đe dọa nặng nề.
Thời điểm thành lập Khu Bảo tồn Thiên nhiên Hang Kia - Pà Cò, trong vùng lõi đã là nơi sinh sống của đồng bào người Mông, Thái; từ thời xa xưa họ vốn đã có tập quán canh tác dựa vào rừng, nhu cầu lấy gỗ làm nhà, phục vụ sinh sống cho gia đình và cộng đồng.
Người dân địa phương kể lại, thời điểm ngày trước trên rừng có rất nhiều loại gỗ quý như trai, nghiến..., song tới nay không bảo tồn được.
Hang Kia - Pà Cò: Hồi sinh "vết sẹo" đến rừng xanh hy vọng (Video: Đoàn Thủy).
Bên cạnh đó, khi Hang Kia - Pà Cò chưa có những bản làng phát triển du lịch cộng đồng, chăn nuôi tạo sinh kế, người dân thường vào rừng săn bắt làm lương thực, thực phẩm hay để bán tăng thu nhập. Dần dần những loài động vật như cầy hương, nhím hay rùa cũng dần biến mất.
Anh Hòa, người đồng bào Thái tại đây cho biết: "Ngày xưa, người dân chúng tôi chủ yếu sống dựa vào rừng, săn bắn. Những loài động vật quý như cầy hương, nhím, rùa giờ rất hiếm và gần như không có".
Chỉ tay về phía con suối gần nhà, anh tiếp tục: "Như con suối này là nguồn nước của bản tôi dùng để sinh hoạt, giặt quần áo, nấu ăn, giờ cũng đang rất cạn. Việc phá rừng khiến nguồn nước suối bị ảnh hưởng rất nhiều. Không có cây làm sao giữ được nước trên rừng".
Bên cạnh đó, Khu bảo tồn Hang Kia - Pà Cò gần với lòng hồ thủy điện So Lo, việc mất rừng cũng sẽ khiến lượng nước vào mùa khô suy giảm, ảnh hưởng đến công suất hoạt động của nhà máy. Chính vì thế, việc trồng và khôi phục rừng đầu nguồn tại đây đóng vai trò quan trọng trong việc điều tiết và đảm bảo nguồn nước ổn định hơn.
Vượt qua gian khó - "đá vẫn nở hoa"
Hang Kia - Pà Cò không cam chịu ngủ quên trong quá khứ buồn. Một khát vọng đổi thay, "vá rừng" đã âm ỉ và bùng cháy với những dự án khôi phục vẻ màu xanh của đại ngàn Tây Bắc như Dự án "Rừng Xanh Lên" do Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) khởi xướng từ năm 2022, với mục tiêu phục hồi 500ha rừng tự nhiên ở vùng chuyển tiếp Mai Châu (Hòa Bình) và Vân Hồ (Sơn La).


Song điều đáng quý nhất chính là sự vào cuộc của chính cộng đồng địa phương. Anh Vì Văn Bình (người đồng bào Thái tại Pà Cò), ban đầu còn e dè, giờ đã là một người tích cực bảo vệ rừng bày tỏ: "Thời cha ông chúng tôi thường khai hoang rừng, khiến rừng bị ảnh hưởng. Hiện tại đồng bào ở đây cảm nhận rõ những hậu quả tiêu cực của việc phá rừng đối với đời sống.
Tàn phá rừng gây ảnh hưởng đến khí hậu, các hiện tượng thời tiết cực đoan như mưa lũ, tác động trực tiếp đến cuộc sống của người dân. Giờ đây, với sự hỗ trợ của Nhà nước, chính quyền địa phương và ban quản lý khu bảo tồn; chúng tôi đã có thêm những công việc tạo sinh kế mà không ảnh hưởng đến rừng, và nhận thức của đồng bào về bảo vệ rừng rất cao".
Ông Sùng A Vàng, Phó trưởng ban quản lý Khu bảo tồn Thiên nhiên Hang Kia - Pà Cò cho biết: "Ngay từ đầu năm, chúng tôi đã chủ động xây dựng kế hoạch phối hợp triển khai công tác phát triển rừng, chuẩn bị và làm việc chặt chẽ từ sớm cùng Trung tâm Con người và Thiên nhiên và Ủy ban nhân dân xã, công tác vận động người dân tham gia trồng rừng nhằm bảo vệ môi trường đã đạt được những kết quả tích cực.
Đáng mừng là trong quá trình thực hiện, bà con nhân dân đều đồng tình và hưởng ứng mạnh mẽ. So với nhiều năm trước, nhận thức của người dân về tầm quan trọng của việc trồng rừng và bảo vệ môi trường đã có sự chuyển biến rõ rệt".

Nhiều ha rừng đang bị "tổn thương" do ngày xưa người dân chặt phá lấy gỗ làm nhà, làm nương rẫy.
Thông qua các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, cùng với công tác tuyên truyền sâu rộng trên các phương tiện thông tin đại chúng, người dân nơi đây ngày càng hiểu rằng bảo vệ môi trường chính là bảo vệ cuộc sống của chính mình.
Đông đảo người dân ủng hộ công tác phát triển rừng, mong muốn xây dựng một môi trường sống trong lành. Họ ý thức được rằng, muốn bảo vệ môi trường hiệu quả, việc trồng và chăm sóc rừng là một trong những giải pháp hàng đầu.
Theo ông Vàng, cán bộ cơ sở luôn nhấn mạnh với bà con rằng, phát triển rừng gắn liền với tiềm năng phát triển du lịch, một định hướng quan trọng của địa phương. Môi trường trong sạch, cảnh quan rừng xanh mát là yếu tố then chốt để thu hút du khách.
Đồng bào Thái, Mông tại Mai Châu đã dần thay đổi loại bỏ tư duy cũ "trồng rừng thì không có đất sản xuất".
Thực tế cho thấy, việc trồng các loại hoa màu ngắn ngày trên đất dốc không mang lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững.


Thay vào đó, trồng rừng không chỉ bảo vệ đất, chống xói mòn mà còn mở ra cơ hội kinh tế mới. Khi du lịch phát triển nhờ có rừng, bà con sẽ có cơ hội giới thiệu và bán các sản phẩm đặc trưng của địa phương như thổ cẩm, nông sản, thủ công mỹ nghệ. Qua đó, cải thiện đời sống và tăng thêm thu nhập.
Từ một "điểm nóng", Hang Kia - Pà Cò dần trở thành điểm sáng về nỗ lực phục hồi hệ sinh thái gắn với phát triển cộng đồng. Tiềm năng về du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng đang mở ra, hứa hẹn mang lại sinh kế bền vững cho người dân, để họ "sống được nhờ rừng" một cách chính đáng.
Những cánh rừng non hôm nay sẽ là những khu rừng vững chãi ngày mai, kết nối lại những hành lang đa dạng sinh học, mang lại sự bình yên và trù phú cho mảnh đất này.
Hành trình hồi sinh màu xanh ở Hang Kia - Pà Cò vẫn còn nhiều thử thách ở phía trước. Nhưng với sự chung sức, đồng lòng của chính quyền, các tổ chức tâm huyết và đặc biệt là của cộng đồng địa phương, niềm tin vào một tương lai tươi sáng hơn cho vùng đất này là hoàn toàn có cơ sở.
Ngày 16/5, 3.700 cây xanh bao gồm chò chỉ, trám, dổi, dẻ gai, và trai đã được trồng trên diện tích khoảng 6ha tại Khu Bảo tồn Thiên nhiên Hang Kia - Pà Cò thuộc xã Đồng Tân, huyện Mai Châu trong khuôn khổ Chiến dịch "Vì trái đất xanh".
Hoạt động diễn ra nhằm hưởng ứng Ngày Quốc tế đa dạng sinh học (22/5), đồng thời khẳng định vai trò ngày càng rõ nét của khối doanh nghiệp công nghệ trong công cuộc bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Ngày 24-25/5, PanNature tiếp tục hoạt động trồng rừng tại Khu vực rừng xã Song Khủa, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La.
Trong năm nay, PanNature cam kết trồng 30.000 cây xanh, góp phần phục hồi 50ha rừng tự nhiên tại Hòa Bình, Sơn La.
Nguồn: https://dantri.com.vn/khoa-hoc/hang-kia-pa-co-tu-vet-seo-cua-dai-ngan-den-mau-xanh-hy-vong-20250521014045760.htm
Bình luận (0)