Thông thường, người trong độ tuổi từ 18 - 35 thường xuyên thức sau 12 giờ đêm, phần lớn là do công việc, học tập hoặc các hoạt động giải trí cá nhân. Ngành nghề đặc thù, như: Y tế, công nghệ thông tin, bảo vệ, sản xuất công nghiệp, dịch vụ khách sạn, nhà hàng… buộc phải làm việc về đêm là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là ngày càng có nhiều người tự lựa chọn lối sống ngược với đồng hồ sinh học.
Việc duy trì thói quen thức khuya kéo dài dễ dẫn đến rối loạn nhịp sinh học, mất ngủ mạn tính, giảm khả năng miễn dịch, tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, tiểu đường, béo phì; ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tâm thần (lo âu, trầm cảm, khó phục hồi năng lượng), lâu dần làm giảm hiệu suất lao động và chất lượng cuộc sống.
Theo nhiều kết quả nghiên cứu, một trong những hậu quả dễ nhận thấy nhất của việc thức khuya là rối loạn giấc ngủ, hoặc thiếu ngủ kéo dài, dẫn đến suy giảm trí nhớ, hiệu suất làm việc giảm sút, tinh thần mệt mỏi. Anh N.T (ngụ TP. Long Xuyên, công tác trong lĩnh vực công nghệ thông tin) chia sẻ: “Giai đoạn mới ra trường, bắt đầu đi làm, do tính chất công việc, tôi hầu như làm việc xuyên đêm, mỗi tối, tôi ngủ nhiều nhất khoảng 2 tiếng, có nhiều đêm thức trắng. Một phần cũng vì làm việc về khuya thấy hiệu quả hơn. Để tỉnh táo làm việc, tôi uống cà-phê rất nhiều. Kéo dài một thời gian, sức khỏe đột ngột suy giảm, đau dạ dày nặng phải điều trị. Sau đó, tôi điều chỉnh thời gian nghỉ ngơi, làm việc hợp lý hơn, đảm bảo sức khỏe, làm việc lâu dài”.
Ảnh minh họa
Thời điểm từ 23 giờ đêm đến 3 giờ sáng là “khung giờ vàng” để gan thực hiện chức năng giải độc. Nếu con người vẫn hoạt động vào thời gian này, gan không thể làm việc hiệu quả, lâu ngày gây tích tụ độc tố, hệ tiêu hóa cũng không thoát khỏi tác động tiêu cực. Nhiều nghiên cứu chỉ ra mối liên hệ giữa thiếu ngủ và các rối loạn tâm lý. Đối với nghề nghiệp yêu cầu sự tỉnh táo cao, như: Ngành y, lái xe, kỹ thuật viên vận hành máy móc… tình trạng thiếu ngủ, không tỉnh táo có thể gây hậu quả nghiêm trọng.
Không thể phủ nhận thức khuya đôi khi giúp thực hiện hiệu quả công việc, hoặc mở rộng khung thời gian giải trí cá nhân. Nhưng về lâu dài, hiệu suất lao động giảm dần, khả năng sáng tạo và xử lý vấn đề bị ảnh hưởng. Não bộ mệt mỏi, phản xạ chậm, quyết định thiếu chuẩn xác, khó duy trì phong độ làm việc ổn định.
Người trẻ có thể chủ động “giảm thiểu thiệt hại” bằng cách thiết lập giờ làm việc, nghỉ ngơi khoa học, vừa đảm bảo công việc, vừa ổn định sức khỏe. Bạn Nguyễn Lê Vy (ngụ TP. Long Xuyên) chia sẻ: “Tôi thường xuyên mang việc về nhà làm để kịp tiến độ. Thay vì thức khuya, tôi chọn thức sớm để làm việc. Thông thường, tôi sẽ làm việc hơn 22 giờ, sau đó đi ngủ, dậy sớm làm việc lúc 4 giờ. Bằng cách này, tôi thấy tinh thần tỉnh táo, công việc vẫn đáp ứng yêu cầu, về lâu dài không ảnh hưởng sức khỏe”.
Giấc ngủ là quá trình nghỉ ngơi, giúp cơ thể mỗi người hồi phục toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần. Ngủ đúng, đủ là cách làm đúng đắn để sống khỏe, làm việc hiệu quả, giữ gìn năng lượng lâu dài. Để có giấc ngủ ngon, cần hạn chế sử dụng thiết bị điện tử trước giờ ngủ, tránh các chất gây khó ngủ, không ăn đêm muộn; tập thể dục nhẹ để giúp cơ thể dễ dàng thư giãn, ngủ sâu hơn.
Những người bắt buộc phải làm việc ban đêm cần xây dựng chế độ sinh hoạt hợp lý, như: Ngủ bù đủ giấc vào ban ngày, ăn uống đúng giờ, tập thể dục, nghỉ ngơi định kỳ để tái tạo năng lượng… Việc lắng nghe cơ thể, duy trì nhịp sinh học tự nhiên, ưu tiên giấc ngủ là cách đầu tư khôn ngoan cho sức khỏe. Nếu cảm thấy mất ngủ kéo dài, mệt mỏi mạn tính hoặc suy giảm nhận thức, cần tìm đến bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn và điều trị sớm, tránh để tình trạng diễn tiến thành rối loạn giấc ngủ nghiêm trọng.
MỸ LINH
Nguồn: https://baoangiang.com.vn/he-luy-thuc-khuya-lam-viec-dem-a420365.html
Bình luận (0)