Vĩnh Phúc có gần 37.000 ha đất rừng, chiếm 27,5% diện tích tự nhiên toàn tỉnh. Trước tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu đặt ra yêu cầu bảo vệ và phát triển rừng quyết liệt hơn. Đây vừa là nhiệm vụ cấp bách, vừa là nhiệm vụ chiến lược lâu dài để bảo vệ môi trường sinh thái, duy trì nguồn sinh thủy, phục vụ đời sống và sản xuất tại địa phương.
Dưới sự chỉ đạo sâu sát của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, những năm qua, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh luôn được quan tâm.
Cụ thể, cuối năm 2024, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 19 quy định mức đầu tư, hỗ trợ đầu tư, mức khoán, bảo vệ rừng trong lâm nghiệp. Việc triển khai chính sách góp phần nâng cao ý thức cho người dân trong công tác bảo vệ và phát triển rừng, hạn chế được các vụ phá rừng.
Theo quy định tại Nghị quyết số 19, đối tượng áp dụng mức đầu tư, hỗ trợ đầu tư, mức khoán, bảo vệ rừng là các cơ quan nhà nước, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư có liên quan đến hoạt động bảo vệ, phát triển rừng.
Mức kinh phí hỗ trợ bảo vệ rừng phòng hộ đối với Ban quản lý dự án rừng, tổ chức nhà nước, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư và các đối tượng khác là 500.000 đồng/ha/năm trên tổng diện tích rừng được giao.
Mức kinh phí hỗ trợ quản lý, bảo vệ rừng đối với Ủy ban nhân dân cấp xã đang quản lý diện tích rừng chưa giao, chưa cho thuê là 150.000 đồng/ha/năm; mức hỗ trợ đầu tư trồng rừng sản xuất và phát triển lâm sản ngoài gỗ là 15.000.000 đồng/ha/chu kỳ (hỗ trợ một lần); mức kinh phí cấp cho khoán bảo vệ rừng phòng hộ, rừng sản xuất là rừng tự nhiên 500.000 đồng/ha/năm…
Ông Nguyễn Lâm Tới, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Lập Thạch cho biết: "Hiện nay, huyện Lập Thạch có khoảng 350ha rừng phòng hộ nằm trong diện được hỗ trợ kinh phí bảo vệ. Trước đây, khi các chủ rừng chưa được hưởng chính sách hỗ trợ, hoặc mức hỗ trợ thấp thì việc quản lý, bảo vệ rừng chưa được quan tâm đúng mức, dẫn đến việc còn tình trạng khai thác rừng trái phép. Nhưng những năm gần đây, mức hỗ trợ kinh phí bảo vệ rừng được nâng lên, chủ rừng đã có ý thức, trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ khi thường xuyên đi tuần giúp kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi khai thác cây rừng trái quy định".
Cũng theo ông Tới, năm 2024 trở về trước, kinh phí hỗ trợ bảo vệ rừng được áp dụng mức chi trả là 290.000 đồng/ha/năm. Tuy nhiên, thực hiện Nghị quyết số 19, năm 2025, mức kinh phí hỗ trợ bảo vệ rừng phòng hộ sẽ được nâng lên 500.000 đồng/ha/năm. Khoản tiền hỗ trợ tuy không lớn, song lại là sự quan tâm, động viên kịp thời đối với các chủ rừng, nhất là trong bối cảnh rừng phòng hộ cần sự bảo vệ nghiêm ngặt. Người dân muốn khai thác phải tuân thủ các quy định của nhà nước bởi việc quản lý rừng phòng hộ hiện nay rất chặt chẽ.
Để triển khai hiệu quả Nghị quyết số 19, ngay từ đầu năm 2025, cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Lập Thạch đã thực hiện ký hợp đồng giao khoán bảo vệ rừng đối với 80 chủ rừng trên địa bàn xã Ngọc Mỹ. Trên cơ sở đó, cuối năm nay, sau khi tổ chức nghiệm thu, đơn vị sẽ tiến hành chi trả kinh phí hỗ trợ bảo vệ rừng cho người dân theo tinh thần Nghị quyết số 19.
Hiện nay, Chi cục Kiểm lâm Vĩnh Phúc đang quản lý gần 37.000 ha rừng và đất rừng. Trong đó, diện tích rừng đặc dụng là gần 16.000ha; rừng phòng hộ là hơn 4.000 ha; rừng sản xuất là hơn 13.000 ha. Ngành lâm nghiệp đã tổ chức giao đất, giao rừng cho 13 tổ chức và 11.525 hộ gia đình, cá nhân; xác lập rừng phòng hộ là 4.107,5 ha.
Hàng năm, đơn vị đều thực hiện kiểm kê rừng theo định kỳ; thống kê rừng, theo dõi diễn biến tài nguyên rừng. Điều này là cơ sở thuận lợi để triển khai Nghị quyết số 19 về thực hiện đầu tư, hỗ trợ đầu tư, mức khoán, bảo vệ rừng trong lâm nghiệp.
Trước đó, Chi cục Kiểm lâm Vĩnh Phúc đã đôn đốc các Hạt Kiểm lâm, đơn vị trực thuộc đẩy mạnh việc triển khai Nghị quyết số 19 nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm cũng như sự tham gia, đóng góp đắc lực của người dân, chủ rừng trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Lực lượng này sẽ phát huy vai trò nòng cốt trong phát hiện, ngăn chặn các hành vi chặt, phá, lấn, chiếm, khai thác rừng trái quy định pháp luật; thực hiện tốt các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng, bảo vệ rừng trên diện tích rừng được giao.
Theo đánh giá của ngành kiểm lâm, nhờ làm tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, đến nay, chất lượng và trữ lượng rừng của tỉnh đã có những chuyển biến tích cực, độ che phủ của rừng đạt 25%, đạt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra.
Bài, ảnh: Hà Trần
Nguồn: http://baovinhphuc.com.vn/Multimedia/Images/Id/128087/Hieu-qua-chinh-sach-ho-tro-dau-tu-khoan-bao-ve-rung
Bình luận (0)