Những năm qua, tỉnh đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển bền vững và đạt được những thành tựu quan trọng. Giai đoạn 2021 - 2025, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt từ 7 - 7,5%/năm - đây là mức tăng cao hơn mức tăng bình quân chung của cả nước. Quy mô nền kinh tế tăng 1,5 lần, từ 124 nghìn tỷ đồng năm 2020 lên khoảng 185 nghìn tỷ đồng năm 2025. Giá trị GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 145 triệu đồng vào năm 2025. Chất lượng tăng trưởng từng bước được cải thiện, năng suất lao động tăng bình quân 11%/năm.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tương đối nhanh theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng, dịch vụ - thương mại; du lịch dần trở thành ngành mũi nhọn; đồng thời hình thành, phát triển một số ngành kinh tế quan trọng như công nghiệp điện tử, thép, ô tô, cơ khí... Thu ngân sách tăng mạnh, đặc biệt cán mốc hơn 40 nghìn tỷ đồng năm 2022; kết cấu hạ tầng KT-XH, nhất là hạ tầng giao thông và đô thị được chú trọng đầu tư, nâng cấp.
Lĩnh vực văn hóa, xã hội có bước phát triển; chất lượng giáo dục - đào tạo và y tế ngày càng được cải thiện, nâng cao; an sinh xã hội được bảo đảm, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, nhất là của đồng bào các dân tộc thiểu số được nâng lên rõ rệt.
Để đạt được kết quả đó, tỉnh đã ban hành, triển khai nhiều cơ chế, chính sách đồng bộ nhằm huy động các nguồn lực đầu tư cho phát triển, trọng tâm là xây dựng, đổi mới cơ chế, chính sách nhằm thu hút tối đa các nguồn lực tài chính từ các thành phần kinh tế, đặc biệt là huy động nguồn vốn từ người dân, doanh nghiệp để đầu tư sản xuất, kinh doanh.
Tính đến hết quý I/2025, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ở cả 3 khu vực kinh tế trên địa bàn tỉnh đạt hơn 9.682 tỷ đồng, tăng 8,33% so với cùng kỳ. Trong đó, khu vực Nhà nước đạt 1.723 tỷ đồng, tăng 2,68%; khu vực ngoài Nhà nước tiếp tục giữ vai trò chủ lực với tổng vốn đầu tư đạt 4.643 tỷ đồng, chiếm 47,95% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, tăng 12,99%; khu vực vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 3.316 tỷ đồng, tăng 5,25%, chiếm 34,25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.
Nổi bật, kinh tế tư nhân đang góp phần thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lao động, gia tăng năng lực cạnh tranh của tỉnh khi các doanh nghiệp tư nhân lớn như Công ty cổ phần Sông Hồng thủ đô, Công ty cổ phần Ống thép Việt Đức, Công ty cổ phần Tập đoàn CNCTech, Công ty cổ phần dược phẩm Vĩnh Phúc, Công ty cổ phần cấp thoát nước số I Vĩnh Phúc đang dẫn đầu trong nhiều lĩnh vực, từ công nghiệp cơ khí chính xác, thép, đầu tư hạ tầng đô thị đến dược phẩm, y tế, nước sạch…
Điển hình là Công ty cổ phần Tập đoàn CNCTech (CNCTech Group) với hệ sinh thái phát triển công nghiệp đa lĩnh vực. Đến nay, CNCTech Group không chỉ là đối tác tin cậy của các doanh nghiệp trong nước và quốc tế trong lĩnh vực gia công cơ khí chính xác, công nghiệp bán dẫn mà còn là đối tác quan trọng của tỉnh trong việc thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các nhà đầu tư thứ cấp có tiềm lực tài chính, kinh nghiệm khi “lấn sân” sang kinh doanh hạ tầng một số khu công nghiệp của tỉnh và cho thuê nhà xưởng.
Hiện, CNCTech Group sở hữu 12 nhà máy trên toàn quốc, trong đó có 5 nhà máy tại Vĩnh Phúc; đồng thời có hơn 500 ha diện tích đất công nghiệp cho thuê, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh ngày càng chuyển dịch đúng hướng.
Mới đây, CNCTech Group đã lọt top 500 trên Bảng xếp hạng doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam (FAST500) năm 2025. Bảng xếp hạng này nhằm tôn vinh những doanh nghiệp xuất sắc đang đóng góp tích cực vào sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Qua đó ngày càng khẳng định bước phát triển đột phá của CNCTech Group, trở thành doanh nghiệp công nghiệp đa lĩnh vực hàng đầu của tỉnh nói riêng và Việt Nam nói chung.
Xác định vai trò quan trọng của việc huy động nguồn lực đầu tư cho phát triển KT-XH, tỉnh tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy thu hút các nguồn vốn đầu tư. Xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi vượt trội, cạnh tranh quốc tế, tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi thu hút các dự án lớn, trọng điểm quốc gia, dự án công nghệ cao, thu hút FDI từ các đối tác thuộc các nước phát triển nhằm đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn như du lịch, thương mại - dịch vụ, các ngành công nghiệp có tiềm năng, lợi thế…
Thu hút các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước thông qua việc tập trung đầu tư xây dựng, nâng cấp kết cấu hạ tầng KT-XH đồng bộ, hiện đại, có tính kết nối cao. Đẩy mạnh phát triển hạ tầng số; hạ tầng giáo dục, đào tạo, trung tâm khoa học - công nghệ, chăm sóc sức khỏe... theo quy hoạch. Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh nhằm đẩy mạnh hợp tác kinh tế, vận động và thu hút các nguồn vốn đầu tư, vốn ODA, vốn FDI, các nguồn đầu tư từ khu vực tư nhân...
Ngọc Lan
Nguồn: http://baovinhphuc.com.vn/Multimedia/Images/Id/128065/Thu-hut-nguon-luc-phat-trien-kinh-te---xa-hoi
Bình luận (0)