Tỉnh Sơn La , từng bước cải thiện diện mạo nông thôn miền núi, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, giữ gìn bản sắc văn hóa và tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc.
Trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh Sơn La đã ban hành tổng cộng 178 văn bản triển khai Chương trình, gồm cả Nghị quyết của Hội đồng nhân dân, quyết định và hướng dẫn của Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La và các sở, ngành liên quan. Về tổng nguồn vốn huy động cho chương trình trong giai đoạn này là hơn 8.690 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Trung ương chiếm hơn 6.154 tỷ đồng, ngân sách địa phương hơn 310 tỷ đồng, vốn vay tín dụng hơn 2.128 tỷ đồng. Các nguồn lực tập trung ưu tiên đầu tư cho 10 dự án thành phần, gồm: phát triển hạ tầng, hỗ trợ sản xuất, giáo dục, y tế, văn hóa, giảm nghèo bền vững, bảo tồn bản sắc dân tộc và thực hiện bình đẳng giới. Đến đầu tháng 7/2025, tỉnh Sơn La đã giải ngân hơn 3.434 tỷ đồng, đạt gần 70% kế hoạch vốn giao. Trong đó, riêng vốn đầu tư đạt tỷ lệ giải ngân 80%, tập trung cho các công trình thiết yếu như: đường giao thông, trường học, công trình cấp nước, chợ, trạm y tế, nhà văn hóa... giúp cải thiện điều kiện sống của người dân vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới.
Đồng chí Nguyễn Viết Hưng, Giám đốc Sở Dân tộc và Tôn giáo tỉnh cho biết, Chương trình đã đặt ra nhiều mục tiêu cụ thể về thu nhập, hạ tầng, giáo dục, y tế, văn hóa, an sinh xã hội và đến nay đa phần đã đạt hoặc vượt kế hoạch đề ra. Thu nhập bình quân của đồng bào dân tộc thiểu số đến cuối năm 2025 của Sơn La dự kiến đạt 39,2 triệu đồng/người/năm, gấp đôi so với năm 2020. Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo giảm bình quân 4,47%/năm; 100% xã có đường ô-tô đến trung tâm được rải nhựa hoặc bê-tông; 78,3% bản có đường ô-tô đến trung tâm được cứng hóa. Tỷ lệ dân cư sử dụng điện lưới đạt 99,5%; tỷ lệ dân số nông thôn được dùng nước hợp vệ sinh đạt 97,5%. Tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đến trường ở tất cả các cấp từ mẫu giáo 5 tuổi đến trung học phổ thông đạt hơn 90%, riêng bậc tiểu học và trung học cơ sở đạt hơn 98%. Tỷ lệ người biết đọc, biết viết tiếng phổ thông hơn 94%.
Chương trình đã tác động rõ nét đến các dịch vụ xã hội, như: 98% đồng bào dân tộc thiểu số tham gia bảo hiểm y tế; hơn 80% phụ nữ sinh con tại cơ sở y tế và được hỗ trợ y tế; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng giảm còn 17,4%. Việc bố trí ổn định dân cư cho các hộ di cư không theo quy hoạch, hộ ở khu vực có nguy cơ thiên tai được chú trọng, đạt hơn 80% kế hoạch. Tỷ lệ bản có nhà sinh hoạt cộng đồng đạt 92,5%; 100% bản có đội văn nghệ, câu lạc bộ hoạt động thường xuyên. Tỷ lệ cán bộ người dân tộc thiểu số ở cấp xã đạt hơn 86%, cấp huyện đạt hơn 35%, cấp tỉnh hơn 26%...
Trong thời gian triển khai thực hiện Chương trình, tỉnh Sơn La đặc biệt quan tâm công tác tuyên truyền, tập huấn, truyền thông về chương trình. Từ báo cáo viên, tuyên truyền viên, phương tiện truyền thông đại chúng, mạng xã hội đến các hình thức sân khấu hóa, hội thi, hội nghị ở các xã, bản đều được triển khai đồng bộ và hiệu quả. Nhờ đó, nhận thức và sự đồng thuận trong cộng đồng được nâng lên rõ rệt. Tại các cơ sở, người dân đã hiểu rõ vai trò chủ thể của Chương trình, tích cực đóng góp công sức, vật liệu xây dựng công trình, tham gia vào các mô hình sản xuất, tự tổ chức sinh kế. Cùng với đó, tỉnh cũng chú trọng lồng ghép giới, thúc đẩy bình đẳng giới trong các dự án thành phần, đặc biệt là Dự án 8 về phụ nữ và trẻ em. Nhờ đó, từng bước rút ngắn khoảng cách giới trong lao động, việc làm, tiếp cận dịch vụ y tế, giáo dục, góp phần giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.
Cùng với những kết quả đạt được, việc triển khai Chương trình vẫn gặp một số khó khăn. Trong đó, tỷ lệ giải ngân vốn sự nghiệp đạt thấp, nhất là đối với các tiểu dự án hỗ trợ phát triển sản xuất. Một số văn bản hướng dẫn triển khai ban hành chậm; sự vào cuộc của một số cấp, ngành còn thiếu quyết liệt và cơ chế phân bổ vốn chi tiết còn cứng nhắc, chưa linh hoạt cho địa phương. Về chủ quan, một số cán bộ còn lúng túng, chưa nắm vững cơ chế; việc bố trí vốn đối ứng ở một số huyện còn chậm, thiếu nguồn lực.
Từ những khó khăn trên, tỉnh Sơn La đã kiến nghị Trung ương tiếp tục duy trì Chương trình trong giai đoạn 2026-2030. Đồng thời, nêu rõ trong giai đoạn tiếp theo 2026-2030, tổng nhu cầu vốn của tỉnh là hơn 5.450 tỷ đồng, bằng mức vốn đã phân bổ cho giai đoạn 2021-2025. Trong đó, vốn đầu tư phát triển chiếm hơn 4.000 tỷ đồng, tăng 30% so với giai đoạn trước; vốn sự nghiệp hơn 1.399 tỷ đồng, giảm 40% để tập trung vào các dự án mang lại hiệu quả dài hạn như sản xuất và giáo dục, an sinh xã hội. Tỉnh cũng đề xuất điều chỉnh mức hỗ trợ cứng hóa đường giao thông lên 3,6 tỷ đồng/km, phù hợp với thực tế giá cả vật liệu và địa hình miền núi...
Trong 5 năm triển khai thực hiện Chương trình, Sở Dân tộc và Tôn giáo tỉnh đã thực hiện hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, phối hợp cùng các sở, ban, ngành và địa phương tháo gỡ khó khăn, điều chỉnh linh hoạt để đạt mục tiêu đề ra. Qua các đợt kiểm tra cho thấy sự tham gia của người dân trong toàn bộ quy trình từ lập kế hoạch đến triển khai đã tạo nên sự đồng thuận, lan tỏa rộng khắp, góp phần nâng cao đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số, tạo động lực mới cho phát triển kinh tế-xã hội bền vững tại Sơn La ■
Nguồn: https://nhandan.vn/hieu-ung-tich-cuc-tu-mot-chuong-trinh-post894695.html
Bình luận (0)