
Tác phẩm do NXB Thông tin và Truyền thông phát hành quý I năm 2025, gồm 6.526 câu thơ lục bát, hơn 1.000 chú thích thuận lợi cho người cần tra cứu, dày 586 trang, khổ 16x24cm, bìa cứng, trình bày đẹp. Như GS.TS Đàm Đức Vượng chia sẻ: “Đây là tập thơ trữ tình và thơ triết lý tôi viết sau nhiều năm nghiên cứu, viết sách về Bác Hồ”.
Từng là công nhân, bộ đội rồi lại được đào tạo ở các trường danh tiếng trong và ngoài nước, sau đó làm việc tại Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương, rồi được giao trọng trách Phó Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, GS.TS Đàm Đức Vượng luôn cháy bỏng đam mê nghiên cứu khoa học và đam mê viết sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông có nhiều tác phẩm như “Quá trình hình thành tư tưởng yêu nước của Hồ Chí Minh”, “Hồ Chí Minh với vấn đề đào tạo cán bộ”, “Hồ Chí Minh đào tạo cán bộ và trọng dụng nhân tài”, “Những dấu ấn lịch sử về Hồ Chí Minh và Đảng do Người sáng lập”... Ngoài ra, ông còn nhiều tác phẩm viết chung với các đồng nghiệp như “Chủ tịch Hồ Chí Minh - tiểu sử và sự nghiệp”, “Hành trình cứu nước của Bác Hồ”, “Bác Hồ trong trái tim các nhà ngoại giao”...
Không chỉ viết sách, nhà thơ Đàm Đức Vượng còn sáng tác thơ, đã xuất bản 5 tập thơ trữ tình và thơ triết lý. Ở tuổi xế chiều, ông vẫn khát khao được viết một trường ca về Bác Hồ và Đảng - một công trình vừa có chiều sâu sử học, vừa đậm chất trữ tình. Ngay đầu sách, tác giả dẫn lời Bác Hồ trong bài “Nên học sử ta” viết năm 1942: “Dân ta phải biết sử ta/ Sử ta dạy cho ta những chuyện vẻ vang của Tổ tiên ta...”. Trước lời dạy của Bác, nhà thơ Đàm Đức Vượng cảm thán: “Lời Người dạy đẹp như hoa/ Cháu con ghi nhớ để mà học chung.../ Dân tộc có chí thì nên/ Dựng xây đất nước trên nền tổ tiên”.
Trường ca mở đầu bằng hình ảnh đau thương khi cậu bé Nguyễn Sinh Cung ra đời trong cảnh nước mất nhà tan. Bằng lối thơ giản dị mà giàu cảm xúc, tác giả tái hiện bối cảnh xã hội: “Súng Tây nã xuống tơi bời quê hương/ Tiếng kêu ai oán đêm trường...”. Rồi đến bước ngoặt năm 1911, người thanh niên Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước. Tác phẩm ghi lại những cột mốc quan trọng như sự kiện Người đọc "Luận cương Lênin" năm 1920, thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, viết “Đường Kách mệnh” và tiến tới thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 3-2-1930...
Một phần cảm xúc mạnh mẽ của tác phẩm nằm ở chương viết về Cách mạng Tháng Tám và "Tuyên ngôn Độc lập" năm 1945: “Tuyên ngôn độc lập hùng ca/ Việt Nam ta đó Bác Hồ Chí Minh...”. Những trang viết cũng không né tránh giai đoạn lịch sử đầy khó khăn khi đất nước mới giành độc lập. Tập thơ cũng dành nhiều đoạn cho giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, từ những trận mưa bom trên miền Bắc đến khí thế hào hùng của toàn dân tộc: “Một ý chí, một tấm lòng/ Giang tay ôm lấy non sông vững bền...”.
GS.TS Đàm Đức Vượng chia sẻ: “Tôi viết tài liệu khoa học, viết sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều. Với tất cả sự hiểu biết, sự tôn kính, sự biết ơn Bác Hồ kính yêu, tôi viết "Hồ Chí Minh và Đảng ca". Đây là tập thơ trữ tình và thơ triết lý. Thơ trữ tình là thơ nói về tình cảm con người với con người và tình cảm con người đối với đất nước, quê hương. Thơ triết lý là thơ khoa học, miêu tả đúng tên người, tên tổ chức, tên địa danh, tên sự kiện diễn ra trong thời gian, không gian nhất định. Thơ triết lý kén người đọc. Có thể tôi là người đầu tiên viết tiểu sử Chủ tịch Hồ Chí Minh và lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam bằng thể thơ lục bát và thơ triết lý”.
Nguồn: https://hanoimoi.vn/ho-chi-minh-va-dang-ca-truong-ca-ve-nguoi-va-dang-702618.html
Bình luận (0)