Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Hồ Sông Than tích nước: Kiến tạo diện mạo mới cho vùng hạn

Sau nhiều năm nỗ lực triển khai, hồ chứa nước Sông Than - công trình thủy lợi trọng điểm với tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng chính thức bắt đầu tích nước, mang theo hy vọng về một tương lai tươi sáng hơn cho vùng đất phía nam tỉnh, đặc biệt trong bối cảnh nắng hạn gay gắt; kiến tạo một diện mạo xanh cho khu vực từng bị coi là khô hạn nhất tỉnh.

Báo Khánh HòaBáo Khánh Hòa15/07/2025

Giải pháp bền vững cho vùng đất “khát”

Hồ chứa nước Sông Than (thuộc địa bàn xã Anh Dũng) là một trong những công trình thủy lợi quan trọng nhằm giải quyết bài toán thiếu nước tại vùng tưới phía nam của tỉnh. Dự án Hồ chứa nước Sông Than được triển khai từ năm 2018 với dung tích thiết kế 85,04 triệu m³. Đây là công trình thuộc nhóm B, loại công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn cấp II, đảm nhận nhiều nhiệm vụ quan trọng: Cấp nước tưới cho 4.500ha đất canh tác, cung cấp nước sinh hoạt cho khoảng 20.000 người dân vùng hạ lưu, bổ sung nước cho các hồ chứa khác như: Lanh Ra, Tà Ranh, Bầu Zôn và kiểm soát lũ cho khu vực hạ lưu. Ngoài ra, hồ còn kết hợp các lợi ích về giao thông, nuôi trồng thủy sản và tạo cảnh quan du lịch.

Đập bê tông trọng lực nhánh trái - hạng mục chính của dự án dài 304m, cao 39m. 
Đập bê tông trọng lực nhánh trái - hạng mục chính của dự án dài 304m, cao 39m. 

Các hạng mục chính của dự án bao gồm: Đập bê tông trọng lực nhánh trái dài 304m (cao nhất 39m) và đập đất nhánh phải dài 1.029m (cao nhất 33m). Hệ thống thủy công hiện đại còn có tràn, cửa với 3 cửa van, với lưu lượng xả lũ thiết kế lớn, cùng tràn tự do rộng 30m. Nguồn nước được dẫn qua cống lấy nước và kênh thông hồ dài 758,3m. Bên cạnh đó, dự án còn đầu tư đồng bộ khu nhà quản lý vận hành, hệ thống đường quản lý chính, đường tránh ngập lòng hồ dài hơn 2,3km, hệ thống điện và hệ thống quan trắc công trình.

Quá trình thực hiện dự án gặp nhiều khó khăn, nhất là công tác giải phóng mặt bằng và chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Dự án đã phải thực hiện chuyển đổi mục đích 431,76ha đất rừng, trong đó có 112,21ha đất rừng phòng hộ được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận. Chính quyền địa phương cũng đã phê duyệt quyết toán chi phí bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng hơn 342,3 tỷ đồng, đảm bảo quyền lợi cho người dân bị ảnh hưởng.

Đến thời điểm hiện tại, dự án cơ bản hoàn thành công tác thi công xây lắp toàn bộ hạng mục chính và phụ trợ. Các gói thầu về đập đất, đập bê tông, hệ thống tràn, cống lấy nước, cống xả sâu, đập phụ, kênh thông hồ, đường quản lý và nhà quản lý đều đã hoàn tất. Việc vận hành thử tải các cửa van đã được thực hiện thành công.

Mở ra triển vọng mới 

Giữa cao điểm nắng nóng của mùa hè, hồ chứa nước Sông Than đã mang đến tín hiệu đáng mừng khi chính thức bắt đầu tích nước. Nhờ những cơn mưa trái mùa "quý như vàng", hiện nay, hồ đã tiếp nhận hơn 4,5 triệu m3 nước. Để sớm đưa công trình vào vận hành chính thức, các sở, ngành, đơn vị liên quan cùng chủ đầu tư dự án đang tiến hành kiểm tra, hoàn thiện hồ sơ và chuẩn bị cho việc nghiệm thu, bàn giao toàn diện. Quy trình vận hành điều tiết và phương án ứng phó khẩn cấp cũng đã được UBND tỉnh phê duyệt, đảm bảo an toàn tối đa cho công trình ngay khi đi vào hoạt động chính thức.

Một góc hồ Sông Than.
Một góc hồ Sông Than.

Đi vào vận hành, hồ chứa nước Sông Than không chỉ cung cấp nguồn nước ổn định cho nông nghiệp, giúp hàng ngàn héc-ta đất canh tác thoát khỏi cảnh bỏ hoang vì thiếu nước, mà còn đảm bảo nước sinh hoạt cho cộng đồng, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống người dân và cải thiện môi trường sinh thái trong vùng. Ông Nguyễn Quốc Trường (thôn Tân Hòa, xã Anh Dũng), người có hơn 1,5ha đất trồng mì - nguồn kinh tế duy nhất của gia đình từng phải đối mặt với cảnh nhiều vụ phải bỏ đất hoang vì hạn kéo dài, nay phấn khởi chia sẻ: "Chúng tôi đã chờ mong công trình sớm hoàn thành đưa vào sử dụng. Tôi rất mừng khi hồ Sông Than đã tích nước, bước đầu đưa nước về vùng hạ lưu phục vụ sản xuất ổn định cho người dân trong vùng. Có nước rồi, người dân có thể mở rộng diện tích, chuyển đổi các loại cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao mà không còn lo cảnh sản xuất bấp bênh phụ thuộc vào nước trời".

Hiện tại, song song với việc tích nước, công tác bàn giao, vận hành và đấu nối các hạng mục liên quan đang được đẩy nhanh. Kế hoạch kết nối mạng lưới kênh mương và hệ thống liên thông giữa các hồ chứa nước lớn trong vùng cũng đang được xúc tiến. Ông Lê Xuân Toàn, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng tỉnh Khánh Hòa cho biết: “Ban Quản lý đang đẩy nhanh tiến độ hạng mục kênh chính kết hợp liên thông dẫn nước về hồ Lanh Ra, phấn đấu khởi công trong quý III và hoàn thành trong năm 2025”. 

Với những nỗ lực vượt khó, sự chuẩn bị kỹ lưỡng và tầm quan trọng chiến lược trong việc cung cấp nước, hồ chứa nước Sông Than hứa hẹn mở ra một tương lai xanh tươi và thịnh vượng cho khu vực phía nam tỉnh, đặc biệt là trong công tác phòng, chống hạn và thích ứng với biến đổi khí hậu. 

ANH TUẤN

Nguồn: https://baokhanhhoa.vn/doi-song/202507/ho-song-than-tich-nuoc-kien-tao-dien-mao-moi-cho-vung-han-13f1be7/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Cảnh huyền ảo trên đồi chè 'bát úp' ở Phú Thọ
3 hòn đảo ở miền Trung được ví như Maldives, hấp dẫn du khách dịp hè
Ngắm phố biển Quy Nhơn của Gia Lai lung linh về đêm
Hình ảnh ruộng bậc thang ở Phú Thọ dốc thoai thoải, sáng đẹp tựa gương soi trước vụ cấy

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm